Bộ trưởng Bộ Công Thương: 5 dự án nghìn tỷ không còn hiệu quả kinh tế

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, các dự án có tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng “không còn hiệu quả kinh tế”.

Các đại biểu đặt câu hỏi

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy, Thanh Hóa cho biết, nhiều cử tri băn khoăn trước thực trạng một số tập thể, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không rõ nguồn gốc, giá rẻ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân và sản xuất trong nước. Trách nhiệm quản lý nhà nước và giải pháp của Bộ trưởng để khắc phục tình trạng trên?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, An Giang: Ngoài 5 dự án thua lỗ lên đến nhiều nghìn tỷ thì thực tế còn bao nhiêu dự án cũng đang gặp tình trạng tương tự? Liệu sau kỳ họp này có thêm một bản danh sách khác mà khiến nhân dân xót xa, đau đớn hay không?

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Bình Dương: Việc liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp đã được nói đến suốt nhiều năm nhưng đến nay người nông dân vẫn bị bao vây bởi cảnh thiệt đơn thiệt kép khi bị thương lái nước ngoài lũng đoạn, ép giá. Trách nhiệm về vấn đề này như thế nào, để khắc phục tình trạng này thì Bộ trưởng cam kết gì?

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Hà Nội đặt câu hỏi tình trạng buôn lậu diễn ra trên các tuyến đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng thủy, điển hình là ngà voi, đường... làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước. Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trường về vấn đề này?

Đại biểu Hồ Thanh Bình, An Giang cho rằng thị trường xuất khẩu của Việt Nam vẫn lúng túng, bị động và bế tắc. Bộ trưởng có biện pháp nào để giải quyết tình trạng này?

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, Quảng Nam đặt câu hỏi ngành công nghiệp ôtô dù đã quy hoạch nhưng không thực hiện được. Vai trò của Bộ Công Thương trước thách thức hội nhập trong ngành này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) tâm đắc với câu hỏi trả lời của Bộ trưởng Công Thương việc xem xét quản lý Nhà nước về phân bón. “Nếu Bộ Công Thương quản lý phân bón cảm giác “trên trời”, thì Bộ Nông nghiệp quản “rễ dưới đất”. Tôi đề nghị đưa quản lý phân bón về Bộ Nông nghiệp, thì Bộ trưởng Tuấn Anh nghĩ sao?”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội cho rằng, những dự án tư nhân thất thoát thì họ phải chịu trách nhiệm nhưng nhiều dự án nhà nước thua lỗ thì không biết trách nhiệm thời gian qua bị quy cho ai.

"Tất nhiên đó không phải là trách nhiệm của người đương nhiệm như Bộ trưởng mà phải là những người tiền nhiệm đã thực hiện dự án. Vậy Bộ trưởng sẽ quy trách nhiệm cho ai trong việc để thất thoát như trên?", ông Cường đặt câu hỏi.

Đại biểu Lê Tấn Tới, Bạc Liêu: Tình trạng bơm tạp chất vào tôm vẫn xảy ra tại nhiều tỉnh nhưng doanh nghiệp vẫn mua và xuất khẩu, điều này ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. Việc quản lý chất lượng vừa qua còn có lỗ hổng nào không, trách nhiệm của các đơn vị kiểm tra và Bộ Công Thương làm gì để hạn chế tình trạng trên trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An cho rằng, quá trình bổ nhiệm cán bộ, người nhà trong thời gian vừa qua cũng được các Bộ Công Thương giải thích nói đúng quy trình, xả lũ cũng bảo đúng quy trình. Tuy nhiên, tôi cho rằng, yếu tố chính là có những cán bộ tha hóa. Sắp tới Bộ trưởng có biện pháp mạnh tay để xử lý những cán bộ tha hóa này không?

Tôi xin đặt thêm một câu hỏi nữa, là cơ quan chủ quản quản lý nhiều doanh nghiệp lớn. Thời gian tới Bộ trưởng có giải pháp gì để tăng hiệu quả các dự án của nhà nước?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Hà Nội đặt câu hỏi: Cứ đưa cho doanh nghiệp nhà nước làm dự án là thất thoát, thua lỗ. Liệu Bộ trưởng có dám "trảm tướng" để khắc phục tình trạng trên không? Ông Trí cũng nói thêm rằng cảm thấy hài lòng và thú vị với phần trả lời của các Bộ trưởng trong buổi sáng nay.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, Nghệ An chất vấn Bộ trưởng Công Thương về việc ngành công nghiệp phụ trợ đến nay đạt đến mức độ nào, kết quả ra sao?

