Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ không nhận chìm bùn thải xuống biển

Liên quan đến dự án nhận chìm bùn thải xuống biển, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết đã thống nhất với phương án mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra. Theo đó sẽ không nhận chìm gần 1 triệu m3 vật, chất nạo vét từ nhiệt điện Vĩnh Tân.

Chiều 9/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã có văn bản báo cáo Chính phủ xin ý kiến đổ toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân, thay vì xuống vùng biển Tuy Phong như trước đó.

Bộ TN-MT đã thống nhất với phương án Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất trước đó. Cụ thể: Toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân; không nhận chìm 1 triệu m3 bùn này xuống vùng biển Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Khu vực đề xuất đổ là nơi san lấp cho khu neo trú tàu thuyền. Đây là phần diện tích trước đó Công ty CP Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã thỏa thuận, đồng ý cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đổ khối lượng bùn cát nạo vét.

Trên cơ sở thống nhất với tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan, Bộ TN-MT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất nạo vét xuống khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân trong phần diện tích mà đơn vị này đã thỏa thuận dự kiến cho đổ vật chất nạo vét của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.

Ngoài ra, Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, lấn biển, chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Bộ TN-MT chấp thuận phương án không nhận chìm bùn thải xuống biển.

Trước đó, Bộ TN-MT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần một triệu mét khối bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận). Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến 10. Khu vực biển nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là 31-36 m.

Quyết định này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của một số nhà khoa học và dư luận vì cho rằng có thể xảy ra "thảm họa môi trường".

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định không được để xảy ra thảm họa môi trường. Ông cũng cho hay, trong quá trình xem xét, cấp phép trước đó, Bộ đã huy động, mời nhiều nhà khoa học có uy tín tham gia hội đồng tư vấn thẩm định. Hội đồng đã đánh giá hồ sơ xin cấp phép, yêu cầu chủ đầu tư bổ sung và họ đã đáp ứng, để chặt chẽ, thuyết phục hơn… Khi mọi thủ tục, ý kiến chuyên môn đã đầy đủ, thuyết phục như thế thì Bộ phải cấp phép nhận chìm.

Trong giấy phép đã yêu cầu và chủ đầu tư cũng chấp nhận khảo sát môi trường nền. Viện Hải dương học Nha Trang đã khảo sát khu vực 30ha cấp phép rồi, khẳng định đáy biển đó chủ yếu là cát, hệ sinh thái nghèo nàn. Rồi thu thập hàng loạt thông số môi trường biển không chỉ nơi nhận chìm mà các điểm quan trắc xung quanh.

Liên quan đến dự án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ trưởng Bộ TN-MT xem xét, xử lý vấn đề trên đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời Thủ tướng giao Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, khẩn trương xem xét, đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm vật chất tại vùng biển tỉnh Bình Thuận.

Tỉnh Bình Thuận đã có văn bản gửi một số cơ quan Trung ương và Bộ TN-MT giới thiệu phương án dùng chất nạo vét san lấp công trình kè biển chống sạt lở ở Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Phương án này đã nhận được đánh giá cao từ giới chuyên gia và người dân.

Gia Kỳ (tổng hợp theo Dân Trí, VNE, TNO)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/bo-tn-mt-de-xuat-chinh-phu-khong-nhan-chim-bun-thai-xuong-bien