Bóng ma chết chóc đằng sau nạn trộm súng ở Mỹ

Mỗi năm có tới 600.000 khẩu súng bị đánh cắp ở Mỹ, tức mỗi phút lại có 1 khẩu “bốc hơi.” Vấn nạn đang gia tăng này đã để lại rất nhiều hậu quả chết chóc.

Những khẩu súng bị đánh cắp đã được cơ quan cảnh sát Atlanta thu hồi.

Ngày càng nhiều vụ trộm vũ khí nóng

Landen Boyd đậu chiếc xe bán tải hiệu Chevrolet Silverado của anh tại một công trường xây dựng nằm ở phía Nam thành phố Atlanta, Mỹ, rồi đi làm. Trước đấy anh có bỏ trong cốp xe một khẩu súng ngắn bắn đạn cỡ 9mm hiệu Smith & Wesson.

Đó là mùa Thu năm 2006 và Boyd là một giám sát viên 37 tuổi, đang quản lý hoạt động phát triển một khu phức hợp bất động sản ở địa phương. Ngày hôm ấy, khi Boyd ăn trưa tại một cửa hàng bán sườn nướng gần công trường, có ai đó đã ném một hòn gạch lớn làm vỡ cửa kính sau xe anh. Tiếp đó, kẻ này chui vào bên trong, lấy đi khẩu súng rồi biến mất.

Vũ khí của Boyd rơi vào thế giới ngầm ở Atlanta trong hơn 2 năm rồi mới được cảnh sát tìm thấy trở lại, khi đã vấy máu, tại hiện trường một vụ đấu súng vào đầu năm 2009. Lúc ấy, nó đã liên quan tới 3 vụ phạm tội, gồm một vụ giết người.

Nhưng trường hợp mất súng và gây hậu quả như của Boyd không phải hiếm tại Mỹ. Vũ khí thuộc sở hữu tư nhân đang bị đánh cắp với tần suất đáng báo động: Từ 300.000 tới 600.000 khẩu mỗi năm, theo một cuộc khảo sát mới về tỉ lệ sở hữu súng do các nhà nghiên cứu ở hai đại học Harvard và Northeastern phối hợp tiến hành.

Ở giai đoạn cao điểm, mỗi ngày có hơn 1.600 khẩu súng bị đánh cắp, tức cứ mỗi phút lại có một khẩu “bốc hơi”. Số súng này đủ để vũ trang tới vài lần cho mọi vụ phạm tội liên quan tới súng đạn ở Mỹ.

Một cuộc nghiên cứu của trang tin Trace, trên các cơ quan cảnh sát Mỹ đóng tại 25 thành phố lớn, thấy rằng năm ngoái có khoảng 4.800 người báo bị lấy mất súng khi để chúng ở trong xe. Tại phần lớn các thành phố, hiện tượng này đang có chiều hướng đi lên, với một số nơi có tỉ lệ tăng thường niên lên đến 40%. Cảnh sát tin rằng ở một số nơi, bọn trộm đột nhập xe người khác chỉ có mục đích duy nhất là tìm và trộm súng.

Hiện tượng này diễn ra bởi nhiều bang của Mỹ, như ở Georgia, đã thông qua các đạo luật được Hiệp hội súng trường quốc gia ủng hộ, cho phép người dân mang súng ra nơi công cộng, cũng như mở rộng các phương tiện mà họ có thể dùng để chứa súng, gồm xe cộ.

Trong những cuộc phỏng vấn của Trace, chủ sở hữu súng nói rằng họ thường mang theo vũ khí khi đi dùng xe hơi đi đâu đó - bởi họ cảm thấy có quyền làm vậy, hoặc họ không đánh giá hết rủi ro khi để vũ khí nóng trong xe để đi làm, mua sắm hoặc giải trí.

Bọn trộm đã nhanh chóng đánh hơi thấy xu hướng này. “Trước đây trộm thường chỉ lấy và bán thiết bị vô tuyến, điện tử. Nhưng thị trường dành cho các món hàng này đã biến mất”, Richard Roundtree, cảnh sát trưởng quận Richmond, Georgia đánh giá. “Thị trường buôn bán đồ ăn cắp giờ chỉ dành cho vũ khí”.