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đặt vấn đề về tồn tại và trách nhiệm của Bộ trưởng với dự án Đạm Ninh Bình. Ông cũng muốn Bộ trưởng nói rõ, nếu Nhà máy Đạm Ninh Bình hiệu quả kinh tế không còn thì có bán lại cho nhà đầu tư khác hay không? Hướng giải quyết cho 700 công nhân tại nhà máy này thế nào?

Là đại biểu cuối cùng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương trong phiên chất vấn sáng 15/11, đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam) tiếp tục "truy" Bộ trưởng Công Thương về nguyên nhân xảy ra sự cố thủy điện sông Bung 2 (Quảng Nam) hồi tháng 6/2016 và trách nhiệm cụ thể những người liên quan?

Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân nhắc nhở, Bộ trưởng Tuấn Anh chuẩn bị ngay phần trả lời vào buổi trưa, để đầu giờ chiều giải đáp các câu hỏi của 18 vị đại biểu vừa đặt ra.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình thêm:

Giải trình thêm tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Nông nghiệp & nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phân hóa học sử dụng tới 9-10 triệu tấn khiến hàng nông sản không sạch, chất lượng không cao. "Tình trạng này kéo dài, giá hàng nông sản không thể cao được. Phải định hướng lại sử dụng phân bón hữu cơ", Bộ trưởng Cường quả quyết.

Vì thế, ông Cường nhấn mạnh, trong quản lý phân bón phải là định hướng phát triển phân bón hữu cơ để từng bước chuyển sang sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch.

Bất cập thứ 2 được Bộ trưởng Cường chỉ ra, khi áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chuyển cơ chế quản lý danh mục sang tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia... đã "đẻ" ra một số bất cập: cơ quan quản lý phải có một bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, nên cần thời gian chứ không thể xây dựng một lúc có thể bao quát hết.

Bất cập thứ 3, mặt hàng phân bón phân chia 2 bộ quản lý: Bộ Nông nghiệp quản lý phân bón hữu cơ, còn phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý. Quản lý song trùng này vô tình tạo kẽ hơn, vì 1 cơ sở sản xuất kinh doanh cả 2 loại phân bón. Đây là khoảng trống, nếu hai bộ phối hợp không tốt sẽ là kẽ hỡ phát tác hoạt động gian dối.

Ông Cường đề nghị, nên tập trung về một mối quản lý thống nhất mặt hàng phân bón và tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật quản lý phân bón phù hợp hơn với thực tế. Ngoài ra, cần ban hành bộ tiêu chuẩn quy chuẩn về quản lý chất lượng phân bón.

Chủ tịch Quốc hội Kim Ngân đề nghị sau phiên chất vấn này 2 bộ ngồi lại để thống nhất ngay quản lý mặt hàng này để "những phiên chất vấn sau đại biểu Quốc hội không còn phải kêu chuyện chồng chéo quản lý nữa".

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) về mở cửa thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ, trong bối cảnh hội nhập, đối với từng thị trường cần có sự tính toán. Ví dụ, mở thị trường xuất khẩu con tôm nguyên sang Australia, thì đổi lại Việt Nam mở cửa cho phép nhập khẩu mặt hàng quả cherry... "Chấp nhận cuộc chơi bình đẳng, nhưng phải lựa chọn mặt hàng nào có lợi", Bộ trưởng Nông nghiệp cho hay.

Bổ sung thêm về nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, trong đó có ngô, Bộ trưởng Nông nghiệp cho hay, chủ yếu nhập khẩu mặt hàng cho phát triển chăn nuôi. Ngô ở 1 số nước như Mỹ có lợi thế giá rẻ, nên doanh nghiệp trong nước có sự lựa chọn. Nhưng tới đây để chủ động thì một số vùng như Đồng bằng sông Cửu Long phải chuyển đổi cây trồng, từ lúa sang trồng ngô chẳng hạn, để phát triển sản xuất nông nghiệp.

