Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lắng nghe tâm tư của các thầy cô giáo 'cắm đảo'

GD&TĐ - Sáng nay (13/11), tại trụ sở Bộ GD&ĐT, các thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” được trực tiếp bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Nằm trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”, các thầy cô giáo đang công tác tại các xã đảo, huyện đảo đã có buổi gặp mặt, chia sẻ với lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chúc mừng các thầy cô giáo đạt được những thành tích không chỉ trong giảng dạy mà còn là tấm gương ở vùng đất khó để học sinh noi theo:

“Hôm nay, tôi dành thời gian để lắng nghe tâm tư, trao đổi của các thầy cô. Chúng ta tâm sự những điều thật nhất, trao đổi những vấn đề rất đời thường, rất thật, người thật việc thật.

Các thầy cô được tuyên dương hôm nay sẽ thay mặt cho các thầy cô đang công tác trên biển đảo trực tiếp trò chuyện với Bộ trưởng. Sau khi lắng nghe, Bộ sẽ có những quyết sách hợp lý tạo điều kiện cho các thầy cô yên tâm công tác”.

Thầy cô giáo bày tỏ nguyện vọng vì học sinh thân yêu

Cô Nguyễn Thị Bích Thủy (Kiên Giang) mạnh dạn trình bày: Tôi đã có 29 năm công tác tại xã đảo. Ngày đầu tiên ra đảo là năm 1987, các phương tiện liên lạc đều hạn chế, nước và điện rất hiếm, dân cư thưa thớt, phụ huynh muốn con em đi biển chứ không muốn con em đến trường, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn.

Các em thường xuyên bỏ học, mỗi lần đi dạy lội qua núi 3, 4 giờ, đường dốc núi rất cao, kỉ niệm nhớ nhất là lạc đường vì đường mòn nhiều không nhớ.

Tôi chỉ mong muốn các em học trò trên xã đảo được quan tâm nhiều hơn nhất là được tiếp cận những công nghệ hiện đại như phòng dạy ngoại ngữ, máy chiếu,để các em bắt kịp với các em học sinh trên đất liền.

Cô Nguyễn Thị Hợi (Quảng Ninh) là giáo viên có nhiều năm công tác nhất bày tỏ: Được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và các ban ngành, trường lớp đã khang trang nhưng học sinh tại Trường Tiểu học Bản Sen còn thiếu phòng học, thiếu trang thiết bị về công nghệ thông tin. Tôi mong trường được xây thêm phòng chức năng, xây dựng thêm các phòng thí nghiệm hóa, lý cho học sinh.

Thầy Đoàn Văn Kiều (Sơn Hải, Tiền Giang) mong muốn: Bộ GD&ĐT quan tâm hơn nữa đến các chế độ của giáo viên. Bản thân tôi cũng đã từng hướng dẫn học sinh đạt giải 3 nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia.

Tuy nhiên, ở xã đảo học sinh chỉ học hết lớp 9, nhiều em học sinh giỏi và khá nhưng nhà nghèo nên đành nghỉ học. Các thầy cô rất đau xót nhưng lực bất tòng tâm. Tôi mong muốn có những chế độ cho những học sinh khá giỏi để tiếp tục được học trong đất liền.

Thầy Lê Xuân Quyết (Trường Sa) chia sẻ: Bản thân tôi là giáo viên trẻ, từ tình yêu nghề, yêu biển đảo nên tình nguyện ra đảo Trường Sa công tác. Tôi vẫn không quên được những trận say sóng nhớ đời, nhưng tôi vẫn muốn được dạy trò ngoài đảo.

Còn cô Phan Hồng An (Bình Thuận) kể: Tôi vào công tác tại trường THCS Phước Thể năm 1990, thời gian đầu đời sống còn khó khăn. Đến nay, cuộc sống của giáo viên được quan tâm, đã có điện và nước sinh hoạt đầy đủ.

Nhưng tôi vẫn trăn trở bởi học sinh ở đây mới được ưu tiên về bảo hiểm, còn lại những chính sách khác chưa được ưu tiên nhất là chế độ giảm học phí, hỗ trợ kinh phí học tập cho các em học tập đầy đủ.

Cũng theo cô An, Thông tư 35 về hướng dẫn thi đua khen thưởng cho giáo viên, thì không cần viết sáng kiến kinh nghiệm cũng được xét chiến sĩ thi đua nhưng tại huyện đảo thì vẫn cần viết sáng kiến. Cô An đề nghị Bộ chỉ đạo kịp thời để các ban ngành thực hiện đúng với thông tư, tạo điều kiện động viên khích lệ các giáo viên.

