Bổ sung sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô vào ngành kinh doanh có điều kiện

Ngày 22.11, với 83,16% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Luật cũng quy định về các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sau đây có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2017: Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô. Sau khi sửa đổi, bổ sung, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh còn 243 ngành, nghề. Dự thảo trình Quốc hội vừa được thông qua có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2017. Riêng quy định về kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2017.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.Ảnh: Q.H

Ngày 22.11, thảo luận về dự Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này phát triển, đặc biệt là về vốn.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa là tạo việc làm và đóng góp cho ngân sách, do vậy, cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho họ có điều kiện vươn lên. Trong đó việc cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại nếu hỗ trợ doanh nghiệp được nhiều ĐB đề cập.

Đừng hỗ trợ theo kiểu, Nhà nước có cái gì thì hỗ trợ cái đó

Cho ý kiến vào dự luật, ĐB Đỗ Văn Bình (TP. Hải Phòng) cho rằng, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lẽ vấn đề khó khăn nhất đó là tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do thiếu tài sản đảm bảo. Ông Bình đề nghị, dự luật cần tập trung, quan tâm, luật hóa những nội dung giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để đạt kết quả.

Đồng quan điểm trên, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo luật đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng có thể thấy việc cân đối các nguồn lực để thực hiện các hỗ trợ đó không rõ nét, có thể dẫn đến tính khả thi không cao của chính sách, nhất là nguồn lực về mặt tài chính.

Ví dụ cụ thể như việc luật yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có vẻ hợp lý. Tuy vậy, sau đó Nhà nước lại phải hỗ trợ ưu đãi cho các ngân hàng, bởi nếu không họ không có nguồn lực đâu mà hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp.

Nói về việc hiện nay nhiều loại quỹ hoạt động không hiệu quả, ĐB Thạch Phước Bình đề nghị dự thảo luật cũng nêu ra việc lập một số quỹ như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ tương hỗ, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ đầu tư khởi nghiệp cũng cần tính toán, đánh giá tác động, hiệu quả một cách kỹ càng. Ngoài ra, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hơn nữa cách thức hỗ trợ theo kiểu nhà nước có cái gì thì hỗ trợ cái đó, mà phải là doanh nghiệp cần cái gì thì hỗ trợ cái đó sẽ phù hợp hơn.

Có cơ chế chính sách để doanh nghiệp vừa và nhỏ vươn lên

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó là tạo việc làm và đóng góp cho ngân sách, do vậy, cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho họ có điều kiện vươn lên.

Nói về quy định tiếp cận tín dụng của ngân hàng nêu trong dự luật, Bộ trưởng Dũng cho biết: Chúng tôi đã báo cáo, đây không phải là quy định cứng nhắc bắt buộc để các ngân hàng phải có tỉ lệ bao nhiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp mà là khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với các lãi suất, với thời hạn vay ưu đãi và với thủ tục dễ dàng để cho người ta tiếp cận.

“Nếu các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa như vậy thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ lại tức là được cấp bù lãi suất. Cấp bù lãi suất là một phần ngân sách phải bỏ ra nhưng không lớn so với các doanh nghiệp đóng góp nếu như người ta hoạt động tốt, có lợi nhuận để đóng góp cho đất nước” - ông Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Dũng, trong báo cáo của hệ thống ngân hàng hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉ lệ nợ xấu chiếm dưới 2% nhưng các doanh nghiệp lớn hiện nay nợ xấu chiếm từ 6 - 7%, thế nên nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi rất khó. “Đây là một điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nhưng cũng là để đảm bảo phong phú thêm các đối tượng khách hàng và làm đảm bảo an toàn của hệ thống tín dụng hiện nay của chúng ta” - ông Dũng nói.

Giải trình về các quỹ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Hiện nay chúng ta có 2 quỹ đang hoạt động là Quỹ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Quỹ bảo lãnh tín dụng, nhưng 2 quỹ này hoạt động chưa hiệu quả. Sắp tới chúng ta sẽ bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho 2 quỹ này và bổ sung thêm quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, đây là quỹ mà các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài rất quan tâm.

XUÂN HẢI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/bo-sung-san-xuat-lap-rap-nhap-khau-xe-oto-vao-nganh-kinh-doanh-co-dieu-kien-613611.bld