Bom mìn sót lại sau chiến tranh: Vẫn còn những nỗi đau nặng nề

Ngày 20.10, Ban Chỉ đạo Nhà nước chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn (Chương trình 504) đã tổ chức Hội nghị Đối tác phát triển Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Mục đích hội nghị nhằm khẳng định nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn của Chính phủ, chia sẻ với cộng đồng quốc tế về kết quả 5 năm thực hiện chương trình hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

63 tỉnh thành của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh liên tục, đất đai, con người Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng lớn bom mìn. Sau chiến tranh, dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo các cấp ngành và toàn xã hội quan tâm, đầu tư kinh phí để khắc phục hậu quả bom mìn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng cho hay bom mìn còn trong lòng đất gây hậu quả nặng nề, cản trở phát triển kinh tế và gây ô nhiễm lòng đất. 63 tỉnh thành của Việt Nam đều bị ô nhiễm bom mìn, riêng diện tích đất liền đã là hơn 6 triệu ha, chiếm hơn 18% diện đất đai. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã lấy đi sinh mạng của hơn 50.000 người và làm bị thương hơn 60.000 người, trong đó chủ yếu là trụ cột gia đình, có cả những em bé.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh- Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng phát biểu tại hội nghị. Ảnh Trần Vương

“Suốt thế kỷ 20, VN đã chịu nhiều cuộc chiến tranh từ bắc chí nam, từ rừng tới biển, phải chịu nhiều nỗi đau chiến tranh…Khắc phục hậu quả bom mìn vì cuộc sống nhân dân là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ. Nhiệm vụ 5 năm tới trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn là rất nặng nề, chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế để làm chương trình này. Việt Nam mong muốn bạn bè quốc tế trên tinh thần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra chính sách có hiệu quả.”- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Đại tá Phùng Ngọc Sơn- Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC). Ảnh Trần Vương

Đại tá Phùng Ngọc Sơn- Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) khẳng định trong 5 năm qua các đơn vị đã có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả bước đầu trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Theo đó Bộ Kế hoạch Đầu tư đã cấp ngân sách thuộc chương trình 504 cho 19 tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng triển khai rà phá bom mìn được 50.000 ha. Việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn được triển khai như trợ cấp nuôi dưỡng, cấp thẻ y tế, giảm học phí cho nạn nhân học văn hóa, học nghề, xây dựng mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân tại các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Thanh Hóa…Tổ chức thí điểm mô hình trợ giúp nạn nhân bom mìn phục hồi chức năng, dạy nghề gắn với tạo việc làm, làm chân tay giả, hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân ở 18 tỉnh.

Các đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn. Ảnh Trần Vương

Nỗ lực trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Tại Hội nghị, nhiều đối tác quốc tế trong công tác rà phá bom mìn ở Việt Nam cũng khẳng định sẽ sẵn sàng hợp tác, chia sẻ và cùng nỗ lực trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn.

Ông Ted Osius - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh tại hội nghị: “Hoa Kỳ, Việt Nam và nhiều đối tác khác, mà tôi thấy nhiều vị đại diện của họ có mặt tại đây hôm nay, tập trung vào tương lai và cùng nhau thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng, và phẩm giá con người. Nói một cách đơn giản, thế giới mà chúng ta xây dựng cho con em mình có thể và phải tốt đẹp hơn thế giới hiện nay hoặc trước kia. Khi thảo luận về tương lai mà chúng ta chia sẻ, người Việt Nam thường nói:“Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.””

Ông Ted Osius - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Ảnh Trần Vương

“Sự tài trợ hàng năm của chúng tôi, năm nay là 12 triệu USD, phản ánh cam kết vững chắc đó. Trên cả nước, chúng tôi đang hỗ trợ mọi mặt về trợ giúp nạn nhân bom mìn, giáo dục nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn, xây dựng năng lực, khảo sát và dọn sạch bom mìn chưa nổ. Hải quân hai nước chúng ta đang cùng nhau làm việc về rà phá bom mìn dưới nước; Lục quân hai nước chúng ta đang hợp tác để lồng ghép kinh nghiệm sâu rộng của Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua việc hợp tác này, chúng ta hy vọng tạo ra cho trẻ em một thế giới mà ở đó, trẻ em sẽ tự do đi lại trên mặt đất mà không gặp sự sợ hãi nào”-Ông Ted Osius chia sẻ.

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị. Ảnh Trần Vương

Tại Hội nghị Đại sức đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ cũng khẳng định Với số lượng bom mìn chiến tranh sót lại rất lớn, nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề. Những chuyên gia hàng đầu của họ có khả năng hoạt động ở những khu vực còn sót bom mìn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước. Cam kết giúp Việt Nam tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình thế giới.

Vương Trần

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/bom-min-sot-lai-sau-chien-tranh-van-con-nhung-noi-dau-nang-ne-603197.bld