Bộ trưởng Công Thương giải trình về 'top' dự án nghìn tỷ kém hiệu quả

Sáng 2/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn giải trình tại Quốc hội về các dự án nghìn tỷ gây thất thoát, lãng phí đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Công Thương nhìn nhận, ngoài 5 dự án được phản ánh tiêu tán hàng chục nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước, còn có một số dự án khác cũng có nguy cơ nếu không kịp thời sẽ có khả năng kém hiệu quả, mất vốn.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: Hà Giang)

Theo Bộ trưởng, 5 dự án được nêu trong báo cáo của Chính phủ gồm: Đạm Ninh Bình, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên và dự án về Ethanol, trong quá trình thực hiện đã có nhiều vướng mắc, thay đổi của từng dự án và thị trường.

Bộ trưởng cho biết, dù đã có những biện pháp tháo gỡ nhưng chưa đạt được hiệu quả.

Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành đang tổng hợp, báo cáo kiểm tra triệt để toàn diện các dự án này: đánh giá thực trạng dự án, quá trình điều hành thực hiện dự án gồm vai trò, trách nhiệm cấp quản lý – chủ đầu tư; giải pháp theo nguyên tắc bảo vệ lợi ích, nguồn vốn của Nhà nước và sẽ có giải pháp triệt để đảm bảo không thất thoát vốn Nhà nước.

Ngoài ra, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải xác định làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan để xem xét xử lý.

“Một số dự án có sự tham gia của bộ chủ quản, cơ quan chức năng như Xơ sợi Đình Vũ, hay Ethanol và đã có kết quả thanh tra. Đối với các dự án: Gang thép Thái Nguyên, Đạm Ninh Bình thì Bộ Công Thương đang cho thanh tra và sẽ báo cáo Thủ tướng hướng xử lý dứt điểm”, người đứng đầu Bộ Công Thương cho hay.

Qua 5 dự án này, Bộ trưởng cho rằng, một số vấn đề lớn Bộ Công Thương nhận thấy là phải rạch ròi trong quản lý nguồn lực đầu tư Nhà nước không chỉ đầu tư công, mà gồm cả đầu tư của DNNN, đồng thời xác định rõ những lĩnh vực để các doanh nghiệp khác tham gia phát triển thị trường.

Qua những dự án này, Bộ trưởng Công Thương cho rằng đã bộc lộ những khiếm khuyết, lỗ hổng trong quản lý nhà nước, biệt là khung pháp lý cũng như về mặt thể chế, vai trò trách nhiệm của bộ chủ quản, cũng như các bộ quản lý quy trình đầu tư của các DNNN và đầu tư xã hội nói chung.

“Vì thế, rất cần làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước đối với vốn trong DNNN trong thời gian tới. Ngoài ra, trong trách nhiệm của bộ chủ quản cũng như bộ chuyên ngành cần phải xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nhà nước, nhất là trong chất lượng các dự án đầu tư, khâu chiến lược, quy hoạch, chủ trương đầu tư và nội dung cụ thể đầu tư và làm rõ trách nhiệm của quản lýNhà nước của chủ đầu tư, doanh nghiệp, không loại trừ những tồn tại, những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật Nhà nước trong quản trị, điều hành các hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp Nhà nước”, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ hoan nghênh việc đã công bố các dự án thua lỗ, đắp chiếu cũng như hoan nghênh việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin còn nhiều dự án nữa có nguy cơ”. Ông đề nghị sớm lập danh mục các dự án này.

“Nếu chúng ta công bố cũng phải nắm cho chắc, bởi chỉ một ngày trôi qua lỗ vài ba tỷ đồng, 1 năm lỗ 5-7 chục tỷ đồng thì cộng lại sẽ là số tiền lớn, trong khi đó, chúng ta vẫn còn nhiều đồng bào đang sinh sống tại vùng sâu vùng xa, huyện nghèo đang rất cần được giúp đỡ”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/bo-truong-cong-thuong-giai-trinh-ve-top-du-an-nghin-ty-kem-hieu-qua-217441.html