Phần tranh luận:

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP HCM cho rằng vấn đề bảo hộ trong nước một cách hợp lý, hợp pháp cần phải được xem xét, mở cửa nhưng là để tối đa hóa lợi ích dân tộc, quốc gia. Trong cuộc hội nhập này phải làm sao để tăng năng lực cạnh tranh, chứ hiện nay chúng ta lại đi nhập cả rau, quả, tăm... của các nước thì doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, vấn đề tiểu ngạch cần phải được cân nhắc để xem xử lý như thế nào?

Vấn đề thứ 2 là khi chúng ta nói bảo hộ, muốn phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh sản xuất trong nước để có nền kinh tế tự chủ và vững mạnh thì chúng ta phải hi sinh ngân sách. Liệu khuyến khích nhập khẩu có phải để thu thuế dễ hơn không?

Chúng ta phải xác định nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước như nuôi một cái cây lớn, và hái quả thì lâu hơn nhưng bền vững. Nếu hội nhập, mở cửa hội nhập như thế thì dễ bị chệch hướng khi Việt Nam dễ trở thành nơi chứa những công nghệ lạc hậu, doanh nghiệp không có cơ hội phát triển, người lao động mất việc làm...

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa xin tranh luận, ông cảm thấy băn khoăn với phần trả lời của Bộ trưởng Tuấn Anh. Ông Nghĩa băn khoăn khi chúng ta lại không bảo hộ sản xuất của người nông dân.

Ông cũng cảm thấy chưa thuyết phục với phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương về công nghiệp cơ khí, sản xuất máy nông nghiệp. "Làm thế nào phải kích cầu sản xuất trong nước, bảo hộ mặt hàng chúng ta sản xuất được, mà lại nhập khẩu mặt hàng chúng ta sản xuất được là không hợp lý", đại biểu Ngọc Nghĩa nói.

Về xuất khẩu nông sản, xả lũ thủy điện An Khê - Kanak

Trả lời câu hỏi của ông Đặng Ngọc Nghĩa về xuất khẩu nông sản, ông Tuấn Anh cho hay, Việt Nam phải mở cửa thị trường với các nước đã ký cam kết hội nhập cho dù đó là thịt gà, thịt lợn, ngô... hoặc các sản phẩm khác. Tất nhiên bên cạnh đó vẫn có những hàng rào kỹ thuật để đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Quan điểm thị trường không cho phép chúng ta tiếp tục bảo hộ sản phẩm trong khuôn khổ cam kết hội nhập", ông Tuấn Anh nói và thừa nhận, có những ngành như mía đường do tiếp tục bảo hộ nay đã bộc lộ khó khăn. Lĩnh vực đại biểu nêu không phải là lĩnh vực Việt Nam đóng cửa, bảo hộ nhập khẩu... Quan điểm của Bộ Công Thương và cá nhân Bộ trưởng vẫn là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thừa nhận chính sách của Bộ chưa bao quát hết cho phát triển công nghiệp quốc gia, Bộ trưởng Tuấn Anh xin ghi nhận để nghiên cứu thêm.

Xả lũ thủy điện An Khê - Kanak ảnh hưởng tới Phú Yên, ông Tuấn Anh xin báo cáo lại đại biểu bằng văn bản cho rõ.

Đổi mới mô hình tăng trưởng để cân bằng thương mại Việt - Trung

Ông Tuấn Anh chia sẻ, cách duy nhất để cân bằng thương mại Việt - Trung, chống nhập siêu là nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới mô hình tăng trưởng, các chính sách phải hướng theo các nguyên tắc này.

"Quan điểm của Việt Nam là đối tác nước láng giềng, chúng ta có lợi thế nhất định, phải tiếp tục khai thác những tiềm năng cơ hội này", ông nói. Cụ thể, tiếp tục khai thác thị trường rộng lớn Trung Quốc, như mặt hàng trái cây, rau quả xuất sang Trung Quốc... Lượng xuất khẩu nhiều nhưng bền vững hay chưa, cũng cần đánh giá lại.

Về rà soát các công trình đầu tư kém hiệu quả, ông khẳng định sẽ có đánh giá tổng hợp toàn diện về tính khả thi, tồn tại vướng mắc... để có hướng xử lý. Bộ Công Thương sẽ cùng các ngành làm rõ, tổng hợp phương án xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng và báo cáo Quốc hội sau.

"Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật cũng còn nhiều vấn đề, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, xã hội. Đây cũng là ưu tiên của ngành trong nhiệm kỳ công tác này", Bộ trưởng Tuấn Anh thừa nhận.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn. Ảnh: Giang Huy.

