Bộ Tư pháp nói gì về vụ phóng viên Tuổi Trẻ bị đánh trên cầu Nhật Tân?

Liên quan đến việc xô xát, hành hung phóng viên báo Tuổi Trẻ trên cầu Nhật Tân cách đây gần 1 tháng, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp, đại diện Bộ này cho biết, do không trực tiếp quản lý hồ sơ vụ việc nên không thể khẳng định được trình tự thủ tục xử phạt hành chính đối với phóng viên Trần Quang Thế đúng hay sai.

Ngày 17.10, tại cuộc họp báo về công tác tư pháp quý III/2016 của Bộ Tư pháp, trả lời câu hỏi liên quan đến quyết định xử phạt hành chính của Công an quận Tây Hồ đối với ông Trần Quang Thế (phóng viên báo Tuổi Trẻ), ông Đặng Thanh Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL), Bộ Tư pháp - cho biết: Do không phải là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp thực hiện giải quyết xử lý các vụ việc trong xử phạt vi phạm hành chính, hơn nữa không trực tiếp quản lý hồ sơ vụ việc nên không thể khẳng định được trình tự thủ tục xử phạt hành chính đối với ông Trần Quang Thế đúng hay sai.

Theo ông Sơn, việc xử phạt hành chính đối với ông Trần Quang Thế là căn cứ vào điểm E và điểm D Khoản 1 Điều 18 NĐ/16/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội Phòng chống tệ nạn xã hội, PCCC… Việc xem xét áp dụng xử phạt đối với hành vi này căn cứ trên cơ sở có căn cứ pháp lý cần dựa vào vào Quyết định số 160 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm. Thứ hai là Nghị định 33 ngày 28.3.2002 của Chính phủ.

Việc xử phạt của Công an quận Tây Hồ có lập biên bản hay không? Ông Sơn cho rằng, về nguyên tắc, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ cần phải lập biên bản ghi nhận vi phạm hành chính. Đó là căn cứ pháp lý rất quan trọng để sau này ra quyết định xử phạt.

Tuy nhiên pháp luật cũng quy định có những trường hợp nhất định thì việc xử phạt không cần thiết lập biên bản hành chính. Thứ nhất là trường hợp liên quan đến Khoản 1 Điều 56 luật xử lý hành chính: Việc xử phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức thì người có thẩm quyền xử phạt hành chính có thể xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản hành chính.

Ông Đặng Thanh Sơn trả lời câu hỏi của Phóng viên tại buổi họp báo.

Trường hợp thứ hai là Điều 63 của luật xử lý hành chính cũng quy định trường hợp xử phạt hành chính đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý giải quyết nhưng sau đó không khởi tố vụ án hình sự. Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án và chuyển hồ sơ để xử phạt hành chính. Nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì không cần lập biên bản hành chính. Việc xử phạt hành chính được căn cứ vào hồ sơ vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chuyển hồ sơ đến.

Trường hợp cần thiết thì người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành tiếp tục xác minh thêm tình tiết để làm căn cứ ra quyết định xử phạt.

Như vậy, đối với trường hợp này, trong hồ sơ vụ việc phải có một trong các tài liệu sau đây. Thứ nhất, quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định hủy bỏ quyết định vụ án hình sự, hoặc quyết định đình chỉ điều tra, hoặc quyết định đình chỉ vụ án.

“Do Bộ Tư pháp không phải là cơ quan có thẩm quyền trực tiếp thực hiện giải quyết về các quyết định xử phạt hành chính. Cũng không trực tiếp quản lý hồ sơ vụ việc nên không thể khẳng định được trình tự thủ tục xử phạt hành chính này đúng hay sai. Hiện nay, Bộ Công an đang cho thanh tra toàn diện vụ việc về quy định xử phạt hành chính đối với ông Trần Quang Thế”, ông Sơn cho hay.

Cao Nguyên

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phap-luat/bo-tu-phap-noi-gi-ve-vu-phong-vien-tuoi-tre-bi-danh-tren-cau-nhat-tan-602047.bld