Bộ trưởng Công Thương: Có khi đánh kẻng báo động xả lũ

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn trước QH cho biết các công trình thủy điện đều được phê duyệt quy trình xả lũ nhưng vận hành máy móc có khi đánh kẻng báo động, gọi điện thông báo xả lũ.... không ai nghe thấy.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn Quốc hội sáng 15-11 - Ảnh chụp qua màn hình

Sáng nay 15-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ đầu tiên “đăng đàn” trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XIV, với các nhóm vấn đề về dự án thua lỗ, hàng giả, thủy điện xả lũ …

Trả lời chất vấn của đại biểu (ĐB) Trần Thị Dung (Điện Biên), Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận có nhiều vi phạm trong công tác xả lũ của các công trình thủy điện dẫn đến tình trạng gây ngập cho vùng hạ du.

Dẫn lại chính xác về những thời điểm thủy điện Hố Hô và An Khê-Kanak xả lũ mà không thông báo từ năm 2013 đến tháng 11-2006 vừa qua, ĐBQH Trần Thị Dung bức xúc: “Chưa bao giờ tính mạng của người dân mỏng manh trước thiên tai đến thế, nhiều người trắng tay từ những sai phạm của thủy điện Hố Hô, An Khê-Kanak. Ngày 1-11 thủy điện An Khê-Kanak xả không thông báo gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng, thủy điện Hố Hô xả lũ gây ngập...” - ĐB Dung nêu dẫn chứng và đề nghị “Bộ trưởng cho biết có phương án xử lý, rà soát thế nào xung quanh cái gọi là vận hành đúng quy trình. Trong thời gian tới có được loại bỏ không, dân có được sống trong môi trường an lành không?”.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) chất vấn Bộ trưởng Công Thương - Ảnh chụp qua màn hình

Trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết theo quy định, các công trình thủy điện phải đảm bảo an toàn xả lũ với 3 yếu tố mới được cấp phép tham gia hoạt động điện lực. Cụ thể là có phương án phòng chống lụt bão do Chủ tịch địa phương làm Trưởng ban và có sự tham gia của Ban quản lý dự án thủy điện; có quy trình xả lũ được phê duyệt (công trình có dung tích 1 triệu mét khối trở lên công suất 30 MW do Bộ Công Thương phê duyệt quy trình xả lũ, dưới mức này do địa phương phê duyệt); các chủ đập và DN đều phải tham gia cùng địa phương xây dựng phương án xả lũ hạ lưu. Vấn đề này đã được tuân thủ đối với các dự án đã cấp phép, kể cả thủy điện Hố Hô và An Khê-Kanak.

Tuy nhiên lại có tình trạng là các đập thủy điện khi xả đều gây ra bức xúc trong dư luận, cụ thể là thủy điện Hố Hô và An Khê-Kanak. Bộ Công Thương đã cẩn thận đi kiểm tra đánh giá cụ thể và nhận thấy nguyên nhân là do quy trình xả lũ được vận hành máy móc. Theo quy định, chủ đập phải thông báo cho chính quyền địa phương hạ lưu trước khi xả lũ nhưng lại không nói rõ hình thức thông báo. Quy trình có nhưng các bên không tổ chức diễn tập nên khi xảy ra tình huống phải xả lũ thì thực hiện không đảm bảo yêu cầu. Chủ đập thông báo không đầy đủ về thông tin xả lũ, lúc thì do mất điện, lúc thì đánh kẻng báo động nhưng không nghe thấy. Hoặc ở trường hợp thủy điện Hố Hô xả lũ vừa qua, chủ đập gọi điện thông báo nhưng chính quyền địa phương không nghe máy, sau đó cũng không liên lạc lại được. “Nguyên nhân do có sự phối hợp thiếu đồng bộ với chính quyền địa phương nên thông tin về việc xả lũ không thông suốt”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết việc xả lũ gây ngập hạ lưu còn có nguyên nhân từ việc các công trình thủy điện chưa đầu tư tốt và chủ động theo dõi thời tiết qua hệ thống quan trắc trong công tác phòng chống lụt bão, xả lũ.

Về biện pháp khắc phục và trách nhiệm của các cơ quan để xảy ra tình trạng xả lũ gây ngập hạ lưu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã thực hiện tổng kiểm tra lại, rà soát đánh giá chất lượng quy trình xả lũ và hoạt động phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn xả lũ, làm rõ trách nhiệm địa phương và chủ đập. Trên cơ sở đó sẽ xử lý làm nghiêm theo chế tài. Đối với doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ và vi phạm sẽ không cho tham gia hoạt động điện lực và rút giấy phép.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV được bắt đầu từ sáng nay đến ngày 17-11 với sự đăng đàn của các Bộ trưởng Công Thương, Tài nguyên Môi trường, Giáo dục Đào tạo, Nội vụ.

Trong đó, nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng Công Thương tập trung vào các nội dung về đánh giá tổng thể phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai để hoang hóa lãng phí. Trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan. Kiểm soát kinh doanh đa cấp , quản lý thị trường. Chính sách đột phá phát triển ngành ô tô theo định hướng đầu tư của nhà nước và các cam kế hội nhập quốc tế. Phương án tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng quy hoạch các công trình thủy điện, thủy lợi và đảm bảo an toàn xả lũ trong thời gian tới.

Cuối phiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các ĐBQH.

T.Hà - N.Quyết

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bo-truong-cong-thuong-quy-trinh-xa-lu-van-hanh-may-moc-20161115093932857.htm