Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo thừa nhận không đạt mục tiêu đề án ngoại ngữ

Sáng nay (16.11), Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội với hàng loạt vấn đề về cải cách giáo dục, đổi mới giáo dục toàn diện, đổi mới SGK giáo dục phổ thông, gắn đào tạo với quy hoạch, dự báo sử dụng nguồn nhân lực, đổi mới phương thức thi… Bộ trưởng cho biết, sẽ điều chỉnh đề án dạy ngoại ngữ 2008 - 2020.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Đã có tới 59 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng. Mở đầu buổi chất vấn, Bộ trưởng thừa nhận ngành giáo dục có nhiều yếu kém. Thay mặt 1.4 triệu giáo viên, Bộ trưởng sẵn sàng lắng nghe ý kiến của cử tri.

Là người đầu tiên đặt câu hỏi, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) nêu vấn đề Đề án dạy ngoại ngữ 2008 - 020 mục tiêu đa số thanh niên tốt nghiệp trung cấp cao đẳng ĐH sẽ sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Đề án có kinh phí 9400 tỉ đồng, giai đoạn đến 2015 chi hết 5.000 tỉ đồng nhưng chưa được như mong muốn. Liệu đến 2020 có đạt mục tiêu của đề án không?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn: “Tôi trả lời luôn là không”. Bộ trưởng nói: Dạy và học ngoại ngữ là vấn đề lớn, lâu dài, liên quan nhiều nhóm đối tượng. Để biết thành thạo như đề án cần thời gian và chi phí lớn. Khi xây dựng đề án đã cố gắng đưa ra lộ trình và quyết tâm cao, nhưng trong triển khai gặp vấn đề về thời gian, kinh phí, chuẩn bị.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong vấn đề này: “Với trách nhiệm của Bộ và cá nhân Bộ trưởng, chúng tôi nhận trách nhiệm”. Khi xây dựng đề án phải thiết thực, khả thi, bám sát mục tiêu. Gần đây, Bộ đã rà soát để điều chỉnh đề án theo các hướng: Thứ nhất điều chỉnh cách tiếp cận. Không phải đề án 2020 chịu trách nhiệm đào tạo cho tất cả các nhóm đối tượng và chương trình phải được biên soạn theo hệ thống tính đến hội nhập quốc tế, tránh biên soạn theo năng lực của thầy cô. Thứ hai, năng lực giáo viên chưa được chuẩn bị kỹ. Thứ ba, chọn phương thức tổ chức giảng dạy mà nhiều người được hưởng lợi, đặc biệt đặt vấn đề giáo dục suốt đời không nhất thiết bằng cấp, nên tập trung thiết kế chương trình theo hướng trực tuyến từ xa, người dân phát huy, đặc biệt xã hội hóa đào tạo tiếng Anh, không nhất thiết trông chờ đề án. Với tinh thần đó, Bộ sẽ thiết kế lại đề án để trình Chính phủ.

Bộ trưởng cho biết, kinh nghiệm Malaysia, Singapore mất 38 năm để người dân thành thạo tiếng Anh. Bộ sẽ điều chỉnh đề án để đảm bảo thiết thực và không lãng phí nguồn lực.

Bộ cũng sẽ đánh giá lại trình độ giáo viên ngoại ngữ và làm việc với Bộ Nội vụ để nâng cao yêu cầu với giáo viên theo một chính sách có lộ trình. Tuy nhiên việc này mất thời gian, và cần linh hoạt với thầy cô, không phải đưa ra là áp ngay, nếu không sẽ có việc mua bán chứng chỉ.

M.H

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/bo-truong-giao-duc-dao-tao-thua-nhan-khong-dat-muc-tieu-de-an-ngoai-ngu-611488.bld