Bổ sung 'cỏ Mỹ, lá cây Khát' có chứa chất ma túy vào dự thảo Bộ luật Hình sự 2015

Sáng 21.10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga (Ảnh: Q.H)

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Về bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS năm 2015 (các điều từ 248 đến 252 BLHS năm 2015 - các khoản từ 39 đến 43 Điều 1 của dự thảo Luật), Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga cho rằng: Đa số ý kiến UBTP tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc bổ sung chất ma túy XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) thuộc danh mục II và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone) thuộc danh mục I của Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ vào BLHS. Đồng thời, cũng tán thành với việc bổ sung quy định các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành vào BLHS. Thực tiễn cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, khó lường; sẽ có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều loại cây, lá, hoa, quả… có chứa chất ma túy nên cần phải có quy định mang tính dự báo trong BLHS năm 2015 để vừa bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, không thể lạm dụng. Tuy nhiên, mức định lượng của “cây khác có chứa chất ma túy” làm cơ sở định tội, định khung hình phạt thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong các quy định cụ thể của BLHS năm 2015.

“Một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm thi hành khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, đồng thời thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật thì chỉ nên quy định những loại chất ma túy, các loại cây, lá, hoa, quả… có chứa chất ma túy mà chúng ta đã biết vào Bộ luật. Nếu có loại ma túy mới xuất hiện xét thấy cần phải xử lý hình sự thì các cơ quan chức năng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi BLHS” – bà Nga nhấn mạnh.

Về xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các điều từ 248 đến 252 BLHS năm 2015 - các khoản từ 39 đến 43 Điều 1 của dự thảo Luật). Báo cáo thẩm tra cho rằng, về vấn đề này, UBTP có 03 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất, không tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc cần xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy đối với tội phạm về ma túy thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 4 các điều từ Điều 248 đến Điều 252, vì trong cùng một điều luật, ở các khoản có khung hình phạt đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình thì phải giám định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích, trong khi đó, khoản 1, 2 và 3 lại không quy định giám định hàm lượng là bất bình đẳng trong chính sách hình sự (ví dụ: Một người mua bán 100 gam hêrôin, quy định như dự thảo Luật sẽ phải giám định hàm lượng, sau khi giám định, xác định tỉ lệ dưới 1% hêrôin, quy ra khối lượng chỉ còn dưới 1 gam, như vậy họ sẽ chỉ bị áp dụng khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015 để xử lý với khung hình phạt cao nhất đến 07 năm tù. Một người khác mua bán 99 gam hêrôin thuộc khoản 3 có khung hình phạt đến 20 năm tù thì không phải giám định hàm lượng và áp dụng ngay khoản này để xử phạt, người đó có thể bị phạt tới 20 năm tù). Hơn nữa, quy định này sẽ dẫn đến việc buộc phải giám định hàm lượng để tính khối lượng hoặc thể tích mới biết người đó phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng để xác định thẩm quyền tố tụng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự… là không hợp lý, gây khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và không bảo đảm tính kịp thời trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh đó, thực tiễn xử lý thời gian qua cho thấy, nhiều vụ án ma túy là án truy xét, không thu giữ được ma túy nên không giám định được hàm lượng để quy ra khối lượng; một số vụ xử lý trách nhiệm hình sự căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội và các chứng cứ khác, mà không phụ thuộc vào hàm lượng chất ma túy (Ví dụ: Một người có ý thức chủ quan mua bán trái phép chất ma túy, trường hợp giám định không phải là chất ma túy thì theo pháp luật hiện hành vẫn bị xử lý hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy).

Loại ý kiến thứ hai, tán thành quy định ngay trong Luật việc chỉ xác định loại ma túy mà không xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy và cho rằng, thực tiễn giải quyết các vụ án về ma túy mấy chục năm qua chỉ căn cứ vào khối lượng ma túy thu giữ được hoặc chứng minh được mà không căn cứ vào hàm lượng chất ma túy; chỉ khoảng 02 năm gần đây, các cơ quan tiến hành tố tụng mới có quan điểm khác nhau và không thể thống nhất được có hay không giám định hàm lượng chất ma túy để xử lý hình sự dẫn đến tồn đọng án kéo dài, nhiều vụ án thậm chí vi phạm về thời hạn tố tụng, nhất là thời hạn tạm giam.

Loại ý kiến thứ ba, tán thành với Chính phủ về việc quy định cần phải xác định hàm lượng chất ma túy thu giữ được để quy đổi ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự nếu thuộc 01 trong 05 trường hợp như đã được phân tích cụ thể trong Tờ trình. Cũng có ý kiến đề nghị quy định xác định hàm lượng chất ma túy trong mọi trường hợp phạm các tội về ma túy, bảo đảm xử lý công bằng và nghiêm minh.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo luật trên.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/bo-sung-co-my-la-cay-khat-co-chua-chat-ma-tuy-vao-du-thao-bo-luat-hinh-su-2015-603393.bld