Bón phân Đầu Trâu tăng năng suất mía

Để đáp ứng nhu cầu của người nông dân, công ty CP Phân bón Bình Điền đã thiết kế ra các chủng loại phân sử dụng cho mía, lượng bón vừa phải, tiện lợi nhưng năng suất vẫn cao.

Ngành mía đường của chúng ta trong nhiều năm qua vẫn ở thế thiếu ổn định. Giá mía lên xuống thất thường, người trồng mía có năm lâm vào cảnh “trồng - chặt” cũng giống như những cây công nghiệp và cây ăn trái khác

Vì lẽ đó mà ảnh hưởng đến quyết định đầu tư cho cây mía, dẫn đến năng suất mía bình quân của nước ta gần như dẫm chân tại chỗ…

Tính đến thời điểm hiện nay, năng suất mía bình quân cả nước chỉ trên dưới 60 tấn/ha, thấp hơn bình quân mía của nhiều nước trong khu vực.

Số liệu nghiên cứu đã cho biết cứ thu hoạch 100 tấn mía, cây lấy đi hết 142-200 kg N, 42-85 kg P205, 314-420 kg K20, 40 kg Ca0, 47 kg Mg0, 25 kg, 400 kg Silic, 6 kg Na, 2-3 kg Fe,1 kg Mn, 0,1-0,05 kg Cu, 0,02-0,05 kg Zn, 0,1-0,2 kg B và 0,001 kg Mo.

Số lượng N,P,K nói trên tương đương với 308-435 kg ure, 263-532 kg super lân và 523-700 kg phân kali/ha. Đấy là một lượng chất dinh dưỡng khá lớn.

Để cho đất trồng mía ở thế bền vững, năng suất mía hàng năm không bị giảm sút thì sau mỗi vụ thu hoạch người trồng phải trả lại cho đất ít ra là một lượng phân bón tương đương như vậy, không kể số lượng lá mía được trả lại cho đất.

Thế nhưng do giá mía thấp và không ổn định, lợi nhuận thu được có vụ rất thấp và thậm chí bị lỗ, nên người trồng mía một mặt không muốn đầu tư đúng mức, mặt khác có người vẫn cố ý đầu tư nhưng không đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng cho cây mía nên kết quả là năng suất mía và chữ đường đều thấp, hoặc năng suất mía cao nhưng chữ đường lại bị thấp. Những nhân tố ấy cũng đều dẫn đến năng suất đường trên/ha đều thấp, và lợi nhuận vẫn thấp.

Nhận thức được những trở ngại như vậy nên Cty CP Phân bón Bình Điền đã thiết kế ra các chủng loại phân sử dụng cho mía. Lượng bón vừa phải, tiện lợi nhưng năng suất vẫn cao, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn kỹ thuật của nông dân rất đáng kể.

Dưới đây là một số ví dụ để bà con tham khảo:

Loại phân chuyên dùng mía 1 (CDM1). Nghiên cứu thực hiện tại trại mía Phú Hòa, tỉnh Phú Yên năm 2010, do Trung tâm Khuyến nông Phú yên đảm nhiệm. Thí nghiệm thực hiện với 2 công thức: Công thức 1: Bón theo kỹ thuật của khuyến nông và của trại nghiên cứu mía đã đúc kết nhiều năm là 145-100-130 kg N:P:K/ha làm đối chứng.

Công thức 2: Dùng phân Đầu Trâu CDM1 với lượng dinh dưỡng 144-80-128 kg N:P:K/ha. Nhìn 2 nền phân này thì nền phân Đầu Trâu thấp hơn 20 kg P205 (125 kg super lân/ha). Sử dụng giống K88-92. Kỹ thuật trồng và chăm sóc tuân thủ theo quy trình của trại mía, chỉ khác về nguồn phân.

Kết quả khi thu hoạch, nền bón phân CDM1 có năng suất cao hơn nền phân của trại là 15 tấn mía cây, mức đầu tư tương đương, nhưng lợi nhuận do bón phân Đầu Trâu mang lại được lợi 14 triệu đồng/ha.

Thí nghiệm chính quy: Do 1 sinh viên trường Đại học Cần Thơ dưới sự hướng dẫn của GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, thực hiện tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) từ năm 2009-2010 trên đất phù sa được bồi hàng năm. Dùng giống mía Suphanburi-7,tất cả các kỹ thuật canh tác đều giống nhau, chỉ khác nhau về chủng loại và liều lượng phân.

Công thức (I) nền phân là 230N+112 P205 + 225 kg K20/ha, sử dụng các loại phân đơn để bón, làm đối chứng.

Công thức (II) sử dụng phân Đầu Trâu CM1+TE và CM2+TE, nền phân ngang với nền phân đối chứng: 230N+112 P205 + 225 kg K20/ha.

Kết quả thí nghiệm cho thấy bón phân CM1 và CM2 Đầu Trâu có năng suất mía cây là 230 tấn/ha, cao hơn đối chứng 52 tấn/ha, chữ đường cũng cao hơn nên năng suất quy ra đường cao hơn đối chứng là 4.440 kg đường/ha, tăng 31,5% so với đối chứng.

Tác giả nhận thấy rằng bón phân Đầu Trâu tỷ lệ đẻ nhánh cao, tốc độ đẻ nhánh nhanh, vươn cao nhanh, trọng lượng cây cũng cao, mật độ cây do đó cao hơn đối chứng đến 18.000 cây/ha. Nhờ những nhân tốt đó mà dẫn đến năng suất mía và chữ đường đều cao hơn đối chứng rất lớn.

Trình diễn mía tại Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Đất Cù Lao Dung là đất phù sa được bồi hàng năm. Nông dân chỉ chú ý bón phân ure và super lân mà không bón kali. Nền phân nông dân sử dụng là 312 kg N+121 kg P205+0 có kali làm đối chứng.

Nền phân trình diễn cũng sử dụng phân Đầu Trâu M1, M2, tính ra lượng dinh dưỡng là 165 kg N+ 81 kg P205 và 150 kg K20/ha. Như vậy nền phân của nông dân bón nhiều đạm hơn so với nền phân Đầu Trâu là 320 kg phân ure,và 250 kg super lân/ha, trong lúc đó không sử dụng một kg phân kali nào.

Kết quả dù bón nhiều đạm và lân hơn nền phân Đầu Trâu nhưng năng suất mía cây vẫn thấp hơn nền phân Đầu Trâu là 11 tấn (thấp hơn 7%), chi phí sản xuất lại đội lên 3.100.000 tiền phân, dẫn đến công thức sử dụng phân Đầu Trâu có lãi ròng cao hơn nông dân canh tác bình thường là 16.850.000 đ/ha (tăng 95%)

GS.TS Mai Văn Quyền

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/bao-ve-nguoi-tieu-dung/bon-phan-dau-trau-tang-nang-suat-mia-d98454.html