Bóng đá Việt đang chững lại?

Hai trận đấu quan trọng của đội U.22 Việt Nam (thua Thái Lan 0-3) và đội tuyển Quốc gia thắng đội Campuchia 2-1 đã làm dậy sóng dư luận. Khen, chê đều có, nhưng điều đáng bàn là không ít ý kiến nhận định: Bóng đá nam nước nhà đang có dấu hiệu chững lại.

Thực tế

Trong bóng đá, không phải một đội tuyển mạnh, hơn về đẳng cấp là đá đâu thắng đó, kể cả trước đối thủ yếu. Bằng chứng là đầu tuần, đội tuyển Pháp đã hòa không bàn thắng trong trận đấu với đội bóng bé nhỏ Lucxemboung; giữa tuần Argentina hòa Venezuela 1-1. Thế nên, việc đội U.22 của chúng ta thua U.22 Thái Lan trong một trận đấu cụ thể chưa thể kết luận chính xác được mạnh, yếu của một nền bóng đá. Song khi xâu chuỗi lại cả một quá trình (kể từ ngày nước Việt Nam thống nhất và thể thao chúng ta hội nhập trở lại với SEA Games) thì bộc lộ, thành tích của bóng đá Việt Nam không sánh bằng nhóm đầu Đông Nam Á: Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore, đồng thời càng ngày càng bị nhóm “chiếu dưới” (Campuchia, Philippines) thu hẹp khoảng cách.

Nguyên nhân chủ yếu

Nếu xem lại quyết nghị của Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) các khóa từ trước tới nay thì thấy ngay sự ngộ nhận của chính những người cầm lái con thuyền bóng đá nước nhà. Nào là sẽ xây dựng một nền bóng đá phát triển có chiều sâu với hệ thống đào tạo U.12, U.14... từ cơ sở, từ các trung tâm đào tạo ngoài Bắc trong Nam; thường xuyên tổ chức các giải trẻ để cầu thủ cùng trang lứa có thể được thi đấu cọ xát; xây dựng các câu lạc bộ (CLB) bóng đá chuyên nghiệp và một hệ thống thi đấu hoàn chỉnh từ giải cấp thấp đến hạng nhất và chuyên nghiệp... Ngay như ở SEA Games 29 đội U.22 phải vào chung kết và phấn đấu vô địch. Song thực tế cho thấy, các chỉ tiêu trên là không thực tế. Trước hết, nói về V.League-một giải đấu đỉnh cao nhưng sau 14 mùa đấu đang có dấu hiệu giảm sút về chất lượng và nhất là tính cạnh tranh. 14 đội đấu chỉ có 2-3 đội cạnh tranh chức vô địch và chỉ có 1 đội phải xuống hạng. Điều đáng nói là sau 7, 8 vòng đấu (1/3 chặng đường) thì đội phải trở lại giải hạng Nhất gần như đã rõ. Thế là nhiều trận đấu ở tốp giữa trở nên nhạt nhòa. Ở giải hạng Nhất, số đội tham dự ít đến không ngờ (7 đội) nên một vòng chỉ có 3 trận đấu vào dịp cuối tuần. Vì thế, giải luôn chìm lấp, sân cỏ vắng lặng. Rõ ràng bóng đá nước nhà chưa có nền tảng, chưa phải là chỗ dựa tin cậy để phát triển tài năng. Đó cũng là nguyên nhân để các đội U.22, đội tuyển quốc gia khó tuyển lựa được những cầu thủ giỏi.

Cầu thủ Văn Toàn (trái) trong trận đấu với U.22 Thái Lan. Ảnh: MINH MINH

Việc tuyển chọn các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia của chúng ta lúc nào cũng thấy lúng túng. Lúc thì chăm chăm tìm bằng được HLV nước ngoài. Lúc khác lại chỉ “bó đũa chọn cột cờ” trong số các HLV nội. Điều đáng nói là lãnh đạo VFF không đủ bản lĩnh, nhất là trước sức ép dư luận, vì thế khó có HLV nào trụ được ở đội tuyển.