Sau 7 đại biểu đặt câu hỏi, vẫn còn 17 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Công Thương.

Đại biểu chất vấn về thương mại Việt - Trung, thủy điện An Khê

Đại biểu Nguyễn Tạo đòi hỏi giải pháp đột phá với vấn đề bảo hộ doanh nghiệp nội khi quan hệ kinh tế Việt Trung ngày càng sâu rộng,

Đại biểu Phan Anh Khoa (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Tuấn Anh giải trình thêm về xả lũ thủy điện An Khê - Kanak, liên quan tới xả nước xuống vùng hạ du, trong đó có Phú Yên. "Bộ trưởng nói trước khi xả lũ có báo chính quyền địa phương, nhưng thực tế Ban phòng chống lụt bão Phú Yên không biết, tỉnh gánh chịu hậu quả lớn. Trách nhiệm của Bộ tới đâu?", đại biểu Anh Khoa hỏi.

Bộ trưởng trả lời câu hỏi

Thừa nhận có những sai phạm và vi phạm trong hoạt động kinh doanh phân bón, Bộ trưởng cho biết trước mắt Bộ sẽ hoàn thành sớm quy chuẩn, phân cấp về quản lý tại các địa phương, xem xét trách nhiệm chính quyền địa phương.

Về các dự án làm thất thoát vốn nhà nước, ông Tuấn Anh cho rằng cần rút kinh nghiệm từ những dự án lớn để xây dựng quy trình đảm bảo trong quản trị vốn nhà nước, đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế ngành. Tôi cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu về việc các Bộ, ngành phải phối hợp quản lý các dự án đầu tư đó.

Với bán hàng đa cấp, thực tế hoạt động này đã được cấp phép khi Việt Nam gia nhập WTO nhưng gần đây bộc lộ một số vấn đề về quản lý Nhà nước. Có 3 nguyên nhân là khuôn khổ pháp lý chưa chặt chẽ, phối hợp quản lý chưa tốt và bán hàng đa cấp có sức hấp dẫn lớn thông qua việc quảng cáo.

Năm 2015, Bộ nhận thấy nhiều bất cập nên đã tăng cường kiểm tra, phát hiện hàng loạt doanh nghiệp có hiện tượng gian dối, thu lợi bất chính.

Đầu năm 2016, Bộ ban hành 2 chỉ thị để tăng cường kiểm tra bán hàng đa cấp, Trong 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp, 25 đơn vị đã bị rút giấy phép và 14 đơn vị bị xử phạt.

Với hoạt động điều hòa nước trên sông Thu Bồn, Vu Gia, do chưa có thông tin cụ thể Bộ trưởng Công Thương xin phép phản hồi sau khi rà soát lại.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) về phát triển công nghiệp ôtô, ông Anh cho hay trong chiến lược phát triển công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành để thể chế hóa các chính sách, đưa ra những tính toán cân đối chung, đảm bảo yêu cầu hài hòa nền kinh tế, bảo hộ một cách chính đáng ngành sản xuất ôtô trong nước.

Về quan điểm phát triển của ngành công nghiệp cơ khí, Bộ mong muốn có chính sách thuế đảm bảo cho ngành này phát triển, nhất là sắc thuế nhập khẩu với các linh kiện mà trong nước không sản xuất được. "Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu và phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra những sắc thuế phù hợp hơn", Bộ trưởng Tuấn Anh nói.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyệt về phát triển điện năng, Bộ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ phải phát triển năng lượng đảm bảo phục vụ cuộc sống người dân, tốc độ tăng trưởng điện lực phải đảm bảo theo tăng trưởng GDP, hướng tới phát triển bền vững và trên nền tảng năng lượng xanh, sạch. Trong sơ đồ phát triển điện năng thì điện tái tạo có vai trò quan trọng...

Đại biểu chất vấn về bảo hộ doanh nghiệp nội, quy hoạch điện hạt nhân

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng cần có biện pháp phát hiện phân bón giả và xử lý, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường tham gia trả lời.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt câu hỏi sau 5 dự án lớn đắp chiếu và thất thoát chục nghìn tỷ nói trên thì còn bao nhiêu dự án nhỏ, đầu tư thất thoát vốn? Tình trạng bán hàng đa cấp thì vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đâu mà mãi sau này mới phát hiện và xử lý?

