Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường 'bàn kế' giải cứu thịt lợn

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường vừa gửi công văn hỏa tốc kêu gọi các Bộ ngành, các địa phương… hãy chung tay mua sản phẩm thịt lợn cho người chăn nuôi để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Nhiều đề xuất được đưa ra để chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi thịt lợn. ảnh PV

Trong công văn hỏa tốc của Bộ NNPTNT ghi rõ được sự thống nhất của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT xin phát động chương trình chung tay chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi bằng những việc làm cụ thể như: giảm giá các nguyên liệu đầu vào cho người chăn nuôi; hỗ trợ tín dụng cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chế biến, cấp đông dự trữ các sản phẩm trong nước. Trong đó, vấn đề cấp bách là có kế hoạch thu mua, sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn sản xuất trong nước để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất.

Bộ NNPTNT này cũng đề nghị các Bộ ngành, các địa phương và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội cùng tuyên truyền, chỉ đạo và tổ chức triển khai bằng các biện pháp cụ thể, thiết thực với người chăn nuôi lúc này. Theo đó, phía Bộ NNPTNT sẽ tiếp nhận các thông tin, kế hoạch cụ thể của mọi tổ chức, cá nhân và kết nối để các đối tác liên quan triển khai thuận lợi, hiệu quả chương.

Trước đó thì Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký văn bản số 597/TTg-NN trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu thịt lợn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tuyên truyền, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn về thịt (các khu công nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang) để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh áp dụng các giải pháp về công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn.

H.M

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/bo-truong-nguyen-xuan-cuong-ban-ke-giai-cuu-thit-lon-660446.bld