Bộ trưởng Tài chính 'tranh luận' với Chủ tịch HĐND TP.HCM về phân bổ ngân sách

Phiên thảo luận chiều nay đã "nóng" hơn khi ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có cuộc "tranh luận" về phương án phân bổ ngân sách cho TP.HCM năm 2017.

Theo đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, mỗi người có 3 lần phát biểu, bày tỏ quan điểm của mình về tỷ lệ phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017.

Bà Tâm cho rằng TP.HCM cần có nguồn lực để đầu tư. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Chính trị cho TP.HCM thực hiện Nghị quyết 16.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, TP.HCM đồng ý giảm phân bổ ngân sách, nhưng giảm ở mức độ nào đó để đảm bảo cân đối ngân sách của TP, chứ không giảm đột ngột. TP.HCM xây dựng Nghị quyết Đại hội X trên tinh thần của Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đối với TP.HCM.

“Bây giờ giảm đột ngột một lúc 5%, trong khi đó 1% của TP.HCM thì con số tuyệt đối là rất lớn. Điều này khiến TP.HCM rất khó trong chính sách điều hành để thực hiện Nghị quyết Đại hội X của TP.HCM. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quan tâm, đặc biệt đề nghị Chính phủ quan tâm”, đại biểu Tâm phân trần.

Đại biểu Tâm cho biết Chính phủ đã hỗ trợ cho TP.HCM rất nhiều và kịp thời. Nhân nhân TP.HCM cảm nhận được điều đó.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Chúng tôi xin ở đây là xin cơ chế để TP.HCM phát triển và thực hiện như Nghị quyết 16, để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho ngân sách của quốc gia”, đại biểu Tâm giải thích.

Đáp lại kiến nghị của TP.HCM, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tỉ lệ điều tiết cho các địa phương là vấn đề rất quan trọng. Nó giải quyết vấn đề giữa ngân sách T.Ư và địa phương.

“Có một thực tế là chúng ta đang khuyến khích các trọng điểm kinh tế, coi như nuôi gà đẻ trứng vàng, cho nó ăn để cho nó đẻ trứng nhiều hơn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, cần phải có trách nhiệm với các địa phương khó khăn, không để khoảng cách giữa các địa phương - vùng miền quá lớn mặc dù thực tế đúng như vậy.

“Chúng ta thực hiện điều này thông qua cơ chế phân phối lại nguồn lực của ngân sách nhà nước, tính lại tỷ lệ điều tiết, bổ sung cân đối cho các địa phương sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết năm 2017 có 10 trên 13 địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương của giai đoạn 2011 - 2016 giảm lớn. Có địa phương giảm từ 20 đến 30% so với tỷ lệ của giai đoạn 2011 - 2016, áp định mức vào thì nó như vậy.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nói, đại biểu Tâm đứng lên phát biểu lần 2. “Những vấn đề Bộ trưởng nói là thực tế. Nhưng tôi nghĩ nếu như Bộ Tài chính nói thêm chuyện đầu tư có mục tiêu, phân bổ, bổ sung cho các địa phương không phải riêng TP.HCM thì rõ ràng hơn”, đại biểu Tâm bày tỏ quan điểm.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời luôn: “Trong báo cáo của tôi không nói chi tiết số liệu của các địa phương khác nhưng tôi đã nói tương tự như vậy thì tỷ lệ điều tiết của các địa phương khác cũng nâng lên”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Ví dụ, Hà Nội là 35% giảm 7%, Hải Phòng là 78% giảm 10%. Nếu tính theo định mức thì giảm sâu hơn, Đà Nẵng là 68% thì giảm 17% chứ không phải giảm 30% như tính theo định mức, Đồng Nai là 47% giảm 4%, Bình Dương là 36% giảm 4% so với giai đoạn trước.

“Báo cáo với chị Tâm như vậy, đều tính cho hỗ trợ lại trong 14.000 tỷ đồng tính hỗ trợ lại cho cả 16 địa phương, tất cả đều có bổ sung nên mặt bằng đều lên cả”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Sau khi nghe giải thích, đại biểu Tâm đứng lên phát biểu lần thứ 3: “TP.HCM và nhân dân TP.HCM chưa bao giờ bàn lùi. Một khi Quốc hội đã quyết, Chính phủ đã quyết thì TP.HCM quyết tâm tìm giải pháp để thực hiện. Tuy nhiên sau phần giải trình của Bộ trưởng, có thể nhân dân và Quốc hội sẽ hiểu không đúng về ý chí của TP.HCM”.

Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng địa phương nào cũng nhận được kinh phí bổ sung của Chính phủ. Điều này là cần thiết, nhất là những địa phương khó khăn.

“Chúng tôi mong Chính phủ, Quốc hội xem xét để TP.HCM có thể làm ra của cải nhiều hơn, đóng góp cho đất nước nhiều hơn chứ không phải chúng tôi xin Chính phủ, Quốc hội tiền để chi cho bộ máy hay chi thường xuyên”, bà Tâm khẳng định.

Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng bày tỏ thêm: “Chúng tôi muốn đặt ra câu hỏi để chúng ta cùng bàn và giải quyết. Nếu Quốc hội cảm thấy quyết như thế là hợp lý và thỏa đáng; Chính phủ thấy rằng cần phải có sự chia sẻ từ TP.HCM thì xin thưa với Quốc hội, chưa bao giờ TP.HCM bàn lùi. Chúng tôi chỉ có một ý chí là hoàn thành tốt nhiệm vụ Quốc hội và Chính phủ giao”.

Sau phần phát biểu của bà Quyết Tâm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tái khẳng định: "Một lần nữa chúng tôi xin đề nghị Thành ủy, đoàn đại biểu Quốc hội và nhân dân TP.HCM chia sẻ với T.Ư, Chính phủ, trong đó có chia sẻ với Bộ Tài chính”, ông Dũng nói.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/bo-truong-tai-chinh-tranh-luan-voi-chu-tich-hdnd-tphcm-ve-phan-bo-ngan-sach-719896.html