Bỏ thói quen chữa bệnh bằng... Google, truyền miệng

(HQ Online)- Có bệnh thay vì tới bệnh viện để khám, điều trị thì hiện một số người đã chữa bệnh qua tìm hiểu trên mạng internet, qua truyền miệng, chia sẻ kinh nghiệm mà không ý thức được rằng việc chữa bệnh “mò” như vậy sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Việc chữa bệnh qua thăm khám của y, bác sỹ là vô cùng cần thiết. Ảnh: DN

Thực tế cho thấy, hiện nhiều bà mẹ cứ thấy con ốm sốt là lên mạng internet tìm hiểu triệu trứng hoặc vào các diễn đàn để xin ý kiến chia sẻ của các bà mẹ khác để áp dụng. Theo bác sỹ Đỗ Thiện Hải- Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm- Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện có nhiều bà mẹ khi đưa trẻ đến khám khi tình trạng bệnh đã nặng do trước đó sử dụng các đơn thuốc được mách bảo hoặc ra hiệu thuốc nhân viên ở đó tư vấn, song chưa đúng bệnh hoặc chưa đủ liều lượng khiến bệnh không khỏi, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

Bên cạnh đó, do tâm lý thích trẻ ăn khỏe, mau lớn mà một số bà mẹ đã tìm tới các bài thuốc kích thích ăn uống truyền miệng như thuốc cam dẫn đến tình trạng mua phải loại thuốc cam nhiễm nhì, ảnh hưởng khôn lường đến sức khỏe trẻ.

Còn theo bác sỹ Lê Công Định, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, gần đây cơ sở tiếp nhận trường hợp của bé H.V.V.A. trú tại Phan Đình Giót, Hà Nội với tình trạng viêm mủ tai. Trước đó, qua tìm hiểu bác sỹ được biết, mẹ của bé lúc đầu thấy con đau tai, lên các diễn đàn để tìm hiểu kinh nghiệm sử dụng thuốc của các bà mẹ khác và ra hiệu thuốc mua, tuy nhiên sau 5 ngày sử dụng, tình trạng không dứt mà ngày càng nặng lên.

Bác sỹ Định còn thông tin thêm, hiện có bà mẹ còn nghe theo lời mách bảo của người khác là rắc thuốc bột vào tai trị viêm tai cho trẻ. “Việc rắc bột vào tai của trẻ có thể gây biến chứng viêm não. Vì khi rắc thuốc bột vào tai, những tá dược có trong thuốc viêm sẽ gây bít tắc dẫn lưu dịch, dẫn tới tình trạng dịch viêm không thoát được ra ngoài sẽ phá hủy sang phần xương chũm của tai giữa gây viêm xương chũm hay thậm chí gây biến chứng nội sọ”, bác sỹ Lê Công Định khuyến cáo.

Không chỉ tin vào mẹo chữa bệnh, nhiều người có thói quen khi con hay người trong gia đình bị bệnh bèn tìm các dấu hiệu bệnh qua Google để tự chẩn bệnh ra hiệu thuốc mua thuốc về uống mà không đi khám bác sỹ. Điều này khiến việc sử dụng các loại thuốc không kê đơn, thuốc kháng sinh bừa bãi trở nên phổ biến hơn.

Thêm đó, do không được chẩn bệnh kỹ càng, nên nhiều người càng uống thuốc càng ốm nặng mới tìm đến bệnh viện thì đã khá muộn khiến không chỉ gây hậu quả xấu cho sức khỏe mà còn làm cho việc khám chữa bệnh trở nên tốn kém hơn.

Theo quan điểm cá nhân, bác sỹ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo, chia sẻ của các bậc phụ huynh trên các diễn đàn mạng chỉ là trên từng trường hợp cá nhân trẻ, không thể đại diện cho các trẻ bởi có thể cùng một bệnh lý nhưng trên từng cơ thể trẻ mức độ biểu hiện lại khác nhau, do vậy không thể áp dụng đơn thuốc của trẻ này cho trẻ khác mà phải căn cứ vào quá trình thăm khám thực tế của nhân viên y tế.

Cũng theo vị Phó khoa này, hiện 50-60% những bài thuốc chia sẻ trên các diễn đàn mạng là chưa đủ căn cứ khoa học. Vậy nên nếu muốn tìm hiểu thông tin các loại bệnh một cách có căn cứ người dân nên vào các trang website chính thống của các cơ sở y tế như website của các bệnh viện, trung tâm y tế; khi đó thông tin bệnh lý đã được các chuyên gia thẩm định chứ không thiếu căn cứ như truyền miệng hay chia sẻ tại các diễn đàn.

Còn theo bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, hễ cứ thấy con có biểu hiệu ho là các bậc phụ huynh nghĩ ngay đến viêm họng, viêm phế quản… Coi đó là bệnh thông thường, nhiều cha mẹ đến các cửa hàng thuốc, nhờ nhân viên tư vấn rồi mua các loại thuốc ho, long đờm, thậm chí là kháng sinh cho con uống.

“Trên nhiều diễn đàn, các bà mẹ mách nhau cách chữa trị khi con gặp triệu chứng này, biểu hiện kia mà không biết được rằng cơ thể mỗi trẻ có sự khác nhau, mức độ bệnh cũng khác nhau… nên không thể áp dụng phương pháp điều trị và sử dụng thuốc bừa bãi”, bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bo-thoi-quen-chua-benh-bang-google-truyen-mieng.aspx