Bộ VHTTDL lên tiếng về những bức xúc của nghệ sĩ Hãng phim truyện

Sau những ồn ào, tranh cãi và bức xúc của các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam, lãnh đạo Bộ VHTTDL đã có buổi làm việc với công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam cùng các bộ phận liên quan tại Bộ.

Buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ VHTTDL và Công ty THHH MTV Hãng phim truyện VN tại Bộ chiều 20.9.

Chiều ngày 20.9,  Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cùng các bộ phận liên quan và các báo đài đã có mặt tại Bộ để nghe ông Nguyễn Thủy Nguyên trình bày xung quanh sự việc các nghệ sĩ bức xúc tại công ty Hãng phim.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiên thông báo lại nội dung cuộc làm việc của lãnh đạo Bộ và ban lãnh đạo Hãng phim truyện Việt Nam: Bộ đã nghe báo cáo nghe báo cáo lại công tác thực hiện cổ phần hóa hai tháng vừa qua. Các cam kết công ty thực hiện như thế nào, đặc biệt những vấn đề công luận quan tâm thời gian vừa qua về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chế độ chính sách của công ty đối với người lao động.

Nguyên Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, trong thời gian ban chỉ đạo cổ phần hóa, ban lãnh đạo của Hãng phim đã tích cực thực hiện những nhiệm vụ đặt ra của cổ phần hóa như chính sách, sắp xếp bộ máy, trả lương, kế hoạch sản xuất phim trong thời gian tới …tuy nhiên trước những điều đó đã có một số phản ứng.

Ban lãnh đạo Bộ đã đề nghị Ban lãnh đạo của Hãng phim nên chú ý làm sao thực hiện tốt chính sách sử dụng cán bộ ở tại Hãng phim. Bộ đề nghị với ban lãnh đạo Hãng phim là cách điều hành, quản trị của Hãng phim, làm sao cho khoa học và phù hợp với hãng phim là nghệ thuật trong đó có nghệ sĩ. Ví dụ làm việc gì phải có kế hoạch, ngắn ngạn, trung hạn, dài hạn.

Bộ cũng đề nghị công ty TNHH MTV Hãng phim truyện VN làm sao tổ chức sản xuất phim cho tốt, để mục đích có việc làm cho anh em. Trước mắt sản xuất phim, phân công nhiệm vụ có hiệu quả để thống nhất Hãng phim. Công ty cần tiếp tục công khai hóa các vấn đề dư luận đã đưa ra.

Từ phải sang: Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện; ông Nguyễn Thủy Nguyên- Chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty vận tải thủy;  ông Vương Đức Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam; ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng Bộ họp chiều ngày 20.9. Ảnh: Thanh Hà

Thứ trường Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: “Nhân dịp này, tôi cũng mong muốn báo chí thông tin chính xác như sau: Vừa qua có thông tin cho rằng, Bộ đã thực hiện cổ phần hóa không đúng, đặc biệt xác định giá trị doanh nghiệp làm thất thoát tài sản của nhà nước. Có ý kiến cho rằng giá trị Hãng phim bán chỉ có 34 tỷ, trong khi giá trị chừng khoảng 2 nghìn tỷ, nên công luận hiểu lầm, báo chí nước ngoài cũng hiểu lầm. Tôi nói rõ, quá trình cổ phần hóa được thực hiện theo đúng quy định.

Tức là tức là thực hiện theo nghị định 59, Công ty Hãng phim Truyện Việt Nam đã phải thuê một công ty tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp, (Đây là 1 trong 20 công ty nằm trong danh mục được Bộ Tài chính cho phép xác định giá trị doanh nghiệp). Một công ty tư vấn về quá trình cổ phần hóa (công ty này cũng được Bộ Tài chính cho phép). Khi Bộ muốn thành lập cổ phần hóa công ty Hãng phim đã căn cứ theo danh sách đó lựa chọn hai đơn vị và xin ý kiến Bộ VHTTDL.

Sau đó Bộ kiểm tra đúng hai công ty có trong danh mục thì công ty Hãng phim mới ký hợp đồng với công ty tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và công ty tư vấn cổ phần hóa. Bởi anh em nghệ sĩ đâu có biết gì về cổ phần. Hai đơn vị tư vấn đó làm đúng thủ tục, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả tư vấn của mình. Trong nghị định của Chính phủ đã quy định rõ như vậy”.

