Bộ Tài chính: Khoán xe công là bình thường

Chính sách khoán xe công đã có từ lâu nhưng ít vị lãnh đạo thực hiện, bởi tâm lý “tiêu chuẩn mình cứ đi, mắc gì tự nguyện”.

“Chính sách khoán xe công không phải là câu chuyện mới. Cách đây khoảng 10 năm, khi tôi còn là chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, đã có một số lãnh đạo trung ương nhận khoán xe công. Đó cũng là chuyện bình thường” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí nói về quyết định khoán xe công cho các chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng của Bộ Tài chính từ ngày 1-10 tại cuộc họp báo thường kỳ tháng quý III của Bộ Tài chính, chiều 11-10.

Muốn gần dân thì nên đi xe máy, xe đạp

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cho biết chính sách khoán xe công 10 triệu đồng/tháng đã có từ năm 2007, tuy nhiên chỉ có một số lãnh đạo ở trung ương thực hiện bởi cơ chế này chỉ mang tính tự nguyện. “Đã là tự nguyện có mấy ai thực hiện, bởi suy nghĩ tiêu chuẩn Nhà nước phân bổ mình cứ đi, mắc gì tự nguyện nhận khoán xe” - ông Chí nêu thực tế.

Theo ông Chí, Bộ Tài chính quyết định khoán xe cho các thứ trưởng cũng là cách tạo tiền đề để thực hiện trên diện rộng thời gian tới nếu Bộ Tài chính thí điểm thành công. Hiện mỗi tháng ông Chí được giao khoán hơn 9 triệu đồng/tháng với cự ly di chuyển 10 km/lượt (từ nơi ở đến cơ quan).

Vấn đề thuế xăng dầu đang được dư luận quan tâm. Ảnh: HTD

“Tôi nghĩ chuyện nhận khoán xe công cũng bình thường, muốn gần dân thì các lãnh đạo đừng lăn tăn chuyện đi xe gì. Hồi làm chủ tịch tỉnh Tiền Giang, tôi vẫn đi xe máy, thậm chí đi xe đạp khi đến kiểm tra thực tế địa phương. Mấy hôm bắt đầu thực hiện quy định khoán xe của Bộ Tài chính, một số lãnh đạo cùng cấp của một số cơ quan khác tỏ vẻ bất ngờ và hỏi: “Ông đi taxi thật à?”. Tôi nói: “Ủa, sao tôi đùa được, tôi đi thật chừ!” - ông Chí kể lại.

Theo ông Chí, việc khoán xe công rất đơn giản, quan trọng là nhận thức của lãnh đạo. Nếu các bộ, ngành quyết tâm làm thì sẽ thành công. Sau thời gian thí điểm, Bộ Tài chính sẽ có đánh giá và báo cáo đề xuất Chính phủ một số giải pháp về khoán xe công.

Thuế xăng Việt Nam thấp hơn các nước

Tại cuộc họp báo, Bộ Tài chính cũng giải thích thêm về vấn đề thuế xăng dầu. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết thời gian qua, vấn đề thuế xăng dầu đã được dư luận quan tâm, nhất là chuyện Bộ Tài chính tính nhầm thuế hay thuế chồng thuế,… Tuy nhiên, ông Thi khẳng định Bộ Tài chính điều hành đúng theo các quy định hiện hành. Hiện trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu, thuế chỉ chiếm 41,5% chứ không phải hơn 50% như một số tính toán. Tỉ trọng này thấp hơn một số nước, như Hàn Quốc (70%), Campuchia (56%). Xăng nhập vào Việt Nam sẽ phải chịu các khoản thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế bảo vệ môi trường, quỹ bình ổn giá.

Về thuế GTGT, ông Thi khẳng định mức thuế GTGT phổ thông 10% của Việt Nam là thấp so với nhiều nước như Campuchia (15%), Trung Quốc (17%), Ý (19%), Pháp (19%),… Tương tự, giá bán lẻ mặt hàng này tại Việt Nam 0,74 USD/lít, thấp hơn một số nước như Trung Quốc (0,94 USD/lít), Lào (1,09 USD/lít), Singapore (1,34 USD/lít).

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí khẳng định Bộ Tài chính không thể tính nhầm thuế xăng dầu cho người tiêu dùng và cũng không có chuyện lấy tiền của dân. Bộ thực hiện đúng quy định pháp luật về thuế.

Đã tạm ứng 3.000 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân miền Trung

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí cho biết ngày 6-10, Bộ TN&MT đã chuyển 150 triệu USD trong tổng số 500 triệu USD tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa từ tài khoản tạm gửi của Bộ TN&MT mở tại VietinBank về tài khoản Kho bạc Nhà nước.

Đến ngày 7-10, Thủ tướng đã có Văn bản số 1776 về việc tạm cấp kinh phí bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền Trung. Theo đó, Thủ tướng chấp thuận đề nghị của Bộ Tài chính, tạm cấp 3.000 tỉ đồng cho bốn địa phương (Hà Tĩnh 1.000 tỉ đồng, Quảng Bình 1.100 tỉ đồng, Quảng Trị 500 tỉ đồng và Thừa Thiên-Huế 400 tỉ đồng).

Ngày 10-10, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND bốn tỉnh trên thông báo việc tạm cấp kinh phí bồi thường theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện ngay việc chuyển tiền. Cuối ngày 10-10, số tiền tạm cấp nói trên đã được chuyển tới tài khoản của bốn địa phương.

Ông Đào Xuân Tuế, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), khẳng định quá trình bồi thường được thực hiện công khai, minh bạch. Khoản tiền bồi thường thiệt hại cho ngư dân phải được chuyển khoản (nếu cá nhân có tài khoản) hoặc thanh toán bằng tiền mặt. Khi thanh toán chi trả phải lập bảng kê có ký nhận của người được nhận tiền. Riêng ba loại đối tượng: Khai thác thủy sản trên tàu có công suất máy chính từ 90 CV trở lên; nuôi trồng thủy sản bị chết và sản xuất muối; thu nhập bị mất của người lao động làm thuê thì được tính chung trong định mức bồi thường thiệt hại của chủ tàu hoặc chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối.

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/bo-tai-chinh-khoan-xe-cong-la-binh-thuong-657905.html