Bộ trưởng NN&PTNT: Nuôi tôm trên cát không xâm lấn đất rừng ven biển

Nhằm đưa ngành nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài, ngày 16/5, Bộ NN&PTNT phối hợp tỉnh Hà Tĩnh tổ chức “Hội nghị phát triển bền vững nuôi tôm trên cát” với sự tham dự của 14 tỉnh, thành.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm các dự án nuôi tôm tại Cẩm Xuyên (ảnh: T.Hoa)

Khu vực Duyên hải miền Trung có hơn 1.800km bờ biển (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) với tổng diện tích đất cát khoảng 100.000ha. Đây là điều kiện thuận lợi lớn để phát triển ngành nuôi tôm trên cát.

Từ năm 2000, phong trào nuôi tôm trên cát đã bắt đầu hình thành, tuy nhiên mức độ phát triển, hiệu quả còn “vụn vặt” .

Đến thời kỳ áp dụng công nghệ nuôi mới như thâm canh ít thay nước, sử dụng chế phẩm vi sinh, tái sử dụng nước, công nghệ bioflocs... diện tích nuôi tôm trên cát phát triển mạnh. Thống kê đến năm 2016 đạt 3.734ha, tăng trưởng trung bình khoảng 7,5%/năm (giai đoạn 2010 – 2016); sản lượng đạt 41.705 tấn, tăng trưởng bình quân 5%/năm.

Nhằm đưa ngành nuôi tôm trên cát phát triển bền vững và thực sự trở thành một ngành chủ lực đối với ngư dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã về Hà Tĩnh tham dự Hội nghị phát triển bền vững nuôi tôm trên cát.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Khu vực Duyên hải miền Trung có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi tôm trên cát. Nếu khai thác đúng lợi thế, thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi, chịu đầu tư thì năng suất tôm đạt 20, 40 tấn/ha không phải là vấn đề.

Đặc biệt, với 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vừa chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển thì việc đầu tư đối tượng nuôi này sẽ giảm bớt áp lực khai thác ven bờ, ổn định đời sống cho người dân.

Nhiều dự án nuôi tôm tại thị xã Kỳ Anh đạt năng suất cao (ảnh: T.Hoa)

Xét về lâu dài, Bộ trưởng yêu cầu, muốn phát triển nghề nuôi tôm trên cát mang tính chiến lược, buộc các tỉnh phải thực hiện khâu rà soát diện tích đất cát. Quy hoạch khu nuôi tôm đa dạng, chuẩn hóa nhưng không được vi phạm đất rừng ven biển.

Cụ thể, vùng quy hoạch phải thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng như điện, nước... không xung đột quy hoạch sản xuất ngành khác hoặc đối tượng khác trong ngành.

“Đây là bước cực kỳ quan trọng, càng làm chi tiết, càng tập trung thì càng dễ thành công. Quan trọng nhất các địa phương phải có quyết tâm, triển khai bài bản, không quy hoạch “chay” để đảm bảo đề án xây dựng áp dụng được vào thực tiễn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài tính quy hoạch nuôi tôm mang tính chiến lược, Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp đang và sẽ nuôi tôm, phải duy trì tốt diện tích đang canh tác. Cùng liên kết với nhau để giải quyết các vấn đề về giống, thức ăn, quy trình nuôi, chế biến, tiêu thụ.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết: "Từ đầu năm 2017 môi trường biển đã an toàn, ngành nuôi tôm đã bắt tay trở lại. Hiện Hà Tĩnh đã có 400ha đưa vào nuôi trồng; quy hoạch 1.000ha nuôi tôm trên cát; hình thành 8 vùng nuôi tập trung.

Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, cần kiến nghị Chính phủ có quy hoạch vùng, liên vùng các tỉnh Bắc Trung bộ, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng kế cấu hạ tầng trên bờ như: hạ tầng vùng nuôi tôm, khu tránh trú bão, giao thông..."

Ông Sơn cũng nhấn mạnh việc quy hoạch vùng nuôi tôm phải hết sức thận trọng, các nhà chuyên môn phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, tránh chồng chéo, ảnh hưởng về sau".

Nói về chiến lược nuôi tôm trên cát, ông Mai Văn Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH giống thủy sản Growbest cũng khuyến cáo: Như các tỉnh ảnh hưởng sự cố môi trường biển vừa qua nếu chỉ sử dụng nước mặn để nuôi thì sẽ rất nguy hiểm nhưng nếu lấy nước ngọt bằng hệ thống nước ngầm sẽ dẫn đến nhiễm kim loại nặng. Cho nên phải xây dựng các ao chứa quy mô lớn để điều chỉnh nước đảm bảo mới đưa vào ao nuôi.

Một kinh nghiệm từ tỉnh Bình Thuận, ông Trương Hữu Thông, Tổng Giám đốc Cty TNHH Thông Thuận chia sẻ: Muốn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường kiến nghị Bộ NN-PTNT khuyến khích nuôi thâm canh, siêu thâm canh và nên phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao lót bạt; đồng thời, rà soát công tác quy hoạch để khai thác hết vùng đất cát hoang hóa.

Cần tập trung theo dõi tôm phát triển trong 30 ngày đầu thả giống và nên nuôi làm 2 cấp. Nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật năng suất tôm ước đạt 15 – 18 tấn/60 ngày; doanh thu có thể lên tới 9 – 12 tỷ/ha/năm – ông Thông nói thêm.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 đưa diện tích nuôi tôm trên cát lên đạt 4.500ha, sản lượng trên 60.000 tấn; năm 2025 diện tích nuôi 7.000ha, sản lượng trên 110.000 tấn, các địa phương phải xây dựng cụ thể các giải pháp về quy hoạch; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, giám sát chặt chẽ điều kiện các cơ sở nuôi, con giống; đưa khoa học công nghệ vào sản xuất; ưu tiên đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh; xây dựng chính sách đầu tư hạ tầng, tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất giống, thức ăn, cơ sở nuôi tôm trên cát...

Trương Hoa

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-truong-nnptnn-nuoi-tom-tren-cat-khong-xam-lan-dat-rung-ven-bien-post227771.info