Chủ sở hữu súng vô tình vũ trang cho tội phạm

Vấn nạn trộm súng khiến các vũ khí để trong xe, đại đa số là súng ngắn, đã di chuyển từ chủ sở hữu hợp pháp sang các bàn tay bất hợp pháp. Nói một cách khác, những người mang súng theo để phòng thân đang vũ trang cho chính những kẻ khiến họ sợ hãi.

Hiện không có thông tin công khai cho thấy hoạt động thu hồi súng bị đánh cắp khỏi những chiếc xe hơn, hay đã có ai đó triển khai một biện pháp mang tính hệ thống nhằm tìm hiểu xem chúng đã đi về đâu. Nghiên cứu của Trace cho thấy nhiều chủ sở hữu không bao giờ báo cáo việc mất súng với cảnh sát và ở phần lớn bang, luật không yêu cầu họ phải làm vậy. Ngay cả ở những bang có yêu cầu, việc thi hành luật cũng rất lỏng lẻo.

Nhưng có một thực tế là khi khẩu súng bị đánh cắp khỏi một chiếc xe hơi, nó không biến mất. Vũ khí bị đánh cắp nhanh chóng chảy vào Đường ống thép - một tuyến đường buôn lậu chạy dọc theo Bờ Đông Mỹ, đưa súng ăn cắp từ các bang miền Nam, nơi hoạt động sở hữu súng rộng rãi hơn, tới nhiều thành phố nằm ở Đông Bắc Mỹ.

Phần lớn súng đạn một khi bị đánh cắp sẽ không bao giờ có thể thu hồi. Trong một số trường hợp, chủ sở hữu còn không nhớ cả thông tin nhận dạng quan trọng về vũ khí của họ: Số serial. Khi cảnh sát thu hồi khẩu súng ăn cắp, thường thì nó đã có liên quan tới một vụ án.

Tại Florida, một khẩu Glock 27 lấy đi từ một chiếc Honda Accord tại khu vực Jacksonville hồi giữa năm 2014 đã được dùng để giết một viên cảnh sát ở Tarpon Springs vào trước dịp Giáng Sinh năm đó.

Còn tại Tennessee, một khẩu súng ngắn bắn đạn cỡ 380 bị lấy ra khỏi một chiếc Saab vào năm 1994 đã xuất hiện 21 năm sau, trong vụ án mạng khiến một bé gái 14 tuổi ở Nashville thiệt mạng.

Năm ngoái tại Indiana, một người đàn ông mang súng trường kiểu AK của Nga, lấy trộm từ một chiếc xe đỗ cạnh nhà dân, đã bắn chết một kỹ sư đồ họa 28 tuổi khi đôi bên va chạm giao thông. Sự việc xảy ra đúng 10 tháng sau vụ trộm.

“Súng bị lấy trộm được dùng trong các vụ phạm tội, để bắn người”, sĩ quan cảnh sát Tim Ducharme của sở cảnh sát Atlanta nhận xét. “Tội phạm xem các vũ khí đó là công cụ hiệu quả, dễ trộm, dễ vứt bỏ và khó lần theo dấu vết. Với chúng, chẳng có thiệt hại gì khi đột nhập vào một chiếc xe và đánh cắp một khẩu súng. Và một khi đã trộm được từ 4 tới 5 khẩu súng một tuần, chúng còn kiếm ra tiền”.

Hành trình đẫm máu của một khẩu súng

Cảnh sát vẫn chưa thể giải quyết được vụ trộm súng của Boyd và tóm cổ tên trộm. Nhưng khẩu Smith & Wesson không biến mất quá lâu. Hai năm sau, nó nằm trong tay một thiếu niên 17 tuổi, chưa đủ độ tuổi để mua súng hợp pháp và đang nóng lòng muốn thể hiện bản thân với băng 30 Deep ở Mechanicsville.

Thiếu niên này, được xác định là Jonathan Redding, muốn được xăm số 30 lên mặt, nhằm khoe mình là tay anh chị có số má, đồng thời cho thấy sự trung thành với băng. Nhưng để có hình xăm đó, gã phải chứng tỏ mình xứng đáng.

Vào khoảng 6h30 chiều một ngày trong mùa Thu 2008, Robin McMillan đi bộ về phía chiếc xe của anh đang đỗ bên cạnh quán bar Standard Food & Spirits ở Mechanicsville, khi một chiếc xe Jeep Grand Cherokee tối màu đỗ xịch ngay bên cạnh.

