Bộ Y tế: 'Nước biển đạt chuẩn để tắm chưa chắc cá đã an toàn để ăn'

Sáng 25/8 Cục trưởng An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho rằng nước biển miền Trung đạt chuẩn nhưng chưa chắc thủy hải sản đã an toàn nên Bộ Y tế tiếp tục giám sát, lấy mẫu nhiều hơn để kiểm nghiệm.

Ông Phong nói rằng, về nguyên tắc đã là vùng biển có sự cố, khi sự cố chưa được khắc phục triệt để thì không nên sử dụng các thủy hải sản tại đấy mà không cần chờ kết quả xét nghiệm. "Kể cả khi môi trường đã được khôi phục, nước biển đạt quy chuẩn để tắm nhưng chưa chắc thủy hải sản đã an toàn", Cục trưởng An toàn thực phẩm nhấn mạnh.

Vì thế, theo ông Phong, ngành y tế vẫn tiếp tục theo dõi chất lượng thủy hải sản, lấy mẫu số lượng lớn và rộng hơn để kiểm nghiệm, từ đó đánh giá độ an toàn hải sản ở vùng biển 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp đến thảm họa ô nhiễm môi trường do hoạt động xả thải của Công ty Formosa.

Người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm cho biết, để khẳng định hải sản an toàn hay không phải căn cứ vào các chỉ tiêu đang có như kim loại nặng. Bộ Y tế Việt Nam đã 4 lần họp với các tổ chức quốc tế đề nghị cung cấp quy định về phenol, xyanua nhưng cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) đều khẳng định thế giới không quy định về các chất này trong thực phẩm.

"Kết quả quan trắc về phenol, xyanua là tham khảo, cùng Bộ Tài nguyên đánh giá vấn đề ô nhiễm môi trường biển, chứ không căn cứ vào chỉ số này để đánh giá về an toàn thực phẩm", ông Phong khẳng định. Theo ông, khi các mẫu thủy hải sản cho kết quả kiểm nghiệm nhiễm phenol, xyanua thì các cơ quan chức năng vẫn cần quan tâm về chất lượng môi trường khu vực. Do đó ông đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên có khuyến cáo cụ thể với người dân rằng vùng biển nào đã được xác định an toàn và vùng nào chưa.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Ảnh: Nam Phương.

Ngày 24/8, Bộ Y tế công bố các kết quả xét nghiệm mẫu thủy hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung là Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, tháng 7 và tháng 8. Theo đó, số mẫu cá không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã giảm, chủ yếu là không đạt về chỉ tiêu kim loại nặng. Ví dụ tháng 7 lấy 27 mẫu kiểm nghiệm thì chỉ phát hiện 7 mẫu không đảm bảo an toàn, đến ngày 19/8 chỉ phát hiện một trong số 18 mẫu kiểm tra có lượng cadimi vượt ngưỡng.

Ngày 22/8, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố nước biển miền Trung “đạt chuẩn để tắm và nuôi trồng thủy hải sản” sau thảm họa môi trường hồi tháng 4 do Formosa gây ra. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa thể trả lời câu hỏi “cá đã ăn được chưa” và dự kiến cuối tháng 8 mới công bố kết quả đánh giá. Nhiều mẫu thủy hải sản lấy tại Hà Tĩnh vào ngày 5/8 kiểm nghiệm vẫn cho kết quả độc chất phenol và xyanua vượt ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên ngay sau đó lộ ra kết quả kiểm nghiệm 9 mẫu cá và ghẹ lấy tại Hà Tĩnh ngày 5/8 có một mẫu lượng cadimi vượt ngưỡng, 5 mẫu nhiễm xyanua, 3 mẫu nhiễm phenol. Những kết quả xét nghiệm công bố không đồng nhất này đã khiến nhiều người hoang mang.

Ông Phong khẳng định không có sự bất nhất trong kết quả kiểm nghiệm các mẫu thủy hải sản gần đây. Tháng 4-5, ngành y tế chủ yếu lấy mẫu kiểm nghiệm thủy sản đánh bắt xa bờ. Toàn bộ kết quả kiểm nghiệm đã chuyển cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. "Có thể có những mẫu thời kỳ này lượng phenol, xyanua giảm nhiều, thậm chí không phát hiện nhưng tự nhiên sau này lại xuất hiện. Hiện Bộ Y tế vẫn tiếp tục giám sát", Cục trưởng An toàn thực phẩm giải thích.

Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm nói thêm, chưa ai có thể khẳng định những mẫu cá lấy tại Hà Tĩnh nhiễm phenol, xyanua được phát hiện gần đây ăn vào có ảnh hưởng hay ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Nghiên cứu trên thế giới, liều phenol gây chết 50% số chuột thí nghiệm ở mức 300-600 mg/kg thể trọng, tức lượng độc chất rất lớn. Trong khi đó các thực phẩm tự nhiên thường tồn tại lượng phenol nhất định.

Theo Bộ Y tế, hiện tất cả tài liệu của Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đều chưa quy định mức giới hạn của phenol trong hải sản. Cơ quan quản lý thực phẩm châu Âu nghiên cứu cho thấy hàm lượng phenol ăn vào cơ thể người qua thực phẩm hàng ngày là 0,18 mcg cho một kg thể trọng là an toàn.

Đầu tháng 4, hiện tượng cá chết hàng loạt khởi nguồn từ một số lồng nuôi cá bè gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khiến đời sống người dân 4 tỉnh miền Trung lao đao. Chính phủ kết luận cá bị nhiễm độc do ô nhiễm môi trường bởi hoạt động xả thải của nhà máy Formosa. Thủ phạm là Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh chấp nhận đền bù 500 triệu USD để khắc phục hậu quả. Cơ quan chức năng khi ấy khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết để làm thức ăn cho người và gia súc.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bo-y-te-nuoc-bien-dat-chuan-de-tam-chua-chac-ca-da-an-toan-de-an-post173143.html