Theo ông Huỳnh Vĩnh Ái, quá trình xác định giá trị doanh nghiệp có nhiều công đoạn. “Vừa qua tôi có nghe nói đến chuyện quá trình cổ phần hóa đã không tính tới giá trị đất của Hãng phim. Tuy nhiên họ không hiểu, Hãng phim thuê đất của nhà nước trả tiền đất hàng năm. Trong khi Nghị định của Chính phủ quy định, nếu thuê đất, trả tiền đất hàng năm thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Bởi Hãng không có tài sản đất, mà đất đó là của nhà nước, hiện nay do UBND thành phố Hà Nội quản lý. Hàng năm Hãng phim vẫn phải đóng tiền đất cho Hà Nội. Vì vậy khi cổ phần hóa không thể tính mảnh đất đó, vì nó không thuộc tài sản của Hãng phim mà chỉ có thể tính giá trị tài sản trên mảnh đất đó mà thôi.

"Cũng có ý kiến nói rằng tài sản của Hãng phim giá trị 34 tỷ. Điều này cũng không đúng. Bởi khi xác định giá trị doanh nghiệp Hãng là trên 50 tỷ, còn nhà đầu tư chiến lược bỏ ra 34 tỷ là 65% vốn”, ông Huỳnh Vĩnh Ái chia sẻ.

Còn theo đại diện của Công ty cho biết, con số thực định giá tiền trước và sau cổ phần của Hãng phim Truyện Việt Nam. Tại thời điểm 3.2014 giá trị thực tế của doanh nghiệp Hãng phim là 19,6 tỷ. Theo hồ sơ giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp khi chưa cổ phần hóa giá trị là 91, 7 tỷ. Thời điểm tháng 3.2014, giá trị thực tế của doanh nghiệp Hãng phim còn lại là 19,6 tỷ.

“Tôi cũng nghe nói đến chuyện chủ đầu tư sau khi mua xong sẽ sử dụng miếng đất đó như thế nào là quyền của họ. Nhưng quy định về đất của Chính phủ không đơn giản, tức là trước khi duyệt cổ phần Hãng phim, thì Công ty Vận tải Thủy phải trình bày được phương án sử dụng đất, của từng miếng đất của Hãng. Phương án đó phải phù hợp với phương án cổ phần hóa. Nghĩa là nhà đầu tư chiến lược phải cam kết sử dụng miếng đất đó làm gì. Sau khi đã có phương án sử dụng đất nhà đầu tư chiến lược sẽ trình lên Bộ, Bộ thẩm định và xem phương án này có đúng như cam kết không. Sau đó chuyển qua UBND Hà Nội và bên Hà Nội sẽ xem xét có tiếp tục cho thuê đất hay không”, ông Huỳnh Vĩnh Ái nói thêm.

Kết thúc buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ VHTTDL với công ty TNHH MTV Hãng phim Truyện Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kết luận, công ty Hãng phim sẽ không được phép cho thuê bán bún hay phở mà sau khi sửa sang xong, ban lãnh đạo phải bố trí chỗ làm việc để sản xuất phim, có thể nghiên cứu xây dựng phòng chiếu. Nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết sử dụng nhà đất sản xuất phim và dịch vụ liên quan mà làm việc khác, nhà nước sẽ thu hồi đất ngay.

Khẳng định lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, một thành viên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa của Bộ nói: “Trong quy trình cổ phần hóa cam kết của nhà đầu tư được đưa vào điều lệ công ty. Nếu nhà đầu tư không thực hiện coi như vi phạm luật, sẽ có chế tài xử lý".

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị ông Nguyễn Thủy Nguyên việc trả lương đầy đủ cho cán bộ, nhân viên và các anh em nghệ sĩ tháng 7, tháng 8, tháng 9 giống như Hãng phim Truyện Việt Nam chưa cổ phần hóa.

“Hãy trả cho họ như trước kia. Nếu lương của anh em nghệ sĩ là 540.000 đồng thì cũng trả cho họ như vậy, không có chuyện tạm ứng tháng 8 nữa. Tôi đề nghị ngay ngày mai trả hết cho các anh em nghệ sĩ luôn. Còn việc sắp xếp, sửa chữa cơ sở vật chất tôi đề nghị Ban lãnh đạo của công ty Hãng phim trước khi đi vào thực hiện, cần thông báo tới tất cả mọi người rằng đây là chủ trương của Ban lãnh đạo. Những chuyện liên quan đến ý kiến của văn nghệ sỹ thời gian qua, tôi đề nghị Hội đồng quản trị rút kinh nghiệm về cách điều hành yếu kém”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết.

Ngay sau lời đề nghị của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, ông Nguyễn Thủy Nguyên- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy tiếp thu ý kiến, trước mắt cố gắng giải quyết công ăn việc làm cho nghệ sĩ đồng thời khẳng định không cho thuê làm cửa hàng bán chân gà nướng. Ông Nguyên cũng thừa nhận sự khiếm khuyết trong công tác điều hành. Trước những câu hỏi xung quanh cơ chế trả lương, ông Nguyên khẳng định “Trong tuần này sẽ xong hết”.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/van-hoa/bo-vhttdl-len-tieng-ve-nhung-buc-xuc-cua-nghe-si-hang-phim-truyen-806801.html