Bộ trưởng Bộ Công Thương: Giải pháp nào để không còn tình trạng 'con voi chui lọt lỗ kim'?

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 15/11, Quốc hội đã bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ngày 15/11, Quốc hội đã bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa XIV, diễn ra trong 2,5 ngày. Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những vấn đề “nóng” được cử tri quan tâm như các “siêu” dự án thua lỗ, vấn đề thủy điện xả lũ, phân bón giả...

Siêu dự án nghìn tỷ thua lỗ: Có thể xem xét trách nhiệm hình sự

Liên quan đến vấn đề các siêu dự án nghìn tỷ thua lỗ, mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị làm rõ trách nhiệm của sự thua lỗ, yếu kém của các siêu dự án mà Nhà nước đầu tư và do Bộ quản lý. ĐB chất vấn: “Đâu là trách nhiệm của cơ quan quản trị tại doanh nghiệp khi xây dựng dự án kém hiệu quả, đặc biệt đâu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư tại doanh nghiệp. Bộ trưởng có kiến nghị gì với Quốc hội, Chính phủ để khắc phục những bất cập trong nguyên tắc quản lý đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước, không để lặp lại tình trạng con voi chui lọt lỗ kim như trong thời gian qua?”.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đối với 5 dự án thua lỗ tồn đọng còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý ngành, Bộ đã có đánh giá sơ bộ. Theo đó, 5 dự án này được xem xét đầu tư từ 2003 đến nay, trong từng dự án cụ thể do tính chất đặc thù của ngành có những diễn biến khác nhau, có nhiều nguyên nhân khác nhau, kéo dài nhiều thời kỳ khác nhau nên đi vào đánh giá chung thì khó. Người đứng đầu ngành công thương cũng chỉ ra hạn chế tồn tại có một số nguyên nhân chung. Đó là do năng lực của chủ đầu tư mà ở đây là các tập đoàn, Tổng công ty 91 - người trực tiếp thực hiện và quản lý dự án đầu tư và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt thẩm định. Tiếp đó, là năng lực hạn chế của ban quản lý dự án cũng như các đơn vị trực tiếp phân công quản lý dự án. “Chính những hạn chế này dẫn đến các dự án bị kéo dài, việc thực hiện không được suôn sẻ, thậm chí trong nhiều dự án thực hiện không đúng quy định hợp đồng và nội dung được phê duyệt”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Liên quan đến vấn đề xem xét làm rõ trách nhiệm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong xem xét trách nhiệm cần làm cẩn trọng, đánh giá đầy đủ theo khung pháp lý, đánh giá đúng trong từng giai đoạn cụ thể để xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước, của doanh nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, của tổ chức và cá nhân. Đồng thời làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan có sự vô tình hay cố ý. Trong đó không loại trừ có sự cố tình làm sai trong quản trị của doanh nghiệp, điều này làm rõ trong thời gian tới... “Việc xử lý trách nhiệm nếu có, đặc biệt là các vi phạm pháp luật, có sự cố tình làm sai chắc chắn sẽ xem xét, kể cả trách nhiệm hình sự”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Xem xét rút phép đối với công trình thủy điện vi phạm

Chất vấn về tình trạng xả lũ không báo trước của một số công trình thủy điện, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) lo lắng, sai phạm trong quản lý, vận hành các công trình thủy điện như An Khê, Hố Hô gây thiệt hại nặng về người và của. Bộ trưởng xử lý sai phạm trên như thế nào? Bất cập trong vận hành thủy điện bao giờ được giải quyết?

Làm rõ nội dung trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, chúng ta không phát triển thủy điện bằng mọi giá. Với thủy điện, về cơ bản chúng ta đã khai thác hết tiềm năng thủy điện lớn, các thủy điện nhỏ và vừa đã được xem xét đánh giá lại và đưa ra ngoài quy hoạch một số dự án không đảm bảo.

Vấn đề đặt ra ở đây là đảm bảo an toàn trong xả lũ. Các chủ đập thủy điện đều phải tham gia cùng địa phương trong công tác phòng chống lũ và để được cấp giấy phép thì các dự án thủy điện đều phải đáp ứng đầy đủ ba yếu tố về an toàn, trong đó có Thủy điện Hố Hô. Nhưng thực tế khi xả lũ có bức xúc, vì sao có vấn này? Qua kiểm tra thấy rằng, Bộ Công Thương thấy có một số vấn đề: Quy trình có nhưng việc chấp hành quy trình thì máy móc và nguyên tắc. Chủ đập phải có thông báo với địa phương trước khi xả lũ nhưng trong quy định lại không nói rõ là bằng hình thức nào, nên có thông báo nhưng có thể gặp vấn đề như thông báo đánh kẻng báo động song không ai nghe, gọi điện thì mất điện, không ai nghe máy... Cùng đó là việc tổ chức diễn tập chống lũ không đảm bảo hiệu quả; hệ thống quan trắc của thủy điện chưa đảm bảo...

Để khắc phục vấn đề này, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra rà soát về chất lượng các hoạt động phòng chống lụt bão, quy trình xả lũ, tập huấn, làm rõ trách nhiệm của các bên, xử lý nghiêm theo chế tài hiện hành, đồng thời cấm không cho hoạt động điện lực hoặc rút phép đối với đơn vị vi phạm.

Cũng trong ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH xung quanh các vấn đề: việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản...

Trần Lâm - Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-cong-thuong-giai-phap-nao-de-khong-con-tinh-trang-con-voi-chui-lot-lo-kim-n124857.html