Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chất nạo vét ở Vĩnh Tân không phải chất thải

Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên, vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên, luôn được khuyến cáo xem xét tái sử dụng.

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Võ Hải

Tại cuộc họp báo chiều 3/8, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã thông tin về dự án nhận chìm gần một triệu m3 chất nạo vét của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và hướng xử lý của cơ quan chức năng.

Theo ông, hiện một số người dân nhầm lẫn khi cho rằng vật chất nạo vét ở khu quay tàu của nhà máy nhiệt điện là chất thải. Trong khi cả về thực tế cũng như thuật ngữ chuyên ngành thì vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên, luôn được khuyến cáo xem xét tái sử dụng.

Trước thông tin nhiều nhà khoa học khẳng định không thẩm định dự án nhận chìm nêu trên, nhưng bị đưa tên vào danh sách, Bộ trưởng Hà nói đây là vấn đề thuộc trách nhiệm pháp lý giữa nhà đầu tư với bên tư vấn, không phải trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. "Tôi khẳng định không có nhà khoa học nào bị mạo danh", ông nói.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên thông tin, việc đánh giá tác động môi trường của dự án đã được thực hiện năm 2014 theo các quy định liên quan. Lúc này, việc nhận chìm chưa được quan tâm nhiều, chưa chặt chẽ trong luật. Vì vậy, các hoạt động nhấn chìm vật chất nạo vét ở biển vẫn được thực hiện như xây dựng cảng Cái Lân (Quảng Ninh), hay việc duy tu bảo dưỡng luồng lạch hàng năm.

Sau khi khẳng định quan điểm của Chính phủ "lấy môi trường làm trên hết", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói tiến độ của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 liên quan đến việc đáp ứng năng lượng cho các tỉnh phía Nam; trường hợp dự án chậm trễ, bên có lỗi bị phạt tới 620.000 USD mỗi ngày. Do vậy bộ ngành liên quan, EVN và các bên "phải chọn phương án tốt nhất".

Theo ông Hà, Viện hải dương Nha Trang đã đánh giá độc lập, lấy hiện trạng môi trường khu vực dự án làm nền tảng để đánh giá tất cả tác động khi hoạt động nạo vét, nhận chìm xảy ra.

Tuy nhiên, Kết quả của Viện hải dương học mới có hiện trạng môi trường và hệ sinh thái. Vừa qua, Chính phủ đã giao Viện hàn lâm khoa học đứng ra đánh giá toàn diện, xem xét từ các mô hình, vật chất, cơ, lý, hoá.

"Mỗi cách tiếp cận có sự khác nhau để phân tích chính xác hơn; về phía Bộ Tài nguyên có 22 nhà khoa học đầu ngành ở các lĩnh vực tham gia đánh giá", ông nói và cho biết thêm Bộ đã lập hệ thống để quan trắc ở các tầng nước, vị trí nhận chìm.

"Tất cả các vấn đề đều cần khảo sát, đánh giá bài bản, vì nó có thể ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế nếu không tính toán kỹ về tính khả thi", Bộ trưởng Tài nguyên khẳng định.

Theo VnExpress

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/bo-truong-tran-hong-ha-chat-nao-vet-o-vinh-tan-khong-phai-chat-thai-3038799.html