Biện pháp có tính gốc rễ là các cháu được đi học

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe tâm tư, ghi nhận các đề xuất và nhấn mạnh: “Những câu chuyện của các thầy cô rất cảm động. So với khả năng tài chính còn rất khó khăn nên việc giảm học phí cũng cần có lộ trình.

Biện pháp có tính gốc rễ nhất là làm sao cho các cháu được học và phải thoát nghèo. Muốn thoát nghèo phải học, biết chữ để biết được thoát nghèo như thế nào.

Chúng tôi đánh giá cao việc cho các cháu vùng khó khăn được đến trường đầy đủ. Những đầu tư về giáo dục rất quan trọng, đặc biệt với học sinh xã đảo cần có những đầu tư tại chỗ để các cháu không bị thất học”.

Đồng thời, để giải đáp những băn khoăn của các thầy cô, Bộ trưởng cho biết:

Về nhóm vấn đề liên quan đến điều kiện trường lớp, gần đây đã có sự đầu tư vượt bậc nhưng chưa đồng bộ. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các Sở, các nhà tài trợ để có nhiều nguồn đầu tư chất lượng.

Về nhóm ý kiến liên quan đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tiếp: Đây là vấn đề quan trọng bởi những "hạt giống" có năng lực tốt được tiếp tục học là lợi ích kép. Chính họ sẽ là những người sau này đóng góp cho quê hương mình, sẽ có những đầu tư cho học sinh thế hệ sau trên quê hương.

Bộ sẽ xem xét đầu tư, gây những quỹ học bổng và đề nghị một số trường Đại học, Cao đẳng tạo điều kiện miễn học phí cho các cháu. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tạo học bổng để các cháu yên tâm học tập, tạo hạt giống cho xã hội.

Về nhóm vấn đề liên quan đến giáo viên: Tất cả các thầy cô phải là tấm gương sáng cho học sinh. Tới đây, Bộ trưởng đề nghị Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục sẽ làm việc với các Sở GD&ĐT, cần có những biện pháp cụ thể hỗ trợ thiết thực để các thầy cô tiếp cận với điều kiện giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy học, ưu tiên cho những thầy cô tại các huyện đảo. Sau đó, Bộ sẽ chỉ đạo thực hiện các dự án tập trung tại vùng khó khăn, đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn, Trung ương Hội sẽ làm việc với nhau kỹ hơn để có hiệu quả cao và thiết thực hơn.

Câu chuyện của em Nguyễn Hà Bảo Châu tại huyện đảo Trường Sa khiến thầy cô nhớ mãi. Bảo Châu kể em đang ngủ thì mơ thấy đi vào tiệm mua bánh mỳ, còn chưa kịp ăn thì mẹ đánh thức dậy.

Em tiếc nói rằng đang mơ chưa kịp ăn thì lại tỉnh dậy mất. Mẹ em thương con cứ áy náy mãi, rồi nói rằng nếu biết con đang ăn thì mẹ sẽ không đánh thức con. Đó là câu chuyện có thật để thấy rằng học trò ngoài đảo với món quà bánh mỳ là điều xa xỉ...

Câu chuyện này đã khiến rất nhiều người xúc động. Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long – nhấn mạnh:

Những doanh nghiệp như chúng tôi sẽ hiện thực hóa giấc mơ về ổ bánh mỳ đó của các em học sinh vùng khó khăn.

Mong rằng, để làm tốt hơn, sẽ cần sự chung tay của nhiều doanh nghiệp khác đóng góp vào sự nghiệp giáo dục.

Sau 2 tháng kể từ khi phát động chương trình, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã nhận được hồ sơ của 42 giáo viên tiêu biểu do Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện đảo, các đơn vị hành chính có xã đảo hiệp thương với hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam các tỉnh thành phố giới thiệu.

Trong số 42 thầy cô, có 25 cô giáo và 17 thầy giáo. Người nhiều tuổi nhất là cô Phan Hồng An, sinh năm 1962 – Giáo viên trường THCS Phước Thể (Tuy Phong, Bình Thuận). Giáo viên trẻ tuổi nhất là cô Quảng Thị Thúy Ngân, sinh năm 1991 – Giáo viên trường mầm non Thạnh An (Cần Giờ, HCM).

Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT, phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Theo đó, Tập đoàn Thiên Long đã tài trợ toàn bộ kinh phí cho chương trình và tặng sỏ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho mỗi thầy cô.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-truong-bo-gddt-lang-nghe-tam-tu-cua-cac-thay-co-giao-cam-dao-2554126-v.html