Bốn thói quen xấu dễ dẫn đến cháy nổ

Một vụ cháy nghiêm trọng thường xuất phát từ những nguyên nhân lãng xẹt. Bởi chỉ một phút lơ đễnh sẽ khiến thói quen thường ngày trở thành tác nhân gây ra hậu quả đáng tiếc.

Sử dụng điện thoại, latop trong lúc sạc

Ngày 19/10/2015, tại quận Bình Tân (TPHCM), bé trai 13 tuổi tử vong do sử dụng điện thoại di động đang cắm sạc, để lại nỗi đau cho người thân và bạn bè. Cùng năm, chị Ngô Thị Liên (Nghệ An) đang mang thai tháng thứ tư đã bị giật điện dẫn đến tử vong khi sử dụng iPhone trong lúc cắm sạch. Đây được xem như hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có thói quen vừa sạc điện, vừa sử dụng điện thoại.

Khoa học chứng minh rằng: Trong quá trình sạc, điện thoại và laptop sẽ sản sinh ra lượng nhiệt lớn hơn bình thường. Không chỉ có vậy, dưới sự bùng nổ của Internet, dùng điện thoại để lướt 3G hay truy cập wifi sẽ khiến các vi xử lý hoạt động hết công suất cộng thêm nguồn điện không ổn định khiến nguy cơ phát nổ càng cao. Việc vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại cũng là cách nhanh nhất dẫn đến tình trạng chai pin. Pin sẽ yếu đi kéo theo tuổi thọ ngày càng giảm.

Bạn Phạm Đình Anh (sinh viên năm 3, Đại học Bách Khoa) cho biết: “Nếu vừa sạc vừa dùng, tôi thường tránh chơi game, sử dụng đồ họa nặng, phát wifi hay xem phim vì hành động này khá nguy hiểm. Chỉ những lúc cần nhắn tin hay có cuộc gọi khẩn cấp, tôi mới sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc. Bên cạnh đó, khi trời có sấm sét, việc sử dụng điện thoại càng nguy hiểm hơn. Tia lửa điện có thể theo sóng điện thoại gây cháy máy, thậm chí chết người”.

Sạc pin quá lâu cũng dễ dẫn đến cháy nổ. Thông thường, với sạc chất lượng, khi nạp đủ điện, máy sẽ tự động ngắt. Nhưng với loại sạc rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ không có chức năng này, dẫn đến hiện tượng chai pin hoặc gây cháy nổ trong trường hợp lượng điện tích tụ chạm mức quá tải.

Bất cẩn khi nấu ăn

Nấu ăn là một trong những tác nhân gây ra hỏa hoạn do không gian dành cho việc bếp núc thường nhỏ hẹp, lại sắp xếp quá nhiều chất dẫn cháy (bình gas, dầu mỡ cộng thêm nhiều thiết bị điện). Chỉ một chút lơ đãng, bếp có thể bắt lửa, nhất là khi chiên, rán. Vào những dịp lễ tết, các vụ hỏa hoạn do nấu ăn lại càng gia tăng.

Quên khóa bình gas cũng dễ dẫn đến họa hoạn. Năm 2014, nhà bà Nguyễn Thị Xuân ở Nguyễn Trãi, phường Bến Thành (TP.HCM) đột nhiên phát hỏa. Nguyên nhân là do bà Xuân nấu ăn bằng bếp củi rồi để quên, dẫn đến ngọn lửa bùng phát, gây thiệt hại nghiêm trọng về của, nhưng may mắn không có thương vong về người. Cùng năm, Đồng Tháp cũng xảy ra hỏa hoạn do chủ hộ quên khóa gas sau khi nấu ăn. Hậu quả, toàn bộ căn nhà bị cháy rụi.

Chị Hoàng Minh Anh (sống tại Ô Chợ Dừa) chia sẻ: “Để phòng tránh hỏa hoạn trong lúc nấu ăn, tôi không bao giờ bật lửa quá to, mở nắp dầu ăn hoặc để các chất gây cháy gần ngọn lửa. Phải luôn đứng cạnh bếp khi nấu nướng và không nên sử dụng điện thoại. Bởi việc vừa nấu ăn, vừa nghe điện thoại không chỉ làm phân tán sự tập trung mà đôi khi sóng từ điện thoại trở thành tác nhân gây ra hiện tượng bắt lửa. An toàn nhất, tôi luôn đặt trong bếp bình xách tay CO 2 .”

