Bom Mỹ giết cảnh sát Afghanistan: Bom thông minh mất trí?

Sau khi xảy ra liên tiếp 2 vụ không kích nhầm khiến hàng chục người thiệt mạng, nguyên nhân có thể do vũ khí thông minh của Mỹ gặp sự cố.

Nguyên nhân

Theo Tạp chí Business Insider, JDAM là loại bom thông minh giá́ rẻ hiện được cả Không quân và Hải quân Mỹ hay dùng cho các chiến dịch không kích tấn công mục tiêu khủng bố tại Trung Đông. JDAM (Joint Direct Attack Munition) là loại bom có bộ điều khiển quỹ đạo gắn ở phần đuôi bom.

Bộ điều khiển quỹ đạo trên sử dụng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) có tác dụng làm tăng độ chính xác cho bom. Bom JDAM sử dụng được trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết và có khả năng ném bom tự động.

Bom JDAM có thể ném từ độ cao 8 - 24 km, do đó không đòi hỏi phi công phải hạ thấp máy bay để tìm mục tiêu. Bom cũng cho phép ném từ bất kỳ góc độ nào trong khi máy bay đang lao xuống hoặc bay lên, đang bay thẳng trục hay lệch trục ném bom.

Tiêm kích F-16 thả bom JDAM.

Sự dẫn hướng của bom được thực hiện khép kín bởi sự kết hợp giữa hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu GPS và hệ dẫn quán tính 3 trục INS (INS là bộ phận phụ dẫn, chỉ có ý nghĩa khi GPS không hoạt động, như khi GPS bị làm nhiễu).

Khả năng này cho phép JDAM chống lại nguy cơ làm nhiễu GPS bằng kỹ thuật cao của đối phương. Vì vậy, JDAM được coi là loại bom thông minh bậc nhất hiện nay.

Tạp chí Business Insider cho rằng, từ tuyên bố đến thực tế chiến đấu là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau bởi liên tiếp chỉ trong chưa đầy 1 tháng, vũ khí này đã tấn công nhầm khiến hàng chục người thiệt mạng.

Dù Mỹ không công khai nhưng ngay sau những vụ không kích nhầm lẫn đáng tiếc, Lầu Năm Góc đã tiến hành điều tra vụ việc và nguyên nhân ban đầu được xác định do bộ điều khiển gắn ở đuôi bom gặp sự cố.

Chính vì vậy, quả bom đã xác định nhầm vị trí tấn công và thương vong đáng tiếc đã xảy ra.

Thua bom giá rẻ Nga

Khác với Mỹ, trong phương án của Nga biến bom ngu thành bom thông minh, bộ điều khiển SVP-24 được Nga đặt trên máy bay chứ không phải gắn ở bom. Với đặc điểm này, SVP-24 vượt trội hệ thống JDAM của Mỹ.

Hệ thống của Nga là rẻ hơn. Mỗi thiết bị JDAM có giá 25.000 USD, nhưng, nó chỉ có thể sử dụng một lần duy nhất. Còn SVP-24 được cài đặt trên máy bay và nó có thể được sử dụng nhiều lần.

Nhờ hệ thống SVP-24, những quả bom không điều khiển biến thành thứ vũ khí chính xác. Đặc biệt, hệ thống SVP-24 còn có thể đo các thông số môi trường: áp suất, độ ẩm, tốc độ gió, so sánh các thông số đó với tốc độ của máy bay. Nó có thể lấy thêm thông tin từ các máy bay khác và các trạm trên mặt đất.

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ bay, hệ thống còn được đồng bộ hóa với các module chỉ huy các đơn vị bộ binh trên mặt đất. Việc trao đổi dữ liệu trong hệ thống diễn ra không có lời nói nhằm loại bỏ khả năng phạm lỗi do chất lượng liên lạc kém và yếu tố con người.

Nhờ tín hiệu kỹ thuật số đã mã hóa chỉ cần 0,3 giây có thể truyền mệnh lệnh đồng thời lên màn hình các hệ thống chỉ huy của các lực lượng ở mặt đất và trên không.

Toàn bộ dữ liệu trong chương trình đảm bảo phần mềm thống nhất được truyền theo tín hiệu vô tuyến kỹ thuật số bằng các đài vô tuyến tiêu chuẩn thông thường có trên mọi vật thể bay.

Thông tin đã mã hóa không tới tai nghe của các kíp lái, mà vào thẳng thiết bị trên máy bay, nơi sẽ tính toán và xử lí các thông tin đó. Sau đó kết quả sẽ được đưa vào thiết bị ngắm bắn.

Kết quả là, SVP-24 tính toán một lộ trình gồm tốc độ, tọa độ và đường bay để đến một thời điểm quả bom sẽ tự động rơi xuống mục tiêu với sai số chỉ khoảng 3 mét.

Đan Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/bom-my-giet-canh-sat-afghanitan-bom-thong-minh-mat-tri-3339742/