Bộ trưởng Y tế nói về bác sĩ vứt xác

Đứng trước "cơn bão" dư luận, Bộ trưởng bộ Y tế thừa nhận, đó là lỗi quản lý của ngành và "trường hợp cá nhân". Khi câu trả lời này đưa ra, không ít người dân và các đại biểu Quốc hội đều cảm thấy thất vọng trước cái gọi là văn hóa xin lỗi của "Tư lệnh" ngành.

Sau rất nhiều vụ việc xảy ra trong ngành y tế như ăn bớt vắc xin khi tiêm cho trẻ nhỏ, tiêm nhầm vắc xin, "nhân bản" kết quả xét nghiệm, nghi vấn tráo thủy tinh thể ở bệnh viện Mắt Hà Nội và mới đây là vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết người ném xác phi tang xuống sông Hồng, dư luận đang hết sức phẫn nộ với y đức của một bộ phận y, bác sỹ. Thậm chí, sau khi vụ án rúng động này xảy ra, dư luận còn lên tiếng yêu cầu "Tư lệnh" ngành y tế xin lỗi.

Ngay sau khi vụ việc động trời trên bị phơi bày, báo chí đã tìm mọi cách để được phỏng vấn Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tuy nhiên, trái với sự hy vọng của người dân, bà Bộ trưởng đã từ chối trả lời. Phải đến ngày 26/10, vị "Tư lệnh" của ngành y mới chính thức có ý kiến trả lời báo chí bằng văn bản. Tuy nhiên, câu trả lời của bà Bộ trưởng đã không đi thẳng vào vấn đề như nhiều người hy vọng.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng bộ Y tế - người đang phải đối mặt với nhiều sự kiện rúng động trong ngành y.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, trong mấy ngày vừa qua, dư luận xã hội vô cùng bàng hoàng trước thông tin về hành động phi nhân tính của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường. Không riêng bản thân tôi, mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành y đều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc, đến phẫn nộ, đau xót và buồn.

Trả lời về việc người dân yêu cầu bà xin lỗi công khai khi xảy ra vụ việc chấn động trên, vị "Tư lệnh" ngành y khẳng định, luật pháp quy định, công dân từ 18 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Điều đó có nghĩa là những người từ 18 tuổi trở lên nếu có lỗi, họ phải xin lỗi, nếu phạm luật, họ sẽ bị pháp luật trừng trị.

Ảnh minh họa.

Nói về góc độ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực y tế, vị "Tư lệnh" này cho rằng, để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về nhiều phía, trước hết là của chính cá nhân người vi phạm, của các cấp sở tại và quản lý ngành. Cá nhân bác sỹ Tường đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức cơ bản của một con người nói chung và đạo đức của người thầy thuốc nói riêng; hành vi trên thể hiện ý thức rất kém trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp. Việc quản lý không chặt chẽ, sát sao của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã dẫn đến việc không ngăn chặn kịp thời các vi phạm.

"Chúng tôi tiếp tục thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức và triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh chữa bệnh... Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra giám sát các hoạt động quản lý ngành, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở Y tế và các sở, ngành chức năng của địa phương đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát hành nghề y tư nhân, trong đó có cả thẩm mỹ, trên địa bàn", Bộ trưởng Tiến khẳng định.

Cũng theo bà Tiến, trường hợp bác sỹ Tường làm chết bệnh nhân và vứt xác xuống sông "là trường hợp cá nhân" và những trường hợp đi ngược với đạo đức, nghề nghiệp chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh".

Văn Chương - Phạm Hạnh

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/bo-truong-y-te-noi-ve-bac-si-vut-xac-a113770.html