Bóng đá xứ Thanh và cú đột phá

Tôi với cựu tuyển thủ Quốc gia Phạm Như Thuần có nhiều dịp nói chuyện với nhau, nhưng rất ít khi câu chuyện về bóng đá trẻ lại được nhắc đến nhiều như lần này.

Là người con của Thanh Hóa, có 7 năm cống hiến cho quân đội trong màu áo Thể Công, những khúc cua của sự nghiệp đưa Như Thuần trở lại Thanh Hóa trong vai trò là Giám đốc kỹ thuật Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ FLC Thanh Hóa. Và câu chuyện với anh đã vẽ ra một bức tranh khá toàn cảnh về bóng đá trẻ xứ Thanh.

Chạy đến chỗ hẹn trong cơn mưa, chưa kịp nhấp ngụm cà phê, Như Thuần đã nhắc đến công việc hiện tại: “Dạo này trung tâm nhiều việc quá. Mới thành lập chưa được một năm (tháng 8-2016), nhiều thứ còn bề bộn. Việc gia đình đã thu xếp xong, vợ con vẫn ở Hà Nội, thi thoảng lắm, có dịp mới về thăm nhà được một vài ngày. Tôi ở đây một mình nên cuộc sống cũng có những khó khăn nhất định”. Tôi thật sự hiểu tâm trạng của Như Thuần khi phải xa gia đình, dù rằng Thanh Hóa là quê hương anh. Ngay cả việc Như Thuần trở lại Thanh Hóa cũng như cái duyên vậy. Chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa, ông Doãn Văn Phương cũng là bạn cùng trang lứa với anh và muốn rằng, trung tâm bóng đá trẻ của FLC Thanh Hóa phải mang bản sắc riêng, nên phải được đặt nền móng bởi người xứ Thanh, có nhiệt huyết, có chuyên môn và có cả hình ảnh lẫn uy tín. Vậy là Như Thuần được mời về để bắt đầu cho một lộ trình mà theo anh nói: “Gian nan chẳng kém gì cuộc đời cầu thủ”.

Cầu thủ trẻ xứ Thanh phấn khởi trong môi trường đào tạo mới. Ảnh: TT&VH

Điều tôi tò mò nhất ở Như Thuần là anh hoàn toàn có thể trở thành HLV một CLB nào đó ở V-League (như cách anh từng dẫn dắt CLB Than Quảng Ninh), nhưng tại sao lại bất ngờ chuyển hướng để nhận lời làm Giám đốc kỹ thuật cho một trung tâm đào tạo trẻ? Với sự hào hứng, Như Thuần khẳng định: “Tôi không hề nói quá, nhưng thật sự là Thanh Hóa có tiềm năng bóng đá trẻ hàng đầu cả nước. Xưa nay Thanh Hóa dường như đã lãng quên nhiệm vụ này. Ở các CLB V-League hiện nay, chúng ta có thể kể ra rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng, xuất sắc là những người con Thanh Hóa, trưởng thành từ xứ Thanh. Văn Thắng, Đình Tùng, Thanh Bình… đều là những niềm tự hào của đội bóng sông Mã. Các CLB như Hà Nội FC, Hải Phòng… đều có những trụ cột là người Thanh Hóa. Đây là điều khiến chúng tôi suy nghĩ. Và cá nhân tôi cho rằng, việc thành lập Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ FLC Thanh Hóa là quyết định đúng đắn, kịp thời và mang tính chiến lược lâu dài, có định hướng cụ thể của bóng đá xứ Thanh”.

Nghe câu trả lời dài, không hề vấp của Như Thuần, tôi hiểu nhiệt huyết anh dành cho công việc mới, cho bóng đá quê hương. Nhưng là một người cũng gắn bó với bóng đá Việt Nam và cả bóng đá quốc tế, tôi hiểu những đặc thù trong việc đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam. Đó là công việc tốn kém, chi tiết, nặng nhọc và rất cẩn trọng. Hơn nữa, việc một CLB chỉ coi đào tạo trẻ như một hoạt động đối phó cho “hợp lệ” cũng là điều đáng bàn. Vừa mới đưa ý kiến này ra, Như Thuần đã đáp lại: “Tôi khẳng định FLC Thanh Hóa không đi theo hình mẫu xây dựng và phát triển cũ kỹ, mang tính đối phó”.

Hiện tại, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ FLC Thanh Hóa có các đội trẻ ở 5 lứa: U11, U13, U15, U17 và U19 với khoảng 120 cầu thủ. Đúng như HLV Như Thuần nói thì các đội trẻ FLC Thanh Hóa thực sự là một “mỏ vàng” của bóng đá, khi 4 lứa U từ 11 đến 15 đều giành quyền tham dự các giải vô địch lứa tuổi và có thành tích cao (U19 chưa thi đấu). Bên cạnh đó, theo như chia sẻ của HLV Như Thuần, mô hình xây dựng của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ FLC Thanh Hóa dựa theo cách làm hiện đại, có tính tổ chức cao. Sắp tới, trung tâm đào tạo cũng như tổ hợp SVĐ mới của FLC Thanh Hóa đang được triển khai. Để chuẩn bị cho bước đột phá này, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ FLC Thanh Hóa đã đề ra định hướng cụ thể: Đào tạo toàn diện các cầu thủ trẻ cung cấp cho đội 1 và tạo bản sắc thực sự cho bóng đá xứ Thanh. Lãnh đạo đội bóng FLC Thanh Hóa cũng đã có những bước hợp tác với một số CLB tại Bundesliga (Đức). Đây là hướng đi không mới, nhưng nó lại mang tới sự hứa hẹn về mô hình phát triển mang tính chất đồng bộ và có màu sắc chuyên nghiệp của các CLB Đức, nơi mà đào tạo bóng đá trẻ được coi là số 1 thế giới.

Sau khi đưa ra những định hướng như vậy, tôi có hỏi HLV Như Thuần rằng, ngay từ bây giờ, FLC Thanh Hóa đã làm gì để tạo dựng được màu sắc riêng, có tính truyền thống cho đội? Chẳng cần suy nghĩ, HLV Như Thuần khẳng định “để có một đội bóng mang bản sắc, cần phải có những cầu thủ mang trong mình bản sắc”. Đây là điều tôi rất tâm đắc, bởi đó mới chính là hình mẫu phát triển của bóng đá Đức, hay ở những CLB hàng đầu thế giới. Có lẽ, không có gì hiệu quả hơn khi FLC luôn sẵn sàng mở cửa, đón chào trở lại quê hương những cầu thủ mang trong mình dòng máu xứ Thanh, như cách họ đã đưa về Như Thuần.

Hiện tại, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ FLC Thanh Hóa đang hoạt động tạm thời tại Trung tâm Thể dục thể thao huyện Quảng Xương, trong lúc chờ đợi tiến hành xây tổ hợp SVĐ mới. Trung tâm đào tạo trẻ và SVĐ FLC Thanh Hóa đã được thiết kế, lên đồ án. Theo đó, người thiết kế SVĐ này là Công ty Herzog & de Meuron với các kiến trúc sư đã thiết kế SVĐ Allianz-Arena (sân nhà của Bayern Munich). Dự kiến, mô hình SVĐ mới của FLC Thanh Hóa sẽ có hình trống đồng Đông Sơn cách điệu.

L.TRUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bong-da-xu-thanh-va-cu-dot-pha-513077