Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Nhà máy xả thải lớn sẽ phải chịu giám sát

Chiều 15-11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước QH. Ảnh: Anh Tuấn

Những bức xúc về ô nhiễm môi trường tại các dự án công nghiệp, ô nhiễm các lòng sông, từ các dự án thủy điện, xả thải từ làng nghề và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu… là nhiều vấn đề được ĐBQH quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn: Cử tri Quảng Bình đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành trong xử lý sự cố tại Công ty TNHH Gang thép Formosa Hà Tĩnh, nhưng cử tri còn băn khoăn trong hiện tại và tương lai về vấn đề ô nhiễm môi trường. Vậy Bộ trưởng cho biết chính sách nào để đảm bảo tính vững chắc không có sự cố như Formosa trong thời gian tới?

Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của ĐBQH.

Liên quan đến trách nhiệm xử lý môi trường hiện nay, nhiều ĐB cho rằng hiện nay quy định chưa rõ. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), cách quản lý nhà nước hiện như “thả gà ra đuổi” và đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn về vấn đề này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, đây là nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quyết tâm giải quyết. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề này.

“Sau khi chỉ ra được vi phạm, nguyên nhân và nguồn gây ô nhiễm, Bộ đã tập trung vào 3 nhóm chính xử lý ô nhiễm đó là: nước thải, khí thải và chất thải rắn. Bộ đã thành lập 1 hội đồng chuyên ngành để xem xét, đánh giá, yêu cầu phía DN có biện pháp khắc phục cụ thể. Trong quá trình Formosa khắc phục đã có tổ công tác do Viện Khoa học Công nghệ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát liên tục, từ chất lượng chất thải, khí thải, chất thải rắn của Formosa”, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Giải trình làm rõ thêm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, khi các sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra đều gắn với trách nhiệm cụ thể. Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện, cũng như quy định giải quyết các vấn đề trách nhiệm giữa trung ương và địa phương còn chưa rõ ràng. Theo lý giải của Bộ trưởng, theo quy định hiện nay, việc phê duyệt đánh giá tác động môi trường của các dự án là trách nhiệm của địa phương, nhưng cấp phép các dự án lại là trách nhiệm của địa phương. Do đó, cần phải xác định được người chịu trách nhiệm thông suốt từ khi cấp phép đến khi vận hành dự án.

Làm rõ hơn những quy định liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các báo cáo này “chỉ là dự báo chứ không thể là cả quá trình, khi dự án triển khai vẫn có thể điều chỉnh. Nếu dự án liên hợp thì có nhiều hạng mục khác nhau, nếu đánh giá thì phải làm tổng thể”.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhiều lần cắt ngang phần trả lời của Bộ trưởng và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường trả lời thẳng vào câu hỏi của ĐBQH.

Sau giờ nghỉ giải lao của QH, Bộ trưởng mới trả lời được câu hỏi của 5 ĐBQH và có tới 38 ĐB tiếp tục đăng ký chất vấn.

Chất vấn về ô nhiễm môi trường đã đến mức báo động, nhiều ĐBQH đã dùng “động từ mạnh” và số liệu khủng như: “quả bom môi trường nổ chậm”, “bức tử sông Hậu”, “20 nhà máy nhiệt điện than, thải ra 16 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao”, “10 làng ung thư”… để chỉ tình trạng ô nhiễm của các dòng sông bị xả thải trái phép từ các dự án công nghiệp, ô nhiễm từ các làng nghề và các nhà máy nhiệt điện.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời đã nhắc đến tầm quan trọng của sông Hậu đối với đời sống người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ông cho rằng, “cần có cái nhìn tổng thể trong bối cảnh tác động và nguy cơ tác động đối với nguồn nước”. Theo Bộ trưởng, cần có quy hoạch tổng thể để khai thác, sử dụng và phát triển nguồn nước, từ đó phân bổ nước sử dụng cho các mục đích khác nhau.

“Trên cơ sở đó đưa ra quy chuẩn môi trường, Bộ sẽ thực hiện tốt công việc Thủ tướng Chính phủ giao đó là rà soát các cơ sở dọc sông đối với các dự án đang triển khai cũng như đánh giá lại toàn bộ các dự án, từ công nghệ đến quá trình xử lý, để giảm tối đa khả năng ô nhiễm và tránh sự cố. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và lắp đặt các hệ thống giám sát tự động, yêu cầu các nhà máy xả thải lớn phải chịu giám sát”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Minh Anh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nha-may-xa-thai-lon-se-phai-chiu-giam-sat.aspx