Bóng đá Anh ở Champions League: Khi Man Utd vẫn là lá cờ đầu

Chỉ mới tái xuất sân chơi danh giá nhất lục địa già sau hai năm vắng bóng nhưng với sức mạnh được đầu tư tiền tấn cũng như Jose Mourinho trên băng ghế chỉ đạo, Quỷ Đỏ thành Manchester vẫn xứng đáng là niềm hy vọng lớn nhất của Premier League.

Á quân Man Utd năm 2011 hay thậm chí tân vương Chelsea năm 2012, những tia sáng le lói đó không làm nhạt nhòa đi sự thật rằng bóng đá Anh đã xuống cấp tương đối trên bình diện Châu Âu trong cả gần thập niên qua, kể từ sau trận chung kết nội bộ năm 2008 giữa chính hai cái tên kể trên.

Có một sự trùng hợp không hoàn toàn ngẫu nhiên, khi Premier League dần nhường lại kỷ nguyên thống trị khớp thời điểm MU cũng bắt đầu suy yếu, đặc biệt sau triều đại hiển vinh của Sir Alex Ferguson. Sáu mùa giải gần đây, Quỷ Đỏ trải qua hai năm không được tham dự, hai năm không thể vượt qua vòng bảng, còn lại là những lần bị loại sớm đáng tiếc bởi Real Madrid và Bayern Munich.

Rõ ràng, tầm ảnh hưởng rất lớn của Man Utd đến vị thế nước Anh trên trường Châu Âu là thứ mà ngay cả những đối thủ quốc nội của họ cũng không thể phủ nhận. Đây đang là mùa giải Premier League phơi phới hy vọng tái lập ách thống trị ở Champions League, không chỉ bởi sự đóng góp đông đảo đến 5 đại diện mà quan trọng hơn cả, họ đón chào sự trở lại của Quỷ Đỏ với tư cách lá cờ đầu.

Kỷ nguyên của những thế lực mới

Ách thống trị bóng đá Châu Âu có xu hướng chuyển giao theo chu kỳ, với những trận chung kết toàn Ý, toàn Anh, toàn Đức và toàn Tây Ban Nha đến theo thứ tự trong 15 năm qua là minh chứng rõ nét nhất. Giờ, có cảm giác không hoàn toàn vô căn cứ rằng kỷ nguyên thống trị của bóng đá Tây Ban Nha đang dần đi đến hồi kết thúc một cách đột ngột.

Kỷ nguyên thống trị của bóng đá Tây Ban Nha có thể đang dần đi đến hồi kết

Atletico Madrid đóng băng với án phạt cấm chuyển nhượng của FIFA và lúc nào cũng nơm nớp âu lo nguy cơ bị các ông lớn Châu Âu “rút ruột”, trong khi không có gì nghi ngờ về chiều hướng suy yếu đáng kể của Barcelona. Real Madrid trên lý thuyết vẫn đang là đội bóng mạnh nhất Châu Âu nhưng dấu hỏi cho chức vô địch Champions League thứ ba liên tiếp sẽ là rất lớn dành cho Los Blancos.

Không gian dần rộng mở đợi chờ những thế lực mới đến chiếm lĩnh ngay trong mùa giải này. Thuận theo logic, Paris Saint-Germain là ứng cử viên sáng giá nhất sau mùa hè chuyển nhượng điên rồ của họ với hai quả bom tấn thế kỷ Neymar và Kylian Mbappe. Tuy nhiên, tiền bạc chỉ có thể mua được sức mạnh chứ không dễ gì cả bản lĩnh vốn luôn bị đánh giá non kém của đại gia nước Pháp. Bên cạnh đó, một Ligue 1 thiếu tính cạnh tranh cũng khiến PSG không thể có thước đo chuẩn xác nhất cho khả năng thực sự để bước ra biển lớn châu lục một cách tự tin và sẵn sàng nhất.

Khi cả Bayern Munich cũng đang có dấu hiệu thụt lùi so với chính mình, cờ giờ dường như đến tay các đại diện xứ sương mù, nổi bật hơn cả là bộ ba Man Utd, Man City và Chelsea. Với sự cân bằng tương đối trong tương quan lực lượng, cái nhỉnh ở đây của MU so với hai địch thủ chính là giá trị truyền thống và lịch sử lâu đời, một uy lực không thể coi thường làm nên dấu ấn cho bản lĩnh của một đội bóng lớn.

Chiều sâu lực lượng

Với những tân binh đắt giá cập bến trong mùa hè vừa qua, Man Utd giờ không chỉ sở hữu đội hình xuất phát chất lượng nhất nhì Premier League mà ấn tượng hơn thế chính là chiều sâu lực lượng của họ. Anthony Martial và Victor Lindelof, hai trong số những ngôi sao trẻ triển vọng nhất Châu Âu, đang chật vật tích lũy thời gian thi đấu, cũng như cả Ander Herrera, cầu thủ xuất sắc nhất CLB trong mùa giải năm ngoái.

Ibrahimovic sẽ là một sự bổ sung chất lượng khác cho Man Utd trong mùa đông

Tương tự Herrera, MU vẫn sống tốt khi không có sự phục vụ của những cầu thủ đóng vai trò quan trọng nhất định trong mùa giải năm ngoái như trung vệ Marcos Rojo (chấn thương) hay đội trưởng Michael Carrick. Tháng Một tới, Quỷ Đỏ sẽ còn chính thức đón chào sự trở lại của Zlatan Ibrahimovic và hiển nhiên, tiền đạo khét tiếng người Thụy Điển không phải là cái tên dành cho băng ghế dự bị. Ấy vậy mà khả năng không nhỏ, Ibra sẽ phải chấp nhận làm kép phụ cho Lukaku trong giai đoạn lượt về của mùa giải.

