Bốn nguyên nhân thúc đẩy phong trào cực hữu ở châu Âu

Trang mạng Euobserver.com đã đăng bài phân tích của chuyên gia Goran Buldioski thuộc Quỹ Xã hội mở châu Âu, lý giải về việc phong trào cực hữu nổi lên ở châu Âu thời gian qua.

Cuộc biểu tình do lực lượng bài ngoại tổ chức ở CH Séc. Ảnh: Trần Quang Vinh (Phóng viên TTXVN tại Séc)

Theo chuyên gia Buldioski, các chính trị gia đại diện cho những lực lượng cực hữu đang cố gắng củng cố ảnh hưởng trên chính trường châu Âu. Nhưng điều nguy hiểm nhất là các chính đảng lớn và phương tiện truyền thông đã công nhận và tạo diễn đàn cho các quan điểm cực đoan này có cơ hội thu hút sự ủng hộ của người dân.

Có một số nguyên nhân dẫn đến tư tưởng cực hữu ở châu Âu

Thứ nhất, sự bất bình đẳng nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan. Năm 2015, thu nhập của nhóm 10% các quốc gia giàu nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cao gấp 10 lần so với nhóm 10% các quốc gia nghèo nhất trong tổ chức này.

Tỉ lệ này năm 1980 là 7 lần. Sự giàu có thậm chí tập trung chủ yếu ở các quốc gia nhóm đầu. Trong thời gian dài thu nhập của những người giàu tăng đột biến trong khi thu nhập của nhóm thu nhập thấp chậm được cải thiện, thậm chí còn giảm sút do suy thoái kinh tế.

Mặc dù ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa tư bản sự chênh lệch về thu nhập cao hơn nhiều lần so với hiện nay. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, người dân biết nhiều về giới lãnh đạo và hoạt động của chính phủ hơn bao giờ hết do cải thiện của cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân, các vụ rò rỉ thông tin mật như WikiLeaks...

Thứ hai, thiếu công bằng xã hội là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy chủ nghĩa dân túy. Nếu người dân cảm thấy sự tồn tại của chính phủ chủ yếu vì lợi ích của giới tinh hoa trong xã hội, họ sẽ ngay lập tức coi đó là sự không công bằng. Khi cảm giác về sự không công bằng cùng với bất bình đẳng kéo dài thì người dân sẽ nổi dậy.

Các chính đảng lớn ở châu Âu đã thất bại trong việc giải quyết thách thức này. Vì không đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của đại đa số người dân nên các đảng phái chính trị châu Âu đã khiến cho người dân có rất ít lựa chọn ngoài việc ủng hộ chủ nghĩa cực đoan.

Tại Áo, khoảng 200.000 người Áo gốc Serbia đã bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên cực hữu Norbert Hofer trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại nước này. Nguyên nhân chủ yếu do ông Hofer cam kết sẽ bảo vệ tất cả những người theo đạo Thiên chúa giáo, Chính thống giáo khỏi “cuộc xâm lược” của Hồi giáo.

Trong khi đó, một vài năm trước các lực lượng cực đoan ở Áo không hề chú trọng đến cộng đồng người Áo gốc Serbia. Quan niệm mới về xã hội đa sắc tộc đang nổi lên và các lực lượng cực hữu đang lợi dụng vấn đề này, kích động sắc tộc này chống lại sắc tộc khác: người Áo gốc Serbia chống lại người Áo gốc Thổ Nhĩ Kỳ, các cộng đồng người Ấn Độ và Pakistan ở Anh chống lại những người nhập cư từ Ba Lan… Đó chính là điều mà các đảng cực hữu ở châu Âu mong đợi.

Thứ ba, các chính trị gia lợi dụng chủ nghĩa dân túy để giải quyết mâu thuẫn chính trị. Các đảng phái chính trị chính ở châu Âu thay vì thúc đẩy chính sách nhằm bảo vệ giá trị của mình thì lại nhanh chóng ủng hộ các luận điệu chống người nhập cư của các đối thủ chính trị.

Điều này thể hiện rõ ở Anh khi bà Theresa May, hiện là Thủ tướng nước này, từng tuyên bố hồi đầu năm 2016 rằng London nên rời khỏi Công ước về nhân quyền của châu Âu. Động thái này không mới khi trước cuộc bầu cử năm 2010, lãnh đạo đảng Bảo thủ David Cameron đã đề nghị thay thế Luật nhân quyền năm 1998 bằng “Luật về nhân quyền của Anh” do nghị viện nước này quyết định.

Có thể dễ dàng hình dung nếu luật này được thông qua thì công dân gốc Anh sẽ được trao nhiều quyền lợi hơn những người nhập cư hay xin tị nạn chính trị. Tại Pháp Tổng thống Francois Hollande đề nghị hủy bỏ quy chế hai quốc tịch đối với những người phạm tội khủng bố.

Thứ tư, các phương tiện truyền thông, vốn được xem là một trong những trụ cột của nền dân chủ, cũng đóng vai trò trong việc thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan. Hoạt động theo cơ chế thị trường khiến các hãng truyền hình chịu sự chi phối của các nhân tố lợi nhuận.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua càng đưa nhiều thông tin về ông Donald Trump thì các hãng truyền thông càng thu hút được người xem và tất nhiên lợi nhuận cũng sẽ tăng lên. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở châu Âu với các ứng viên cực hữu nổi lên trên các phương tiện truyền thông của nhà nước cũng như tư nhân.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại CH Séc)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bon-nguyen-nhan-thuc-day-phong-trao-cuc-huu-o-chau-au-20161123132122214.htm