Bộ Y tế tiếp tục nhập khẩu chất tạo nạc - ngành chăn nuôi vội đề nghị phối hợp quản lý

Bô%3ḅ Y tế vừa có văn bản cho phép tiếp tục được nhâ%3ḅp khẩu hoạt chất salbutamol sau 9 tháng tạm dừng nhâ%3ḅp khẩu chất này do salbutamol bị sử dụng sai mục đích, đưa vào thức ăn chăn nuôi gây nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng.

Một cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứa salbutamol bị Thanh tra Bộ NNPTNT phát hiện, thu giữ. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của các cơ sở sản xuất thuốc có hiện tượng thiếu thuốc chứa hoạt chất Salbutamol để điều trị. Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, Cục Quản lý Dược đã cấp phép cho hai đơn vị sản xuất thuốc được nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol để sản xuất thuốc.

Ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: Sau khi tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm soát hoạt động kinh doanh nguyên liệu salbutamol, hiện nay các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện, cơ bản đáp ứng các quy định về sản xuất, kinh doanh chất salbutamol. Do đó, các đơn vị sản xuất thuốc có số lượng phù hợp với nhu cầu và số đăng ký còn hiệu lực chứa nguyên liệu salbutamol được phép nhập khẩu hoạt chất này.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Đại tá Phan Mạnh Thông – Trưởng Phòng 5 – Cục cảnh sát Phòng, chống tội phạm môi trường - C49 (Bộ Công an), cho biết: Trước ý kiến về nghị nhập khẩu salbutamol của Bộ Y tế, C49 - Bộ Công an đã đề nghị Bộ Y tế coi salbutamol như dạng thuốc tiền chất ma túy và phải được đưa vào dạng quản lý đặc biệt. Theo đó, hàng năm khi nhập hoạt chất này, ngành y tế phải tổng hợp, báo cáo Chính phủ về nhu cầu chi tiết để sản xuất thuốc trong nước cần sử dụng salbutamol. Mặt khác, salbutamol phải được giám sát đặc biệt, nhập vào bao nhiêu thì số lượng sản phẩm thuốc cũng phải tương ứng với số lượng salbutamol đã nhập về Việt Nam. "Hơn nữa, những đơn vị, cơ sở nào được phép nhập hoạt chất này cũng phải được xem xét, cân nhắc kỹ. Thực tế, Việt Nam không phải là nước sản xuất thuốc để nhập khẩu, nên không thể lấy lý do này để nhập nhiều salbutamol về Việt Nam" - Đại tá Phan Mạnh Thông nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng cho biết đã bổ sung salbutamol vào danh mục "Thuốc phải kiểm soát đặc biệt" trong Luật Dược sửa đổi cùng với các loại thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc và phóng xạ.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: Do salbutamol đã được bổ sung vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt”, nên tình trạng buôn bán, sử dụng không đúng hoạt chất này sẽ được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị công khai chia sẻ thông tin về các đơn vị nhập khẩu chất salbutamol để phối hợp quản lý, tránh sử dụng sai mục đích. Bộ NNPTNT cũng yêu cầu Bộ Y tế giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu, quản lý nghiêm, thường xuyên phối hợp với các ngành trong việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng trong việc sản xuất thuốc có salbutamol theo đúng quy định “thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

"Trong năm 2015 -2016, ngành y tế nhập khẩu về hơn 9 tấn salbutamol, nhưng chỉ mới giải thích được hơn 3 tấn dùng để bào chế thuốc. Như vậy, còn hơn 6 tấn salbutamol đến thời điểm này vẫn chưa thu hồi được, các đơn vị nhập khẩu cũng không giải thích được số lượng thuốc đó đang ở đâu, đã sử dụng hay chưa? Với mức lợi nhuận cao gấp 8-10 lần (nhập khẩu giá từ 1,7-1,8 triệu đồng/kg, bán lậu ra thị trường với giá 7-8 triệu đồng, có thời điểm lên tới 10 triệu đồng/kg), nên việc tái diễn tình trạng buôn bán trái phép chất salbutamol là khó dẹp bỏ được hoàn toàn, nên việc giám sát nhập khẩu, bào chế salbutamol cần được đưa vào dạng quản lý đặc biệt" - Đại tá Phan Mạnh Thông (Trưởng Phòng 5 - C49 Bộ Công an) thẳng thắn bày tỏ.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/bo-y-te-tiep-tuc-nhap-khau-chat-tao-nac-nganh-chan-nuoi-voi-de-nghi-phoi-hop-quan-ly-587102.bld