Cần xây dựng lại hệ thống giải đấu, chiến lược phát triển

Trước hết, phải thấy rõ việc số đội dự V.League nhiều gấp đôi số đội dự giải hạng Nhất là vô lý, đi ngược lại quy luật phát triển thể thao thành tích cao. Vì thế, ngay mùa giải năm sau, số đội từ V.League phải xuống thi đấu ở hạng Nhất nên là 3; số đội từ hạng Nhất lên chuyên nghiệp vẫn là 1. Hạng Nhất có 1 đội xuống hạng Hai nhưng sẽ có 3 đội hạng Hai được lên hạng Nhất. Như vậy, V.League mùa sau có 12 đội dự tranh và giải hạng Nhất cũng có số đội tương tự. Những năm tiếp theo phải có nhiều CLB dự giải hạng Hai; xây dựng, củng cố lực lượng sao cho giải hạng Nhất phải có từ 14 đến 16 đội tham gia tranh tài.

VFF cũng phải có điều kiện tiên quyết, các CLB dự V.League không những có trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ, hằng năm còn phải có các đội U.16, U.18 dự giải trẻ được tổ chức song song với giải chuyên nghiệp. Nếu CLB nào không có đội dự giải trẻ phải xử phạt nghiêm minh, thậm chí trừ điểm đội dự V.League.

Về các đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia. Đến nay chúng tôi vẫn đánh giá cao trình độ các cầu thủ U.22 Việt Nam dự SEA Games 29. Cái thua ở giải này là Ban huấn luyện của chúng ta không có được “trái tim nóng và cái đầu lạnh”. Mật độ thi đấu ở SEA Games 29 dày đặc hơn bất cứ một giải đấu nào (10 ngày U.22 Việt Nam đấu 5 trận) nhưng trận nào các cầu thủ Việt Nam đều ra quân với đội hình mạnh nhất, bung hết sức để đấu, kể cả với những đối thủ yếu. Vì thế, trận gặp Thái Lan phần lớn các cầu thủ trụ cột đều xuống sức. Cũng cần nói thêm, ở SEA Games lần này, Ban huấn luyện đội U.22 Thái Lan tính toán rất khoa học, hợp lý. Những trận đấu trước, các cầu thủ Thái Lan khá đủng đỉnh, chưa bung hết sức, khi gặp Việt Nam bạn đá tổng lực, tranh cướp bóng quyết liệt từ phần sân của chúng ta nên khỏe như Tiến Dũng, nhanh như Văn Toàn cũng không theo kịp.

Việc HLV Mai Đức Chung đứng ra nhận trách nhiệm dẫn dắt đội tuyển quốc gia trong lúc này là việc dấn thân đáng trân trọng. Hy vọng ông tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong trận lượt về với Campuchia (ngày 10-10 tới). Về lâu dài, thiết nghĩ ở tuổi 66 sức khỏe ông cũng khó đảm đương được trọng trách ở đội tuyển, nhất là với bóng đá nam áp lực rất lớn. Hơn nữa, HLV Mai Đức Chung rất có duyên với bóng đá nữ và những: Tuyết Dung, Huyền Như... đang mong chờ ông tiếp tục dẫn dắt để vươn tới những đỉnh cao mới.

Vẫn biết điều kiện kinh tế đất nước ta chưa mấy dư dả nên việc mời gọi chuyên gia cũng phải “lựa cơm gắp mắm”. Song thiết nghĩ, ngoài HLV, bóng đá Việt Nam rất cần một Giám đốc kỹ thuật-một chuyên gia xây dựng chiến lược phát triển bóng đá một cách toàn diện. Có như vậy mới hy vọng vào bước tiến mới, ổn định của bóng đá nước nhà.

ĐỖ KIM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/bong-da-viet-dang-chung-lai-517290