Bóp nghẹt lá phổi xanh thành phố

Trong khi trẻ em thiếu sân chơi thì nhiều công viên tại TPHCM đang bị 'chia năm xẻ bảy' làm nơi kinh doanh nhà hàng, quán ăn… Tình trạng trên diễn ra tràn lan, người dân bức xúc nhưng cơ quan chức năng vẫn như không biết.

Công viên Phú Nhuận cho thuê mặt tiền kinh doanh cây kiểng, quán cà phê, khu tập thể hình…

Công viên Phú Nhuận cho thuê mặt tiền kinh doanh cây kiểng, quán cà phê, khu tập thể hình…

Kỳ 1: Ai đang xẻ thịt công viên

Công viên vốn là nơi dành cho các hoạt động vui chơi, giải trí sinh hoạt cộng đồng miễn phí cho người dân. Nhưng hàng loạt quán ăn, nhà hàng, cà phê, phòng tập thể hình đua nhau mọc lên để trục lợi.

Chia năm xẻ bảy

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại Công viên văn hóa Lê Thị Riêng (Cách Mạng Tháng Tám, P.5, Q.10) là hàng loạt ki-ốt, quán cà phê ôm trọn các mảng cây xanh. Gần 1/3 công viên được cắt ra cho doanh nghiệp thuê kinh doanh trò chơi có thu phí, câu cá giải trí, hồ bơi… Phía cổng chính đường Cách Mạng Tháng Tám và hai góc của công viên được cho tư nhân thuê làm nhà sách, siêu thị, trung tâm trò chơi thiếu nhi, dịch vụ ăn uống… Một phần công viên bị chia năm xẻ bảy bê tông hóa để làm sân tennis, sân khấu ca nhạc, căn-tin, cà phê hát với nhau hằng đêm. Hàng loạt ki-ốt ăn uống, quầy lưu niệm, dù che, băng rôn quảng cáo như mạng nhện bủa vây nhếch nhác. Buổi tối, các loại hàng rong cũng chen nhau vây kín trước công viên.

Việc chia đất cho tư nhân thuê kinh doanh, gần như bao kín không còn khoảng không để trẻ em vui chơi. “Ở công viên Lê Thị Riêng này, không có cái gì miễn phí, kể cả những trò chơi dành cho thiếu nhi” - một người dân bức xúc. Tại khu vực trò chơi Thỏ Trắng tìm “đỏ mắt” cũng không thấy khu vực nào miễn phí cho trẻ em. Các dịch vụ ở đây đều có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng/trò chơi.

Quán nước thì mọc từ đầu đến cuối công viên, rẻ nhất là cây kem cũng có giá 8.000 đồng/cây. Chị Minh Thanh (nhân viên văn phòng) chua chát: “Công viên ở vùng sâu vùng xa cũng có những trò cầu trượt, xích đu… miễn phí cho trẻ em, còn nơi đây cái gì cũng thu phí. Tôi không hiểu công viên này dành cho người dân vào vui chơi, thư giãn hay chỉ dành để kinh doanh?”.

Tại công viên Hoàng Văn Thụ (đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận), căn-tin ở đây chẳng khác gì tư gia của người kinh doanh với đầy nồi niêu, xoong chảo, bếp núc… “Tụi tui được người khác thuê bán. Ở đây không cho người ngoài vào thuê đâu?”- một chủ kinh doanh cho hay.

Căn-tin kiêm nhà ở tại công viên Hoàng Văn Thụ.

Với diện tích khá nhỏ nằm gọn trong khu dân cư nhưng Công viên văn hóa Phú Nhuận (đường Phan Đăng Lưu, P.7, Q.Phú Nhuận) cũng trong cảnh bị “xẻ thịt”. Gần 3/4 diện tích công viên bị các cửa hàng cây cảnh, quán cà phê, tiệm tạp hóa, phòng tập thể hình… lấy đất, xây nhà kiên cố để kinh doanh. Nếu không thấy bảng ghi công viên chắc không ai nhận ra đây là công viên. Chỉ còn một diện tích nhỏ nằm ở một góc công viên dành làm khu vui chơi cho thiếu nhi, gồm một khu cầu trượt, vài cái xích đu...

Có tình trạng bảo kê?

Công viên bị “xẻ thịt” dưới các hình thức khác nhau còn người kinh doanh tại công viên khẳng định: “muốn thuê phải “chi đậm” chứ không phải ai muốn vào cũng được”. Chẳng hạn, Công viên Phú Lâm (mặt tiền đường Kinh Dương Vương, P.13, Q.6), là không gian chung của người dân Quận 6, Bình Tân, Tân Phú… Nhưng từ nhiều năm nay, bị “bán” làm nhà hàng tiệc cưới, kinh doanh đồ chơi, đồ ăn... Những ngày cuối tuần, nhà hàng tiệc cưới rất đông khách, kèn nhạc huyên náo, chát chúa cả một vùng.

Lân la trò chuyện với một nhân viên làm ở khu vực trò chơi được biết không phải ai muốn vào công viên kinh doanh cũng được. Phải quen biết, đấu thầu, “chung chi” đủ kiểu. Nhưng khi ngỏ ý muốn thuê một khu vực mở trò chơi, người này nói: “Cái này tui không biết, ở đây toàn người làm công thôi”. Còn bà V. bán hàng tại công viên Lê Thị Riêng thì thầm: “Muốn vào đây thuê phải là người quen biết, có thân thế, tay trong… chứ người ngoài lơ mơ vào đây muôn đời không có chỗ”. Theo bà V., chỗ của bà vẻn vẹn có 2m2 (chỉ đủ đặt một cái máy và để cái ghế ngồi), nhưng hàng tháng bà phải chi một khoản tiền không nhỏ. Cũng không phải tự bà vào thuê được mà trước đây do chồng bà làm việc trong công viên mới có suất.

Chỉ tay qua hai ki-ốt bên cạnh, bà V. nói: “Chỗ đó là “con cưng” của công viên này nên mới ngon, rộng rãi thế. Ngày xưa bố chồng nó làm việc ở đây, sau này xí phần. Còn hai quán cà phê chiếm diện tích lớn dọc bờ hồ và ngoài cổng công viên, hàng đêm có chương trình hát với nhau… cũng là người của công viên cả”.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Về nguyên tắc, đất đai phải được sử dụng đúng công năng và chức năng. Công viên gồm có cây xanh và các công trình phụ trợ phục vụ cho người dân thành phố với mật độ xây dựng được cho phép là 5%. Các đơn vị được giao quản lý công viên phải đảm bảo đúng nguyên tắc đó. Nhưng vẫn còn tình trạng sử dụng sai mục đích và có tình trạng “xẻ thịt” công viên.

Ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải

Khi xảy ra chuyện lùm xùm ở công viên Phú Lâm (Q.6), Thành phố đã tổ chức thanh tra và đã có kết luận. Hiện nay, công viên đã có những khắc phục. Sau đó UBND TP chỉ đạo giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận huyện, tổ chức kiểm tra hoạt động của tất cả công viên trên địa bàn; tổ chức đo vẽ, xác lập chuẩn hóa, số hóa dữ liệu của các công viên. Hiện nay, Sở phối hợp với các sở ban ngành đang làm và trong năm nay sẽ hoàn tất việc kiểm tra, rà soát tất cả các công viên”.

Huy Thịnh

Uyên Phương - Ngô Bình

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bop-nghet-la-phoi-xanh-thanh-pho-1161764.tpo