Bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp: Nên hay không?

(CL)- Ngày 15/10/2013 là thời điểm đất nông nghiệp được giao từ năm 1993 hết thời hạn sử dụng 20 năm. Đây cũng là điều đang gây hoang mang cho người dân gắn liền với nghề nông. Để giải quyết tốt vấn đề “Tam nông”, các quy định sửa đổi Luật đất đai sẽ được trình Quốc hội cuối năm nay. Vậy có nên bỏ thời hạn sử dụng đất hay không thực sự là vấn đề hệ trọng?

Vướng thời hạn sử dụng đất, người nông dân không muốn đầu tư lâu dài cho nông nghiệp.

Vừa qua, việc cưỡng chế thu hồi đất khai hoang trước thời hạn ở Hải Phòng không những làm người dân địa phương lo lắng mà còn lan rộng sang các địa phương khác. Thực tế, đối với người gắn liền với nghề nông thì thời gian 20 năm thật ngắn ngủi để đầu tư sản xuất dài hạn hay phát triển kinh tế trang trại. Theo Nghị định 64/1993/NĐ-CP của Chính phủ ngày 27/9/1993 về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp thì thời hạn sử dụng đất là 20 năm. Căn cứ theo Luật, hàng loạt nông dân được giao đất nông nghiệp từ 1993 sẽ hết thời hạn được giao đất trong năm 2013. Điều này khiến nhiều người rất lo lắng trong việc giải quyết vấn đề chia lại ruộng đất. Vì thế, họ không dám đầu tư nhiều vào sản xuất. Bên cạnh đó, Điều 3 của Nghị định 181/2004 có quy định các hộ gia đình và cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất sẽ được tiếp tục sử dụng với thời hạn đã quy định khi hết thời hạn sử dụng đất nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về các thủ tục gia hạn khiến người dân băn khoăn và chính quyền địa phương cũng lúng túng.

Một điều thấy rõ là nếu không xóa bỏ thời hạn thì chắc chắn nông dân sẽ khó lòng yên tâm đầu tư dài hạn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, nhất là với mô hình sản xuất lớn có giá trị gia tăng cao đang được cổ xúy rất mạnh mẽ hiện nay. Khi sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chỉ với thời hạn 20 năm, sau này lại không biết “thân phận” đất đai của họ đang sử dụng sẽ như thế nào, chắc chắn không người nông dân nào dám đầu tư lớn, dài hơi.

Xóa thời hạn được coi là phương án tốt nhất để người chuyên làm nông nghiệp yên tâm dồn tâm trí, tiền bạc, sức lực để tạo nên khu vực nông nghiệp có năng suất và sản lượng rất cao. Đây chính là động lực mới từ chính sách đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đầu tư cho nông nghiệp có khi phải kéo dài cả hàng chục năm mới thay đổi được phương thức canh tác làm tăng đáng kể lợi nhuận. Việc giải phóng thời hạn sử dụng đất đồng nghĩa với việc giải phóng tâm lý lo lắng, phấp phỏng của nông dân, để họ yên tâm đưa ra một kế hoạch đầu tư dài hạn. Tất nhiên, để tránh trường hợp có đất nhưng không sử dụng, cần đặt ra nhiều chính sách khác như điều tiết bằng thuế, thu hồi đất, đừng dùng cách hạn chế bằng thời hạn sử dụng đất.

Việc xóa bỏ hạn điền cũng là cần thiết, điều đó sẽ giúp người nông dân có điều kiện hình thành các trang trại lớn, yên tâm đầu tư chiều sâu, nông nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn. Để tránh hiện tượng hình thành tầng lớp “địa chủ” mới, chúng ta cũng vẫn giải quyết được bằng chính sách thuế, bằng các chế tài thu hồi đối với đất đã phát canh thu tô, quy định cụ thể về phân chia địa tô, đừng giải quyết bằng hạn điền vì không hiệu quả.

“Tam nông” hiện đang cần những chính sách đất đai phù hợp hơn, tạo động lực lớn hơn để người nông dân yên tâm tự đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Vậy hãy trao cho nông dân cơ hội làm giàu trên đồng ruộng. Để làm được điều đó, về mặt chính sách đất đai, Nhà nước cần xóa hạn điền, xóa thời hạn trong sử dụng đất nông nghiệp, mở ra nhiều kênh tín dụng phù hợp cho nông dân để phát triển sản xuất, tạo điều kiện để người nông dân dễ dàng tiếp cận với công nghệ và dịch vụ, hỗ trợ người nông dân trực tiếp tham gia thị trường.

Vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) là một ví dụ điển hình về tiêu cực khi thu hồi đất hết thời hạn mà trên đất đó những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã bỏ quá nhiều vốn liếng, công sức ra đầu tư dài hạn. Nhiều bài học về chính sách đất đai rất cần được rút ra thấu đáo từ những đau lòng này. Từ vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, dư luận hiện nay có nhiều ý kiến về việc cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo hướng phù hợp với thực tiễn của tình hình mới. Trả lời câu hỏi của phóng viên về quan điểm nên kéo dài thời gian giao đất cho người nông dân để họ có thể yên tâm đầu tư, sản xuất, ông Nguyễn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT) cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã từng đề nghị là nên thống nhất đất nông nghiệp trồng cây hàng năm cũng như lâu năm ở mức 50 năm, chứ không phân ra 2 bậc (20 năm và 50 năm). Phải có thời hạn dài như thế thì người nông dân mới yên tâm đầu tư bởi sản xuất nông nghiệp bây giờ cũng đòi hỏi số vốn khá lớn cho máy móc, công nghệ, thiết bị chứ không chỉ đơn giản là con trâu, cái cày như mấy chục năm trước...”. GS. TSKH Đặng Hùng Võ cũng đồng tình với quan điểm phải sửa đổi các quy định về hạn điền và thời hạn giao đất. Ông phân tích: “Thời hạn và hạn điền đối với đất sản xuất nông nghiệp, rừng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hộ gia đình, cá nhân chưa thỏa đáng. Với thời hạn 20 năm, động lực suy giảm dần vì người sử dụng đất không yên tâm tập trung đầu tư đất đai, phát triển kinh tế trang trại. Nên bỏ thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp, làm cho xã hội nông thôn phát triển và nông dân khá giả hơn”.

Khánh An

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Thoisu/2012/2/97CB92844E9781D6/