Bộ trưởng Bộ Nội vụ xin lùi thời hạn thông qua Luật về hội

Dự kiến Luật về hội sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này. Tuy nhiên trong phiên thảo luận hôm nay (25/10), nhiều ĐB đã bày tỏ quan điểm không nhất trí với một số quy định trong Dự luật, do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã bày tỏ ý kiến đề nghị được lùi thời hạn thông qua.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Sau 49 ý kiến phát biểu trong buổi thảo luật Dự luật về hội, tiếp thu, giải trình trình ý kiến của ĐBQH, Trưởng ban soạn thảo, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Các ý kiến thảo luận của các ĐB đều khẳng định tính cấp thiết của Luật về hội. Đây là quy định phù hợp với Hiến pháp, đáp ứng sự mong mỏi của người dân.

Tuy nhiên “Trong luật có 33 Điều thì 32 Điều được các ĐB cho ý kiến, duy còn Điều 33 (Điều luật thi hành)”, ông Tân nói.

Đặc biệt, có rất nhiều ý kiến thể hiện không có sự đồng thuận cao đối với dự Luật. Đặc biệt những điều quan trọng từ 4-12, đều có quan điểm trái chiều.

“Cơ quan soạn thảo xin ghi nhận và tiếp thu, cùng cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ để báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng trong Dự thảo Luật mà các ĐB quan tâm”, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói.

Trước thực tế này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị chủ tọa và QH xem xét để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cho thật chu đáo, đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao thì mới thông qua.

"Sau kỳ họp này, chúng tôi sẽ cùng Ủy ban Pháp luật hoàn chỉnh dự thảo để trình trong kỳ họp sau”, ông Tân kiến nghị trước Quốc hội.

Tổng kết phiên thảo luận, đặc biệt là trước đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch QH Uông Chu lưu cho rằng đây là dự án luật quan trọng, rất khó, có phần nhạy cảm. Ông bày tỏ quan điểm: “UBTVQH sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ. UBTVQH sẽ có văn bản báo cáo trước QH trong phiên họp tới với tinh thần phải chuẩn bị được một luật tốt về Hội”.

Trước đó, trong phiên thảo luận, rất nhiều ý kiến của các ĐBQH đã không đồng tình với Dự thảo Luật khi đưa ra quy định về các đối tượng không được thành lập hội, quy định không được gia nhập, nhận tiền tài trợ của tổ chức nước ngoài...

ĐB Nguyễn Ngọc Phương: "Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước."

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng quy định tại khoản 5 Điều 8 "Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định." như vậy là khiên cưỡng, không thể hiện được tính hội nhập.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình phân tích sự bất hợp lý của khoản 5, Điều 8:Theo Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế trong đó có nêu rất rõ phải chủ động hội nhập quốc tế, định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước. Mọi cơ chế, chính sách, cá nhân khai thác hiệu quả tiềm năng xã hội của các tầng lớp nhân dân bao gồm cả các cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay Hội chữ thập đỏ không thể không liên kết và không nhận tài trợ nước ngoài được và của rất nhiều hiệp hội khác. Nếu như mình chỉ có một điều nếu có nhu cầu thì Chính phủ phải cho phép, như vậy rất phiền hà."

"Trong lúc đó chúng ta hoàn toàn yên tâm ở chỗ trong điều cấm chúng ta đã nêu rất rõ việc cấm. Cấm làm phương hại chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lợi ích nhà nước, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc. Quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức. Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền trái với chính sách pháp luật Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc. Như vậy, những cái gì xấu, những cái gì mình lo lắng đã cấm rồi. Tôi đề nghị bỏ Điều 5 này rất hợp lý" - ĐB Bày tỏ quan điểm./.

Nhật Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/bo-truong-bo-noi-vu-xin-lui-thoi-han-thong-qua-luat-ve-hoi-301666.html