Bóng đá, những góc khuất và tiền tỉ

Tuần qua, cựu tuyển thủ Dương Hồng Sơn đã tiết lộ khoản thu nhập khổng lồ của mình khi còn làm cầu thủ. Câu chuyện gợi lại ký ức cho làng bóng đá Việt về một giai đoạn 'vàng son' của V.League, nơi mà nhiều cầu thủ có tiếng đã đổi đời bằng hàng loạt vụ chuyển nhượng tiền tỉ.

Những cầu thủ từng vô địch AFF Cup 2008 đều là những “tỉ phú” bóng đá. Ảnh: TL

Những cầu thủ “tỉ phú”

Phải đến khi giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện, lúc tên tuổi đã lui vào quá khứ, cựu tuyển thủ quốc gia Dương Hồng Sơn mới dám chia sẻ về những góc khuất của cuộc đời cầu thủ của mình. Hồng Sơn khiến người ta phải suy nghĩ lại về sự ngắn ngủi của đời cầu thủ và việc anh đã đổi đời nhờ bóng đá với những bản hợp đồng tiền tỉ như thế nào.

Dương Hồng Sơn chia sẻ: “Lần đầu tiên, tôi ký hợp đồng 3 năm với Hà Nội T&T (nay là Hà Nội FC - PV) là 1,6 tỉ đồng, lương 30 triệu/tháng. Năm đó, tôi giúp đội lên chơi V.League. Số tiền lót tay và tiền thưởng mà bầu Hiển tặng mình sau đó bằng số tiền ký hợp đồng luôn”. Sau đó, Hồng Sơn có hai lần ký thêm hợp đồng với Hà Nội T&T với tổng số tiền lót tay, hợp đồng và lương là khoảng 20 tỉ đồng. Đó là chưa kể lương, những khoản tiền thưởng “nóng” sau mỗi trận đấu lên đến cả trăm triệu.

Không chỉ riêng Dương Hồng Sơn, nhìn lại lịch sử bóng đá Việt, có không ít những cầu thủ có thu nhập tiền tỉ kỷ lục nhờ bóng đá, trong đó Công Vinh xứng đáng đứng ở vị trí số 1. Năm 2008, sau khi Công Vinh có chức vô địch AFF Cup cùng ĐT Việt Nam, bầu Hiển đã chi ra khoảng 7-8 tỉ đồng để đưa anh từ SLNA đầu quân cho Hà Nội T&T khiến tất cả đều cảm thấy choáng váng. Vì đó là con số chưa từng xuất hiện trong lịch sử chuyển nhượng cầu thủ nội. Đó cũng là bản hợp đồng mở ra những thương vụ chục tỉ khác sau này.

Đến năm 2011, Công Vinh đã tạo ra cú “lật kèo” ngoạn mục khi chuyển từ Hà Nội T&T của bầu Hiển sang CLB Bóng đá Hà Nội của bầu Kiên với mức phí lót tay vào khoảng 14 tỉ đồng kèm mức lương 70 triệu/tháng. Đó là khoản tiền xác lập một kỷ lục ở V.League cho đến tận bây giờ trong các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ nội. Tuy nhiên, khi mới chỉ đá một mùa cho CLB Hà Nội, bầu Kiên vướng vào vòng lao lý khiến Công Vinh chỉ nhận được 10 tỉ đồng phí lót tay ban đầu.

Khi chuyển từ SLNA sang Consadole Sapporo theo bản hợp đồng cho mượn, Công Vinh cũng nhận mức lương đến 7.000USD/tháng. Đến năm 2014, trong đợt chuyển nhượng cuối cùng trong sự nghiệp cầu thủ từ SLNA về Bình Dương, Công Vinh cũng nhận phí lót tay rơi vào khoảng 8-10 tỉ đồng. Tính nhanh trong những lần chuyển nhượng, Công Vinh đã đút túi khoảng 30 tỉ đồng, đó là chưa kể đến các khoản lương, thưởng, tiền quảng cáo...

Trong danh sách các cầu thủ “tỉ phú”, Việt Thắng cũng là cái tên đình đám. Cựu tuyển thủ quốc gia này đã gắn liền với cả hai chu kỳ thành công của HAGL và ĐTLA. Năm 2010, khi chuyển từ ĐTLA tới Ninh Bình, Thắng “bế” nhận 9 tỉ đồng. Sau đó, khi chuyển từ Ninh Bình về Bình Dương, Việt Thắng bỏ túi thêm 8 tỉ.

Như Thành cũng gắn với câu chuyện chuyển nhượng nổi tiếng, khi bầu Trường của CLB Ninh Bình đã mang cả bao tải tiền vào Bình Dương để mua lại bản hợp đồng của anh. Trước đó, khi chuyển từ Thể Công về Bình Dương, Như Thành đút túi khoảng 5 tỉ đồng. Quãng thời gian thi đấu tại đất Thủ, tổng cộng anh kiếm được thêm 5 tỉ đồng. Như Thành từng sở hữu một căn nhà tại TPHCM. Thời gian thi đấu ở Ninh Bình, Như Thành cũng đút túi gần chục tỉ nữa từ phí lót tay cùng những khoản tạm ứng của bầu Trường. Anh từng chia sẻ sốc: “Có những đêm tôi đốt mất 1 tỉ đồng”.