Từ trên xe, Redding bước xuống và chĩa khẩu súng của Boyd thẳng vào mặt McMillan, đòi anh đưa tiền. Một kẻ khác chui ra từ chiếc xe và giật lấy túi đựng máy tính xách tay của McMillan. Sau khi McMillan không chịu đưa tiền, Redding lùi lại giống như gã sắp bỏ đi, rồi đột ngột nổ súng. “McMillan vội nhảy vào xe để tránh. Viên đạn bay sượt anh chỉ vài cm. Chiếc xe Jeep rồ ga và những kẻ đi trên nó nhanh chóng biến mất.

2 tuần sau, Redding trở lại quán bar vào sáng sớm tinh mơ cùng 3 đồng phạm, tất cả đều đeo mặt nạ. Một nhân viên của Standard là John Henderson, 27 tuổi, mới đóng của quán và đang ngồi nghỉ khi Redding cùng đồng bọn ném đá làm vỡ kính trước quán bar. Gã cũng nổ súng bắn vào quán, với một viên đạn trúng đùi Henderson.

Vụ cướp nhanh chóng trở nên chết chóc khi một tên trong nhóm Redding dùng một khẩu Glock 19, cướp từ trong túi của một nhân viên khác làm việc tại Standard, bắn xuyên qua cửa chính của quán bar này. Không may, một viên đạn đã xuyên vào đầu Henderson, khiến anh thiệt mạng sau đó.

Các vụ phạm tội liên quan tới khẩu súng của Landen Boyd chưa dừng lại ở đó. 2 ngày sau vụ nổ súng tại Standard, Eddie Pugh, một tay buôn ma túy cò con, nhận được cuộc gọi từ người hàng xóm, khiến anh ta hoảng sợ bỏ chạy khỏi nhà nằm tại Nam Atlanta. “Chúng đang ở cạnh căn hộ. Ồ chúng có súng. Chuồn mau”, người hàng xóm cảnh báo.

Những kẻ có súng chính là Redding và vài đồng bọn. Chúng ra khỏi một chiếc Chevy Impala màu vàng đỗ tại bãi đậu xe thuộc căn hộ của Pugh và đang tiến về phía cửa trước căn hộ anh này, súng ống lăm lăm trong tay.

Hiện trường một vụ trộm xe lấy súng ở Mỹ (ảnh trái).

Sau khi nhận điện thoại, Pugh lao ra ngoài và thấy các tay súng đang tới gần mình. Nhận ra Pugh, chúng lập tức nổ súng. Một viên đạn xuyên rách hông Pugh khi anh đang chạy quanh tòa nhà và lẩn trốn dưới một cầu thang đi bộ.

Redding cùng những kẻ khác lao vào căn hộ của Pugh, bắt đầu lục soát tất cả các ngăn kéo. Bạn bán ma túy cùng Pugh là William Kellam trước đó đang xem TV trong phòng khách, nhưng nay nắm chặt một khẩu AK-47 và ngồi im chờ đợi.

Khi một trong những kẻ tấn công thò đầu vào căn phòng nơi Kellam đang lẩn trốn, gã đã nổ súng. Một viên đạn súng AK trúng vào vai trái Redding. Gã đánh rơi khẩu Smith & Wesson và vội bỏ trốn.

Khoảng 20 phút sau, Redding phải vào cấp cứu tại một bệnh viện, cách nơi xảy ra vụ cướp vài cây số. Gã nói dối về việc bị bắn, nhưng cảnh sát đã nghi ngờ. Họ thu giữ quần áo của gã, lấy dữ liệu so sánh. Kết quả kiểm tra di truyền cho thấy máu của Redding khớp với vết máu vương lại trong căn hộ của Pugh và trên khẩu Smith & Wesson thu tại hiện trường. Vỏ đạn bắn ra từ khẩu súng khớp với vỏ đạn rơi tại Standard.

Ngày 7.5.2009, cảnh sát đã chính thức bắt Redding vì 3 vụ phạm tội kể trên. Lúc đó gã đã có số 30 xăm lên má phải và nay thì đang thụ án tù chung thân vì phạm tội giết người.

Hương Giang

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/bong-ma-chet-choc-dang-sau-nan-trom-sung-o-my-599661.bld