Bảo quản thiết bị điện gia dụng không đúng cách

Một trong những thói quen xấu dẫn đến cháy nổ mà nhiều người dân thường mắc phải chính là không rút các thiết bị điện khi đi vắng, đặc biệt là đi xa lâu ngày. Thậm chí, dù đã tắt nguồn tivi, quạt, máy tính... không hề sử dụng chúng, nhưng điện vẫn chạy ở chế độ tự động. Thời tiết chuyển hanh khô, mạch điện bị chập hay dây điện bị chuột cắn, nguy cơ xảy ra cháy nổ khá cao. Không có người xử lý kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoại lệ duy nhất là tủ lạnh, bởi thiết kế mạch điện khá an toàn, nên khả năng gây hỏa hoạn rất thấp.

Bên cạnh đó, cắm nhiều thiết bị chung ổ điện có thể dẫn đến quả tải, gây đoản mạch dễ dẫn đến hỏa hoạn. Vì thế, các ổ điện chỉ nên sử dụng như biện pháp tạm thời. Khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao, việc lắp thêm ổ điện sẽ đảm bảo an toàn trong gia đình. Đặc biệt, ổ điện nên được thiết kế cao, ngoài tầm với trẻ em, sẽ tránh gây hậu quả đáng tiếc. Cũng không nên đặt nhiều thiết bị điện tử quá gần nhau, bởi chúng sẽ không có đủ không gian để tản nhiệt.

Cắm nhiều thiết bị điện chung một ổ điện cũng dễ dẫn đến cháy nổ

Không chỉ vậy, sử dụng dây điện, ổ điện kém chất lượng cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ giật điện, gia tăng khả năng cháy nổ, nếu nhiệt từ dây điện tiếp xúc với các chất dẫn cháy. Kiểm tra các thiết bị điện thường xuyên, thay thế khi chúng hỏng hóc. Đồng thời, vệ sinh thiết bị điện sạch sẽ, tránh để lâu ngày tích tụ lượng bụi lớn. Bụi kẹt trong các bộ lọc, lỗ thông hơi có thể gây nghẽn mạch của các thiết bị điện, sinh cháy nổ. Nếu là máy sấy, có thể bắt lửa từ sức nóng khi máy hoạt động.

Đốt vàng mã

Vào dịp lễ, Tết, ngày rằm, người Việt thường duy trì tục đốt vàng mã trong thờ cúng tổ tiên. Thậm chí, giữa vòng quay đô thị hóa, tục lệ đó lại ngày càng phổ biến hơn. Bên cạnh gìn giữ truyền thống, đốt vàng mã cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn, nhất là ở các khu phố chật chội, không gian nhỏ hẹp.

Nếu không xử lý tro hương đúng cách, đốt vàng mã dễ xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng

Điểm lại trong nhiều năm qua, cháy nổ do đốt vàng mã không hề ít, thậm chí có những vụ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như vụ cháy 8 căn nhà tại hẻm 81 đường Lương Thế Vinh (quận Tân Phú, TPHCM), ban đầu chỉ một nhà dân đốt vàng mã cúng ông Táo, sau đó tàn lửa bay vào mút xốp gần đó và rồi lửa đã nhanh chóng lan rộng. Vụ cháy tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thiêu rụi hai căn nhà khiến cả khu hoảng hoạn.

Dù phải đối mặt với nhiều nguy cơ, nhưng không ít người vẫn đốt vàng mã một cách thiếu ý thức. Vào các ngày lễ, rằm, nhất là 23 tháng Chạp, ở khu phố cổ, chúng ta đều cảm thấy ngột ngạt vì khói hương. Khói cùng tàn vàng mã không được xử lý tốt bay khắp nơi, gây nguy hiểm không chỉ cho những người buôn bán và sinh sống tại đây mà với cả khách thập phương.

Nguyễn Thị Xuân Quỳnh

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-moi-truong/bon-thoi-quen-xau-de-dan-den-chay-no