Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tạo cho cán bộ hư, hỏng, doanh nghiệp cũng có lỗi

Cuối giờ chiều ngày 17/5, tại buổi họp báo Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: “DN tạo cho cán bộ hư, DN tạo cho cán bộ hỏng, DN cũng có lỗi. Cái đó phải nhìn hai mặt. Công khai, minh bạch là phương tiện tốt nhất để cùng nhau thực hiện, cùng nhau giám sát việc thực hiện chỉ thị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Chỉ thị 11 trang, 60 nhiệm vụ, thời gian, cơ quan cụ thể

Theo ông Dũng, sau khi kết thúc hội nghị “đồng hành cùng DN”, 3h chiều cùng ngày, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành, cùng dự có các hiệp hội đã họp để xây dựng chỉ thị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35.

“Chỉ thị này dài 11 trang, tổng hợp trên 60 nhiệm vụ giao cụ thể các bộ, ngành, địa phương”, Bộ trưởng thông tin.

Trả lời báo chí, về những nhiệm vụ chính của chỉ thị này, ông Dũng thông tin, “tinh thần xây dựng của chỉ thị hết sực mạch lạc, rõ ràng với những nhiệm vụ cụ thể, cơ quan cụ thể, thời gian cụ thể, không chồng chèo, không lấn, không hiểu hai nghĩa, đi thẳng vào vấn đề DN, cộng đồng doanh nhân quan tâm”.

Bộ trưởng nêu ví dụ, như Bộ Kế hoạch Đầu tư là giúp Chính phủ xây dựng 3 chương trình hành động là hoàn thiện thể chế; xắp sếp đối mới DN Nhà nước; phát triển DN kinh tế tư nhân. Rồi xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích 4,9 triệu hộ kinh doanh cá thể chuyển thành DN.

“DN nói về phí chính thức, chi phí không chính thức rất cao (chiếm trên 10%) đây cũng là nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch Đầu tư là xây dựng đề án và các nhiệm vụ cụ thể để giảm phí không chính thức, chi phí chính thức cho DN”.

Hay Bộ Tài nguyên Môi trường được giao nhiệm vụ tới đây là nghiên cứu, giúp Chính phủ, báo cáo Quốc hội xây dựng, sửa đổi Luật Đất đai khi giải phóng mặt bằng, DN đối thoại với người dân khi thu hồi đất không phải thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng…

“Đây là những việc cụ thể, sau này khi chỉ thị được công bố công khai sẽ cụ thể hơn”.

Cán bộ làm sai có thể bị cách chức

DN đã rất phấn khởi khi đích thân Thủ tướng và các Bộ trưởng đã đưa ra nhiều cam kết “gỡ khó” cho DN. Vậy Chính phủ có cơ chế nào để giám sát việc thực hiện các cam kết này?

Trả lời vấn đề này, ông Dũng cho biết, Chính phủ cũng bàn tới việc này khi DN nói “trên nóng, dưới còn lạnh, thậm chí không lạnh còn đóng băng”. Rồi “trên Chính phủ, Thủ tướng cởi trói, nhưng một vài nơi lại trói lại, thắt lại”.

Ngay cả vấn đề nhận thức, quan điểm, ngay cả vấn đề chuyên môn, nhiệm vụ của công chức cũng được Chính phủ, Thủ tướng đề cập.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành tại buổi họp báo

Cho nên, theo Bộ trưởng, trong chỉ thị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 35 nêu rõ, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng. Đó là, cán bộ làm sai thì sẽ bị xử lý với những biện pháp mạnh như cách chức, buộc thôi việc, thuyên chuyển theo chỉ thị 13 đã nêu.

Ông cũng cho rằng, khi chỉ thị được ban hành, được công khai trong toàn dân, với sự giám sát của người dân, DN, đặc biệt là cơ quan báo chí thì các cơ quan tổ chức, công chức, DN cũng phải chấp hành.

“DN tạo cho cán bộ hư, DN tạo cho cán bộ hỏng, DN cũng có lỗi. Cái đó phải nhìn hai mặt. Công khai, minh bạch là phương tiện tốt nhất để cùng nhau thực hiện, cùng nhau giám sát”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo ông Mai Tiến Dũng, vấn đề giảm chỉ phí kinh doanh cho DN là việc rất quan trọng.

“Mục tiêu trong chỉ thị này là năm nay tập trung tháo gỡ các rào cản nhất là giấy phép con, lợi ích nhóm để giảm các chi phí chính thức và giảm chi phí không chính thức, để giảm giá thành, để sản phảm có thể cạnh tranh”.

Thanh tra đột xuất chỉ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng

Liên quan đến câu chuyện thanh tra, kiểm tra tránh chồng chéo gây phiền hà cho DN, ngay khi hội nghị đang diễn ra, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành chỉ thị 20 để tranh tình trạng như phản ánh của DN là 1 tháng bị thanh tra kiểm tra 3 lần, hay bị thanh tra, kiểm tra 12 lần trong năm.

Ông Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của chỉ thị là trong 1 năm chỉ được thanh tra, kiểm tra 1 lần hoặc kiểm toán 1 lần. Các ngành như cơ quan Công an liên quan đến thanh tra phòng cháy, chữa cháy, Sở Tài nguyên Môi trường liên quan môi trường… thì gửi kế hoạch thanh tra đến thanh tra tỉnh để tổng hợp, lên kế hoạch thanh tra trong năm, trình UBND tỉnh TP.

“Như vậy hàng năm Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra DN trên địa bàn”, ông Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, khi các cơ quan phát hiện có thanh tra, kiểm tra chồng chéo, lúc đó Chủ tịch UBND tỉnh, TP sẽ giải quyết. Nếu không giải quyết thì chuyển lên cơ quan thẩm quyền cao hơn.

Trường hợp thanh tra đột xuất chỉ thực hiện khi có dấu hiệu vi phạm nhưng dấu hiệu đấy phải rõ ràng, phải có chứng cứ, quả tang.

Ông nhấn mạnh thêm, nếu các tổ chức cá nhân không thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật tùy mức độ. Nếu cá nhân tổ chức nào đã biết rõ mà cố tình vi phạm thì phải chịu trách nhiệm.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/bo-truong-mai-tien-dung-tao-cho-can-bo-hu-hong-doanh-nghiep-cung-co-loi_t114c67n119114