Bộ trưởng Công Thương giải trình một số vấn đề về quản lý ngoại thương

Ngày 7-11, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (đại diện Ban soạn thảo) giải trình trước Quốc hội một số nội dung về Dự án Luật Quản lý ngoại thương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV. Ảnh: T.Bình.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đến ngày 7-11, có tổng cộng hơn 110 ý kiến của đại biểu góp ý đối với dự án Luật. Các ý kiến đại biểu tập trung vào trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động ngoại thương; việc phân cấp cho chính quyền địa phương; công tác hiện đại hóa hoạt động quản lý ngoại thương...

Về trách nhiệm quản lý hoạt động ngoại thương, một số đại biểu e ngại dự thảo quy định theo hướng tập trung nhiều quyền hạn cũng như quyền lực cho các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Công Thương. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình: Nguyên tắc mỗi lĩnh vực phải có một cơ quan đầu mối thực hiện để chịu trách nhiệm trong việc xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Quy định cụ thể như dự thảo nhưng tất cả những khung khổ pháp lý bao gồm cả dự án Luật Quản lý ngoại thương phải tương thích và phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong hoạt động XNK hàng hóa và cũng như thương mại quốc tế. Bất kỳ một biện pháp quản lý nào của Chính phủ thông qua các khung pháp lý cũng như các chính sách cụ thể đều chịu sự ràng buộc và kiểm tra của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các khuôn khổ hội nhập quốc tế.

“Chắc chắn (dự thảo Luật Quản lý ngoại thương) không có điều kiện để xây dựng những chính sách có tính chất phân biệt đối xử hoặc hướng vào việc bảo hộ hoặc bảo vệ lợi ích, trao quyền lực và trao những cơ chế cấp phát, không phù hợp với nguyên tắc của thị trường, những nguyên tắc của WTO và các cam kết quốc tế”- “Vị Tư lệnh” ngành Công Thương trấn an đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cũng đồng tình với rất nhiều nhận định, đánh giá của đại biểu về việc cần tiếp tục làm rõ thêm các nguyên tắc cũng như nội dung cụ thể để quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan đầu mối, kể cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính...

Một trong những nội dung đáng chú ý thu hút được nhiều đại biểu tham gia góp ý là việc phân cấp cho chính quyền địa phương. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Ban soạn thảo hết sức lưu ý trong việc quy định về phân cấp, trao trách nhiệm cho chính quyền địa phương đối với các hoạt động đặc thù và trong một số lĩnh vực nhất định như tạm nhập, tái xuất; chỉ định các cửa khẩu xuất khẩu như cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế hoặc trong một số điều kiện nhất định có những quy chế về tạm ngừng nhập khẩu hoặc tái xuất tại các cửa khẩu địa phương cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn trong quan hệ thương mại với đối tác, đồng thời không có sự vi phạm với những cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã thực hiện.

Về hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước và thủ tục hành chính, “Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu và tiếp tục cụ thể hóa không chỉ trong văn bản dưới luật mà còn thể hiện ngay trong những nội dung, nội hàm lớn ở ngay dự thảo Luật này trong kỳ báo cáo với Quốc hội lần sau. Đồng thời, các hoạt động hướng tới cải cách hành chính, thực hiện các thủ tục dịch vụ hành chính công trực tuyến cũng như các dịch vụ quản lý thủ tục hành chính khác, Bộ Công Thương cũng rất tích cực thực hiện. Đến năm 2017 toàn bộ dịch vụ hành chính công của Bộ Công Thương sẽ được đưa lên mạng (thực hiện dịch vụ công trực tuyến), công khai và có sự giám sát của cộng đồng doanh nghiệp và của xã hội”- Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.

Về các biện pháp cấm, tạm ngừng XNK, rất nhiều đại biểu Quốc hội đề cập và bày tỏ sự lo ngại về thẩm quyền (trường hợp cấm thẩm quyền thuộc Chính phủ, trường hợp tạm ngừng thẩm quyền thuộc Bộ trưởng Bộ Công Thương-PV), theo ông Trần Tuấn Anh, biện pháp cấm, tạm ngừng XNK không vi phạm với các quy định của WTO cũng như các khuôn khổ hội nhập mà Việt Nam tham gia. Đây là thẩm quyền của Nhà nước và Việt Nam có quyền, và cần phải tổ chức thực hiện để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, lợi ích của phát triển kinh tế- xã hội, lợi ích của doanh nghiệp trong hội nhập... nhưng phải có nguyên tắc và những lý do xác đáng.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-truong-cong-thuong-giai-trinh-mot-so-van-de-ve-quan-ly-ngoai-thuong.aspx