Bổ sung chính sách đặc thù đảm bảo phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung một số chính sách đặc thù về du lịch được quy định tại khoản 2,3 và 4 Điều 5 dự thảo Luật, đồng thời chỉnh lý dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Chiều 29/5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật du lịch (sửa đổi).

Ảnh: Nam Nguyễn

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật còn chung chung, quá ngắn gọn và cần quy định cụ thể hơn. Có ý kiến đề nghị bổ sung các khái niệm như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, kinh doanh lữ hành quốc tế, kinh doanh lữ hành nội địa…

Ủy ban Thường vụ tiếp thu, bổ sung khái niệm “du lịch cộng đồng”, “du lịch sinh thái”, “du lịch văn hóa” tại Điều 3 dự thảo Luật. Các khái niệm kinh doanh lữ hành quốc tế, kinh doanh lữ hành nội địa đã được thể hiện qua phạm vi kinh doanh lữ hành quy định tại Điều 31. Các từ ngữ khác cũng được rà soát và điều chỉnh phù hợp hơn.

Về chính sách phát triển du lịch, một số ý kiến cho rằng, chính sách phát triển du lịch được quy định tại Điều 5 cần bổ sung một số chính sách đặc thù nhằm đảm bảo du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Có ý kiến đề nghị xem xét, sắp xếp lại thứ tự các khoản để đảm bảo tính hợp lý của điều luật…

Tiếp thu các ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung một số chính sách đặc thù về du lịch được quy định tại khoản 2,3 và 4 Điều 5 của dự thảo Luật, đồng thời chỉnh lý dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đối với các chủ trương, chính sách cụ thể về phát triển hàng không, phát triển giao thông đường bộ, đường sắt, thuế sử dụng đất, giá điện… nhằm phục vụ cho phát triển du lịch được nêu tại Nghị quyết 08-NQ/TW thì không thể quy định trong dự thảo Luật Du lịch, mà cần được tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa trong các luật chuyên ngành khác.

Ngoài những nội dung trên, còn một số ý kiến vê cơ sở lưu trú du lịch, hướng dẫn viên du lịch, khách du lịch, kinh doanh lữ hành, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý nhà nước về du lịch…

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật du lịch (sửa đổi) quy định về đô thị du lịch (Chương IV) nêu rõ: Có ý kiến đề nghị giữ quy định như Luật hiện hành về đô thị du lịch vì trên thực tiễn đã hình thành đô thị du lịch. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định đô thị du lịch trong dự thảo Luật. Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu hai phương án như sau:

Phương án 1: Không quy định về nội dung đô thị du lịch vì: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 không quy định về loại hình đô thị du lịch. Việc quy định đô thị du lịch như một danh hiệu mà không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ thì không nên quy định trong văn bản luật. Hơn nữa, dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV cũng không quy định về đô thị du lịch.

Phương án 2: Quy định về đô thị du lịch theo hướng xây dựng cụ thể các điều kiện công nhận, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch tại Điều 29, Điều 30 dự thảo Luật.

Ngoài những vấn đề nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì Thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung cho phù hợp hơn./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/bo-sung-chinh-sach-dac-thu-dam-bao-phat-trien-du-lich-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon-240348.html