'Bom hẹn giờ' trong lòng đất

70% khả năng sẽ xảy ra một trận động đất mạnh từ 7 độ Richter tại khu vực đô thị ở thủ đô Tokyo - Nhật Bản trong vòng 30 năm tới

Nhà chức trách Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị đối phó với nguy cơ xảy ra một trận động đất nguy hiểm, được ví như "bom hẹn giờ hủy diệt" nằm ngay trong lòng thủ đô Tokyo.

Tổn thất nghiêm trọng

Giới chức của các tổ chức công quyền lẫn tư nhân địa phương đang gấp rút tiến hành những biện pháp giảm thiểu thiệt hại như tận dụng toàn bộ dữ liệu trong tầm tay và thậm chí nhờ cậy tới cả trí tuệ nhân tạo.

Theo ước tính của cơ quan chức năng, 70% khả năng sẽ xảy ra một trận động đất mạnh từ 7 độ Richter tại khu vực đô thị ở Tokyo trong vòng 30 năm tới. Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về hoạt động địa chất ở khu đô thị trung tâm lớn nhất của Tokyo bởi cấu trúc ngầm phức tạp của nó.

Trong kịch bản xấu nhất, một trận động đất có thể tấn công trực tiếp thủ đô Nhật Bản vào một đêm đông với tâm chấn rơi vào khu vực phía Nam của trung tâm Tokyo. Số người chết có thể lên tới 23.000 trong khi 610.000 tòa nhà có thể bị san phẳng, theo ước tính của chính phủ Nhật. Thiệt hại kinh tế có thể lên tới 853 tỉ USD.

"Nguy cơ một trận động đất xảy ra ngay bên dưới khu vực đô thị Tokyo trong vòng 20-30 năm là cực kỳ cao" - Chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về khoa học địa chất và phục hồi thảm họa (NIED) Haruo Hayashi cảnh báo trong cuộc họp với các quan chức chính phủ cùng giới học thuật và doanh nhân tại Tokyo vào cuối tháng 6.

Tại cuộc họp nêu trên, một tổ chức mới - quy tụ cả các ngành công nghiệp, chính phủ và các chuyên gia học thuật - đã ra đời. Mục tiêu của tổ chức này là tăng cường các nỗ lực để tối thiểu hóa thiệt hại động đất dựa vào nhiều loại dữ liệu khác nhau. Giữ vai trò chủ lực trong tổ chức này, NIED tập trung vào việc xây dựng một mạng lưới ghi địa chấn lớn hơn. Mạng lưới hiện nay, bao gồm các điểm quan sát ở khoảng 500 vị trí tại Tokyo, được cho là chưa đủ để đánh giá những chấn động và thiệt hại chi tiết. Bởi lẽ, tại khu vực đô thị Tokyo, hoạt động địa chất ở những điểm cách nhau không xa đã có thể khác xa nhau vì nhiều lý do.

Trí tuệ nhân tạo cũng sẽ được sử dụng để phân tích dữ liệu liên quan tới động đất do mạng lưới nêu trên thu thập. "Mục tiêu của chúng tôi là xác định các tòa nhà sẽ bị chấn động ra sao" - GS Naoshi Hirata tại Trường ĐH Tokyo, Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu động đất của chính phủ, cho biết. Theo ông Hirata, điều này sẽ giúp ích trong việc đối phó một trận động đất lớn bằng cách tập trung ưu tiên cho hoạt động cứu hộ ở những tòa nhà, khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sập đường cao tốc ở TP Kobe, miền Trung Nhật Bản trong trận động đất cường độ 7,3 độ Richter năm 1995 Ảnh: AP

"Quái vật" hăm he thức giấc

Cũng được coi là một trong những "quả bom hẹn giờ" khủng khiếp nhất trên trái đất, siêu núi lửa Yellowstone ở bang Wyoming, miền Bắc nước Mỹ đang có một số biểu hiện báo hiệu điều chẳng lành có thể xảy ra không chỉ đối với nước Mỹ mà còn ảnh hưởng tới toàn thế giới.

Các chuyên gia của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) gần đây đã phải lên tiếng báo động sau khi 878 trận động đất được ghi nhận chỉ trong vòng 2 tuần kể từ ngày 12-6 ở Công viên Quốc gia Yellowstone, nơi tọa lạc của siêu núi lửa được coi là "quái vật trong lòng đất" này.

Đây là con số tần suất trận động đất/tuần kỷ lục được ghi nhận trong vòng 5 năm qua. Thậm chí, có những trận động đất đạt tới 4,4 độ Richter, được xem là mạnh nhất kể từ tháng 3-2014, bên cạnh các rung chấn xuất hiện ở độ sâu đến 14,5 km.

Diễn biến bất thường nêu trên khiến giới chuyên gia thêm lo ngại "quái vật" có thể sắp sửa tỉnh giấc sau thời gian "ngủ đông". Nếu phun trào, siêu núi lửa Yellowstone được cho là sẽ khốc liệt hơn một ngàn lần so với đợt phun trào của núi St Helens (ở quận Skamania, bang Washington) năm 1980 - gây chết chóc và thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Người phát ngôn của trạm ghi địa chấn thuộc Trường ĐH Utah (UUSS), nơi trực tiếp theo dõi và nghiên cứu hoạt động xảy ra ở núi lửa này, cho biết Yellowstone đã không phun trào 70.000 năm qua. Vì thế, những chấn động ấn tượng nêu trên có thể là dấu hiệu khởi động của nó trước khi thức giấc.

"Bên cạnh các chùm động đất, dự kiến trên miệng núi lửa sẽ có hiện tượng đẩy đất lên nhanh chóng. Cuối cùng, dung nham trỗi dậy sẽ gây ra những trận nổ từ các hồ địa nhiệt sôi sùng sục" - người phát ngôn này cảnh báo.

Đỗ Quyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bom-hen-gio-trong-long-dat-20170722200706287.htm