Đại biểu Nguyễn Chiến truy vấn về mâu thuẫn trong báo cáo của Bộ Công Thương. Vì sao Bộ đánh giá ban quản lý thủy điện Hố Hô "chưa đảm bảo quy trình thông tin" mà lại kết luận "đúng quy trình vận hành hồ chứa". Trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc xây dựng quy trình xả lũ, dẫn đến đời sống người dân bị ảnh hưởng lớn?

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu vấn đề Đà Nẵng cạn kiệt nước sinh hoạt và bị xâm nhập mặn do thủy điện Đakmi 4 lấy dòng chảy từ sông Vu Gia. Bộ trưởng sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi làm gì để bảo hộ hợp pháp cho doanh nghiệp trong nước, tránh tình trạng Việt Nam trở thành thị trường béo bở của các nước khác, hàng hóa giá rẻ, kém chất lượng?

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt đề cập việc Bộ Công Thương từng đưa ra chiến lược phát triển điện hạt nhân, thủy điện..., nhưng gần đây, nhiều dự án vừa và nhỏ bị đưa ra khỏi quy hoạch. Vậy trách nhiệm Bộ trưởng ra sao và làm gì để cân đối nguồn điện trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong ít phút giải lao giữa phần chất vấn sáng 15/11.

Bộ trưởng hồi đáp phần tranh luận của đại biểu

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích "có thể phần trả lời của ông trước đó bị cuốn theo mạch suy nghĩ nên chưa bao quát hết nội dung đại biểu hỏi".

Theo ông Anh, đánh giá nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ phận trong các dự án thua lỗ cần thời gian. Không riêng Bộ Công Thương mà các bộ, ngành khác cùng tham gia đánh giá, để không xảy ra tình trạng tương tự.

"Chúng tôi cần có thời gian hoàn tất những công việc này, báo cáo Chính phủ phương án xử lý dứt điểm và sẽ báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Riêng ý kiến của đại biểu Kim Thúy, Bộ trưởng Tuấn Anh xin trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ có báo cáo cụ thể đánh giá nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan về các dự án thua lỗ nghìn tỷ này. Bà cũng yêu cầu Bộ Công Thương chấn chỉnh ngay, không để tái diễn tình trạng xả lũ đúng quy trình mà người dân vẫn thiệt hại.

Đại biểu: "Bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục"

Ngay sau phần giải trình được đánh giá là "trôi chảy" của Bộ trưởng Công Thương, hai đại biểu giơ biển xin tranh luận với nhận xét "Bộ trưởng chưa đi thẳng vào nội dung câu hỏi".

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhắc lại câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm quản trị doanh nghiệp ở các dự án nghìn tỷ kém hiệu quả. "Tôi rất lo ngại khi nghe Bộ trưởng báo cáo về tình trạng quản lý đầu tư của một số dự án là Bộ cho chủ trương, còn lại khoán trắng, buông lỏng cho doanh nghiệp tự quyết, đến khi thua lỗ thì lại báo Chính phủ giải quyết", ông Sinh nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.

Đại biểu Kim Thúy cũng thấy chưa thuyết phục với phần trả lời của Bộ trưởng Tuấn Anh. Bà lấy ví dụ theo cam kết trước đây Bộ Công Thương đưa ra kiến nghị xin giãn đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì "độ an toàn quá cao". "Căn cứ trên cơ sở nào để Bộ đưa ra đề xuất này?", bà Thúy truy vấn và nói Bộ trưởng nếu chưa chuẩn bị kịp tài liệu thì có thể gửi văn bản tới đại biểu.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) thẳng thắn nói chưa bằng lòng với câu trả lời của Bộ trưởng. Việc xả lũ và xả lũ bất ngờ tại Hà Tĩnh, Gia Lai người dân đều không biết trước. Bộ trưởng sẽ xử lý vi phạm đó như nào để tình trạng này không tái diễn?

Phân bón giả tràn lan do quản lý chồng chéo

Bộ trưởng cho rằng có vấn đề rất lớn liên quan đến quản lý nhà nước về thị trường phân bón. Hiện nay, phân bón vô cơ thì giao Bộ Công Thương quản lý nhưng phân hữu cơ lại thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp, dẫn đến tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả. Thứ hai là thị trường có quá nhiều loại phân bón. Bộ Nông nghiệp quản lý hơn 5.000 loại, Bộ Công Thương là hơn 5.700 nên khó quản lý. Ở những quốc gia khác cũng chỉ có trên 100 loại phân bón đang lưu hành.