Một hậu vệ khác của “Thế hệ vàng” 2008 là Phước Tứ cũng thu nhập tiền tỉ nhờ những khoản phí lót tay khủng. Năm 2011, bầu Thụy đã chi hơn 10 tỉ đồng để đưa Phước Tứ về Sài Gòn Xuân Thành. Năm 2014, Phước Tứ đầu quân cho Ninh Bình mới mức phí lót tay khoảng 6 tỉ/3 năm.

Có một điểm chung giữa tất cả các cầu thủ “tỉ phú” trên là họ đều là những “công thần” giúp ĐT Việt Nam mang về chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên vào năm 2008. Bên cạnh cái mác tuyển thủ thì họ là những người được sống trong thời kỳ “kim tiền” của làng bóng đá Việt - thời kỳ những ông bầu đổ tiền vô tội vạ vào bóng đá mà không chỉ đơn thuần vì bóng đá.

Nhân câu chuyện được kể lại của Dương Hồng Sơn, có thể thấy một thời nghề cầu thủ rõ ràng thuộc hàng VIP trong xã hội. Danh tiếng, tiền bạc đã làm cho bóng đá của thời kỳ đang tiến lên chuyên nghiệp có phần ồn ào và rủng rỉnh hơn. Hay nói một cách khác, ngoài việc cầu thủ phải có danh hiệu lớn (như chức vô địch AFF Cup) thì phần còn lại là câu chuyện thị trường. Bởi đó là giai đoạn mà giá cầu thủ Việt Nam vô tình được đẩy lên đôi khi vượt xa cả giá trị thực nhiều lần vì độ “ngông” của các ông bầu.

Muốn sang thì bắc cầu… lên tuyển

Nhìn lại, Công Vinh, Hồng Sơn, Việt Thắng... họ chỉ thực sự đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp khi khoác lên mình màu áo ĐTQG. Tất nhiên, chỉ khi là trụ cột của đội tuyển thì lúc bấy giờ, con đường trở thành tỉ phú của họ mới thực sự sáng. Và thực tế, những cầu thủ đó đều đã có một sự nghiệp có thể làm mẫu cho các thế hệ sau muốn làm giàu bằng nghề cầu thủ bóng đá. Tất nhiên, trong tất cả những điều đó, đừng bỏ qua yếu tố vận may và thời cuộc. Nhìn sự nghiệp của Công Vinh là thấy rõ.

Trong khi tất cả còn mải mê hoài niệm theo những tâm sự tiền tỉ của Dương Hồng Sơn thì những cầu thủ thuộc thế hệ U.22 Việt Nam đang cố gắng thể hiện mình ở vòng loại U.23 Châu Á. Nơi sẽ quyết định suất đi SEA Games của chính họ. Chiếc HCV SEA Games là mục tiêu, thế nhưng đó cũng hoàn toàn là cơ hội đổi đời của những cầu thủ trẻ. Bởi lẽ, với những sự kỳ vọng, thì đây sẽ là danh hiệu của cả nền bóng đá. Nên nhớ, trong lịch sử Việt Nam chưa từng giành HCV tại một kỳ SEA Games.

Tiếc thay giai đoạn “kim tiền” của bóng đá Việt không còn nữa. Nhìn vào V.League hiện tại, chắc chỉ bầu Hiển và bầu Đức mới dám vung tay chi hàng chục tỉ để mua cầu thủ. Tuy vậy, có lẽ bây giờ Hà Nội FC đã không còn cần đến sự bổ sung thương hiệu và danh hiệu nữa. Còn triết lý hiện tại của HAGL là dựa vào những cầu thủ trẻ do chính mình đào tạo ra. Thế nên, đừng hy vọng vào những cuộc chuyển nhượng bạc tỉ như xưa. Nhưng chẳng cầu thủ nào có giá trị hình ảnh tăng lên mà thu nhập lại thấp đi cả. Sự thành công ở cấp độ ĐTQG hay U.22 đều mang lại giá trị thiết thực cho bản thân họ.

Tuyển thủ quốc gia Đinh Thanh Trung từng chia sẻ trên trang facebook cá nhân rằng: “Nhiều người bảo, nghề cầu thủ là một nghề bạc bẽo. Nhưng với tôi, bóng đá cho tôi quá nhiều thứ. Nếu nó bạc với mình thì bản thân hãy xem lại mình đã làm hết mình vì nó chưa!”. Đó là những lời đầy thấm thía của người đàn anh mà các cầu thủ trẻ cần phải học trước khi nghĩ đến những thương vụ tiền tỉ.

Dù bóng đá Việt Nam đã không còn ở thời “kim tiền”, thế nhưng, khi các cầu thủ coi đá bóng là một nghề kiếm sống thì luôn phải ghi nhớ rằng, muốn mình có giá trị, phải tìm đường lên ĐTQG. Đó chính là con đường “thoát nghèo” thiết thực nhất.

HOÀI ĐAN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/bong-da-nhung-goc-khuat-va-tien-ti-685707.bld