Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng

Liên quan đến dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.

Trước mối lo ngại dự án nhận chìm sẽ tác động đến môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định không được để xảy ra thảm họa môi trường.

Bộ trưởng cũng cho biết, quan điểm của Chính phủ, từ sau câu chuyện Formosa là: Không chấp nhận đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Riêng với khu vực Vĩnh Tân, còn có giá trị đặc biệt là khu bảo tồn Hòn Cau.

Theo Bộ trưởng, trong quá trình xem xét, cấp phép trước đó, Bộ đã huy động, mời nhiều nhà khoa học có uy tín tham gia hội đồng tư vấn thẩm định. Hội đồng đã đánh giá hồ sơ xin cấp phép, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung và họ đã đáp ứng, để chặt chẽ, thuyết phục hơn… Khi mọi thủ tục, ý kiến chuyên môn đã đầy đủ, thuyết phục như thế thì Bộ phải cấp phép nhận chìm. Đấy là trách nhiệm pháp lý của Bộ.

Trong giấy phép đã yêu cầu và chủ đầu tư cũng chấp nhận khảo sát môi trường nền. Viện Hải dương học Nha Trang đã khảo sát khu vực 30ha cấp phép rồi, khẳng định đáy biển đó chủ yếu là cát, hệ sinh thái nghèo nàn. Rồi thu thập hàng loạt thông số môi trường biển không chỉ nơi nhận chìm mà các điểm quan trắc xung quanh.

Viện Hải dương học Nha Trang là nơi bác Tác An, người có nhiều ý kiến phản đối, từng lãnh đạo. Viện chưa hề tham gia bất cứ việc gì vào quá trình cấp phép, nên hoàn toàn độc lập.

Đồng thời ông cũng cho rằng, đây là lỗi của Nhà nước, cụ thể là Bộ TN&MT. Lỗi ấy nằm trong cả những quy định pháp luật lạc hậu, thiếu chặt chẽ, cả trong tổ chức thực hiện, cả trong công tác truyền thông.

Không được để xảy ra thảm họa môi trường.

Không được để xảy ra thảm họa môi trường.

Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 chậm trễ sẽ bị phạt 620.000 USD/ngày?

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 3/8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các dự án nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đáp ứng cân bằng năng lượng cung cấp cho các tỉnh phía Nam, bởi dự báo, từ năm 2018 trở đi, khu vực phía Nam sẽ thiếu năng lượng. Nếu bên nào gây ra nguyên nhân chậm trễ sẽ bị phạt đến 620.000 USD/ngày (tương đương 14 tỷ đồng).

Liên quan đến vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh đã đưa ra nhận xét: Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có 95% vốn của nhà đầu tư Trung Quốc. Việt Nam đã ký các điều khoản đảm bảo và tạo điều kiện cho dự án về hạ tầng, luồng lạch để vận chuyển than, xử lý các loại chất thải… Chính vì vậy vấn đề mà Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu ra để mọi người có thể ngầm hiểu là trách nhiệm thuộc về phía Việt Nam.

Còn luật sư Nguyễn Toàn Thiện, đại biểu HĐND tỉnh, Chủ nhiệm đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận, nhận định: Thông tin của Bộ trưởng Bộ TN-MT rất dễ gây hiểu nhầm, kiểu như tạo “áp lực” để sớm hợp thức hóa quyết định mà Bộ này đã ký trước đây - đồng ý cho đổ ra biển 1 triệu m3 vật chất nạo vét luồng của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Luật sư Thiện nhấn mạnh: "Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 đã chọn sai đối tác trong việc thực hiện tư vấn xử lý vật chất nạo vét luồng tàu. Đây là lỗi do Vĩnh Tân 1 gây ra nên họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và hậu quả.

Nếu xét vấn đề ở góc độ này thì bên chịu trách nhiệm bồi thường cho nhà nước và nhân dân VN là Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 chứ không có chuyện đổ trách nhiệm ngược lại cho phía VN. Có chăng một phần trách nhiệm trong việc xác định lỗi chính là đơn vị và cá nhân cấp phép”.

Các dự án nhiệt điện thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân là dự án trọng điểm.

Bình Thuận mở ra hướng giải quyết mới

Liên quan đến vụ nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét xuống biển Bình Thuận, tỉnh Bình Thuận đã đề xuất phương án thay vì nhận chìm, có thể sử dụng chất nạo vét vào những việc hữu ích hơn như dùng để lấn biển ở những vị trí sạt lở.

Cụ thể, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh là việc xử lý vật chất nạo vét phải đảm bảo không tác động, không gây bất cứ tổn hại nào đến môi trường và tận dụng được hiệu quả kinh tế từ đó”.

Theo ông Hùng, cảng tổng hợp Vĩnh Tân có thể sẽ tiếp nhận khối lượng vật chất nạo vét này. Và để kịp tiến độ cho công trình trọng điểm này thì có thể ưu tiên xem xét giải quyết gần 1 triệu m3 bùn, cát dự kiến cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm xuống vùng biển Tuy Phong theo hướng trên.

Còn đối với hồ sơ dự án của Tổng Công ty Phát điện 3 xin phép nhận chìm 2,4 triệu m3 bùn, cát nạo vét luồng và vũng quay tàu cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, 4 và 4 mở rộng, ông Hùng cho biết tỉnh Bình Thuận đã đề nghị trung ương nghiên cứu tận dụng tối đa vào mục đích san lấp mặt bằng các công trình lấn biển lân cận.

“Có thể làm kè bằng bê tông cốt thép để đưa khối lượng này vào san lấp các khu vực ven biển của tỉnh hiện nay đang bị sạt lở nghiêm trọng hoặc cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn nhằm tận dụng tối đa vật liệu san lấp, thay cho phương án nhận chìm” - ông Hùng cho hay.

Theo ông, về kinh phí xây kè dự kiến lên hàng trăm tỷ đồng, nhưng việc xây như thế nào các nhà chuyên môn sẽ tính toán, lựa chọn kết cấu kè phải phù hợp. “Kè phải đảm bảo tiếp nhận, lưu giữ vật chất nạo vét không thẩm thấu ra môi trường biển. Quan điểm của tỉnh là việc xử lý vật chất nạo vét phải đảm bảo không tác động, không gây bất cứ tổn hại nào đến môi trường và tận dụng được hiệu quả kinh tế từ khối lượng vật chất nạo vét”.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, nếu chọn phương án này thì cần cho các chuyên gia khoa học công nghệ trong lĩnh vực xây dựng kè biển nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, thiết kế mới có thể tiến hành xây dựng.

Liên quan đến đề xuất trên, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết Sở đã có báo cáo phương án tận dụng vật chất nạo vét sau khi đã làm việc với các ban ngành, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam và Ban quản lý dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận, luật sư Nguyễn Toàn Thiện, cũng cho biết, bản thân ông rất hoan nghênh đề xuất của Bí thư Tỉnh ủy. Theo ông, việc không sử dụng phương pháp nhận chìm trên biển mà đề xuất cho đổ vào dự án lấn biển của cảng tổng hợp Vĩnh Tân cạnh đó là rất khả thi.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận, cho biết Hội Nghề cá tỉnh rất vui mừng khi nhận được thông tin Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản đề xuất không nhận chìm bùn, cát nạo vét xuống biển.

Minh Tuệ (tổng hợp theo TNO, PLO, VNN)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/bo-truong-tran-hong-ha-khong-danh-doi-moi-truong-lay-tang-truong