Để khắc phục, Bộ đã có nhiều đợt phối hợp làm việc và đề xuất Chính phủ giao việc quản lý cho một cơ quan duy nhất. Cùng với đó, Bộ Công Thương đang xây dựng và hoàn chỉnh bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón.

Bán hoặc tuyên bố phá sản với 5 dự án nghìn tỷ

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã có đánh giá sơ bộ về 5 dự án đầu tư từ 2008 đến nay trong nhiều lĩnh vực: xơ sợi, xăng sinh học, gang thép... Từng lĩnh vực và dự án cụ thể đều có phân tích theo tính chất đặc thù của ngành nên đánh giá chung thì rất khó.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn sáng 15/11.

Các dự án này đều có chủ tưởng đầu tư kéo dài quá thời hạn so với được phê duyệt. Như dự án Đạm Ninh Bình không những kéo dài quá trình đầu tư, mà giờ cũng không tất toán được đầu tư dù đã đi vào vận hành.

Các dự án cũng có điểm chung là thị trường thế giới biến động: dầu thô từ mức hơn 100 USD một thùng tới hơn 170 USD một thùng, hiện nay chỉ còn trên dưới 40 USD một thùng... đã ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án. Dự án xơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn.

Sự hạn chế nguồn nhân lực và điều kiện triển khai nên nhiều dự án kéo dài. Quá trình triển khai đòi hỏi phải có sự can thiệp của các cơ quan quản lý, nhưng sự can thiệp này cũng không đem lại hiệu quả vì nhiều lý do...

"Vì thế các dự án này hiện nay hiệu quả kinh tế đều không còn, dù có vận hành thương mại cũng không đủ cạnh tranh, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù chi phí", ông Tuấn Anh cho biết.

Đề cập giải pháp với các dự án này, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng phải đảm bảo mục tiêu bảo toàn vốn, bảo vệ lợi ích tài sản, Nhà nước. Các giải pháp cũng phải phù hợp nguyên tắc thị trường và cam kết quốc tế.

"Có thể tính tới bán dự án, thậm chí tuyên bố phá sản nếu cần thiết", ông nói và cho biết thêm, Bộ đã báo cáo Chính phủ và sau cuộc họp này Chính phủ sẽ đưa ra quyết định cụ thể.

Về trách nhiệm của các bên liên quan trong đầu tư, quản lý và vận hành các dự án này, ông Anh cho rằng không loại trừ có sự cố tình làm sai. "Các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị, quản lý các dự án sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự", Bộ trưởng Tuấn Anh khẳng định.

Đại biểu chất vấn về siêu dự án, ô nhiễm do bôxít, phân bón giả

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, thẳng vào trọng tâm.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đặt câu hỏi: Đề nghị Bộ trưởng làm rõ những sai phạm trong quản lý điều hành doanh nghiệp, dẫn đến các siêu dự án không đạt hiệu quả kinh tế?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhắc lại lo lắng của dư luận về tình trạng ô nhiễm môi trường tại dự án bôxit Tây Nguyên. Bà Thúy đề nghị Bộ trưởng Tuấn Anh đánh giá những cam kết giải trình của người tiền nhiệm và cam kết giải quyết ra sao?

Đại biểu Võ Đình Tín (Đăk Nông) nêu tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là phân bón tác động đến phát triển nông nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường. Làm hàng nhái nhưng bán giá thấp, áp dụng khuyến mại. Gần 40.000 vụ vi phạm phân bón giả, kém chất lượng nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế.

Ba vấn đề chất vấn

Phiên chất vấn bắt đầu lúc 8h30 với bài phát biểu ngắn của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Nhận thấy trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân giao phó, ông cam kết Bộ sẽ thực thi tốt chức năng quản lý Nhà nước, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.

Có 22 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Ba nội dung người đứng đầu ngành công thương phải làm rõ trước các đại biểu gồm: dự án đầu tư nghìn tỷ đồng vốn Nhà nước nhưng thua lỗ, lãng phí; kiểm soát bán hàng đa cấp, quản lý thị trường, giải pháp củng cố hệ thống bán lẻ và chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VGP

Theo Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/tin-tuc/bo-truong-bo-cong-thuong-5-du-an-nghin-ty-khong-con-hieu-qua-kinh-te-94437/