Năm ngoái, Jose Mourinho chứng minh khả năng tận dụng triệt để chiều sâu lực lượng của mình để dẫn dắt Man Utd lên ngôi vô địch Europa League khi gần như chỉ dựa vào những nhân tố giữ lửa cho chiến dịch Premier League đến tận cuối tháng Tư áp chót. Tất nhiên Champions League ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, nhưng rồi trong tay HLV người Bồ Đào Nha giờ cũng đã là một bộ khung mạnh mẽ và đa dạng hơn để ứng phó với những đòi hỏi khắc nghiệt của giải đấu danh giá nhất Châu Âu này.

Yếu tố thể lực và sự bền bỉ

Cao to và mạnh mẽ - điểm chung dễ thấy nhất của đa số các bản hợp đồng Mourinho đem về Man Utd trong hai mùa hè chuyển nhượng kể từ khi tiếp quản ghế nóng Old Trafford. Tiếp bước Paul Pogba, Zlatan Ibrahimovic và Eric Bailly năm ngoái, Romelu Lukaku và Nemanja Matic là những tân binh 1m9x tiếp theo khoác áo Quỷ Đỏ trong năm nay. Thời điểm hiện tại, chiều cao trung bình của cả đội một MU chạm ngưỡng ngất ngưởng 1m86 và hầu như ai cũng có cái dáng như có thể nuốt trọn người đối diện.

Pogba và Lukaku đại diện cho một Man Utd cơ bắp và mạnh mẽ

Yếu tố thể lực thông thường có sức ảnh hưởng lớn ở Premier League hơn là Champions League, nơi vốn đề cao những phẩm chất cá nhân hay dấu ấn chiến thuật. Mặc dù vậy, Mourinho vẫn có cái lý của riêng mình nếu trông vào 3 trận đấu đầu tiên toàn thắng ở Premier League, khi 7/10 bàn thắng đến trong thời gian cuối trận với các đối thủ của Man Utd đều đã thấm mệt như độ cạn kiệt sức lực.

Xét rộng ra cả một mùa giải 9 tháng dài hơi khốc liệt thay vì vỏn vẹn 90 phút, ưu thế thể lực của MU có thể linh ứng trong chặng nước rút khi mỗi trận đấu đều là một trận chung kết. Tất nhiên đó là so với các đối thủ quốc nội, trong khi tài thao lược nhân sự của Mourinho sẽ cần phải đòi hỏi linh hoạt và hiệu quả trong các phương án xoay tua hơn nữa bên ngoài trời Âu, nơi các đối thủ ngoại quốc được ưu ái ít nhiều với kỳ nghỉ đông hay lịch thi đấu không dày đặc bằng.

Jose Mourinho

Trong khuôn khổ Champions League, sự khác biệt rõ nét nhất giữa một CLB được trang bị mọi điều kiện để thành công với một CLB thực sự làm nên thành công chính là ở HLV – một nhà cầm quân hội tụ đủ tài năng, kinh nghiệm, bản lĩnh và khát khao như Jose Mourinho.

Người Đặc Biệt có thể không còn quá đặc biệt như một thời ngày nào của ông, thế nhưng triết lý bóng đá thực dụng và tư duy chiến thuật của ông vẫn được xem là chuẩn mực dựng nên tính chất của những trận đấu hai lượt đi về ở các cúp Châu Âu, khi một bàn thắng thôi có thể đổi thay tất cả. Như hành trình đăng quang Europa League năm ngoái của MU vậy, họ cũng chỉ có những chiến thắng sát nút nhưng quá đủ ở từng vòng knock-out.

Mourinho luôn có duyên với các cúp Châu Âu

Cái duyên với sân chơi châu lục của Mourinho cũng không thể phủ nhận, khi ông đã lên ngôi vô địch cả Champions League và Europa League mỗi cúp đến hai lần, ngoại trừ gần đây với Man Utd thì tất cả đều là những vinh quang bất ngờ của Porto (2003, 2004) và Inter Milan (2010). Bên cạnh đó, HLV người Bồ Đào Nha cũng đã có đến 7 lần dẫn dắt các CLB đến vòng bán kết Champions League chỉ sau 10 mùa giải góp mặt ở đấu trường ông chỉ đạt tỷ lệ thua vỏn vẹn 21%.

Nhờ Mourinho, Chelsea lần đầu tiên trong lịch sử được tận hưởng bầu không khí vòng bán kết Champions League và có 3/5 lần như vậy dưới hai nhiệm kỳ triều đại của ông. Cũng nhờ ông, Real Madrid mới thoát ra khỏi lời nguyền 6 năm không lết qua nổi vòng 1/8 để rồi kiến tạo nền tảng cho thành công rực rỡ như ngày hôm nay.

Giờ đây với một Manchester United vượt trội hơn hẳn những đội bóng cũ của Jose Mourinho về sức mạnh và sự bền bỉ, giới mộ điệu hoàn toàn có thể tin vào một sự kết hợp làm nên một thế lực thực sự sẽ làm nên chuyện ở Champions League mùa giải này.

Gia Khoa (TTVN)

Nguồn Bóng Đá 24H: http://bongda24h.vn/bong-da-chau-au/man-utd-la-co-dau-nuoc-anh-o-champions-league-201718-184-168229.html