Bộ phim 'Vĩnh cửu' của Đạo diễn Trần Anh Hùng: Vòng xoay sự sống và cái chết

Được chuyển thể từ tiểu thuyết L’Élégance des veuves (Nét duyên góa phụ) của nữ nhà văn Pháp Alice Ferney, bộ phim Vĩnh cửu của đạo diễn Trần Anh Hùng vừa ra mắt ở Việt Nam, đồng thời cũng đang được công chiếu tại Pháp, một lần nữa, lại mang tới những phản ứng trái chiều từ cảm nhận khác nhau của khán giả.

Hình ảnh trong bộ phim Vĩnh cửu của đạo diễn Trần Anh Hùng.

Buổi lễ ra mắt bộ phim tại Tp. HCM diễn ra trong không khí ấm áp với tiệc rượu nhẹ. Nhiều khán giả dù đã được mời, nhưng do thiếu vé nên phải ra về. Người nhà, bạn thân, và đồng nghiệp yêu mến đạo diễn Trần Anh Hùng đến dự khá đông. Trần Anh Hùng không nói gì nhiều về bộ phim, bởi tất cả tinh thần, tâm hồn anh đã gửi gắm qua mỗi thước phim, mà khi xem, khán giả đều có thể cảm nhận. Một nghệ sĩ tài năng, là đưa người khác bước vào trong thế giới tâm tưởng của mình, bằng khả năng sáng tạo, chau chuốt mỗi hình ảnh, cùng nỗ lực làm việc không ngừng. Trần Anh Hùng vẫn là đạo diễn Việt Nam đi đầu trong việc tìm tòi cách nói riêng mình qua điện ảnh.

Cũng trong buổi công chiếu, trước mặt hàng trăm khán giả, Trần Anh Hùng và vợ bên nhau, cùng trao đổi về bộ phim. Đạo diễn Trần Anh Hùng sau bao tháng năm vẫn nhìn vợ đắm đuối, nói bao lời thật đẹp về công sức của vợ với bộ phim, trong khi vợ anh - kể với giọng Việt còn ngượng nghịu vấp váp - về việc phải chuẩn bị đồ ăn cho các con mỗi bữa để sẵn trong tủ lạnh, khi cả tuần phải xa bố mẹ. Những gì vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng thể hiện, không khác nhiều với các hình ảnh về tình yêu vợ chồng, tình yêu cha mẹ với con cái ở trong phim.

Câu chuyện bắt đầu bằng lời dẫn trích ra từ tiểu thuyết (dịch giả Lê Ngọc Mai chuyển ngữ, do Nhã Nam và NXB Hà Nội phát hành tại Việt Nam) được đọc bằng chất giọng truyền cảm của Giám đốc mỹ thuật Trần Nữ Yên Khê và đồng thời cũng là người vợ yêu luôn theo sát bên đạo diễn Trần Anh Hùng từ ngoài đời đến trong từng thước phim:

“Ông Arthur và bà Julie Bourgeois có năm người con. Hai người trong số đó chết trẻ. Ba người kia, Hélène, Henriette và Valentine, đều cưới hỏi đàng hoàng”.

Kết thúc phim, câu kể trên lặp lại thêm lần nữa cùng lời dẫn tiếp theo:

“Từ ba người con gái này đã sinh ra mười tám người cháu, bốn mươi ba người chắt, một trăm năm mươi tư người thuộc thế hệ thứ ba kể từ đời cháu..”

Như vậy, bộ phim xoay quanh câu chuyện về bốn đời con cháu bắt đầu từ cuộc hôn nhân của ông Arthur và bà Julie Bourgeois.

“Một sự đâm chồi nảy lộc không ngừng và viên mãn. Một đà phát triển sự sống (mà họ đã khơi nguồn), một bản năng thuần khiết (mà họ không muốn nghe nhắc đến), một sự thật hiển nhiên (mà không bao giờ họ xáo trộn), đã thúc đẩy họ hết người này đến người khác đỏ mặt thẹn thùng, kết hôn, sinh con đẻ cái, chết đi. Rồi lặp lại”…

Đoạn trích từ tiểu thuyết Nét duyên góa phụ ấy, chính là sợi chỉ đỏ, kết nối các nhân vật tưởng chừng trong mối quan hệ bền chặt mà rời rạc, đi dọc tiến trình bộ phim từ đầu tới cuối.

Bộ phim có rất nhiều nhân vật, xuất hiện biến mất trong suốt thời gian đằng đẵng của một thập kỷ. Trong đó, nổi bật lên là ba nhân vật nữ chính, Valentine, con dâu Mathilde cùng cô bạn thân Gabrielle. Đi song hành với họ là ba ông chồng: Jules, Henri và Charles. Trong đó, lần lượt, Jules chồng của Valentine, rồi Charles chồng của Gabrielle mất đi đột ngột, để lại hai người phụ nữ góa bụa, và sau cùng là Mathilde cũng chết ngay sau khi vừa sinh con.

Cả bộ phim là nỗi vui mừng của sinh nở trong đau đớn, đến giọt nước mắt nghẹn ngào cùng tiếng gào thét tuyệt vọng khi người mẹ mất đi những đứa con thân yêu. Những sự sinh và cái chết cứ nối tiếp nhau không ngừng, lặp đi lặp lại trong không gian u tịch mà đẹp đến nao lòng của khu biệt thự Pháp cổ.

Với mỗi người đàn bà trong phim, sinh nở được coi như một sứ mệnh và là niềm hạnh phúc khôn nguôi. Các cảnh quay về tình yêu vợ chồng, về nỗi đam mê con cái và niềm tang tóc, được dựng lên trong bố cục chặt chẽ, góc máy lia chầm chậm, ánh sáng tinh tế, chìm trong không gian của nước, cây xanh, mây trời, thác nước… và hoa. Hoa ở khắp mọi nơi trong phim, chảy tràn từ khu vườn rực rỡ như trong cổ tích, đến những lọ hoa được cắm khéo bung nở sang trọng ở mỗi căn phòng. Từngcảnh quay, với người xem, khi dừng lại, đều có thể trở thành một bức tranh đẹp kinh điển. Trần Anh Hùng thực sự là bậc thầy của ngôn ngữ hình ảnh khi anh mang đủ sắc thái mỹ cảm làm đầy tràn, mãn nhãn người xem.

Bộ phim hầu như không có thoại, các cảnh nối nhau vẫn là lời dẫn truyện hòa theo tiếng nhạc. Cũng không xoáy sâu vào nhân vật nào. Tình tiết trong phim được diễn tiến đều đặn hầu như không có kịch tính, không có cao trào hay thắt mở. Nhân vật sống một đời an lành giữa tình yêu thuần khiết của cha mẹ, được học vẽ, học nhạc, học múa ba lê. Không ai phải cố gắng vì bất cứ thứ gì, vì tất cả đã có sẵn thuộc về đời sống nhung lụa. Phục trang của các nhân vật vô cùng cầu kỳ. Nhân vật cũng mang hình thể, khuôn mặt đẹp đẽ. Chỉ có điều sai khác, là nỗi đau âm ỉ trong lòng ba bà mẹ khi chứng kiến cái chết đến với những đứa con yêu. Cả ba đều ở trong phòng, ngủ chung với con, cố ôm chặt để sưởi ấm lại trái tim đã băng lạnh. Rồi, lại nuốt đau đớn vào trong, tiếp tục sinh nở những đứa trẻ khác. Ba bà mẹ chỉ ngừng việc cho ra đời giọt máu mủ, khi chồng mất, hoặc chính họ ngừng thở.

Vĩnh cửu – đó là bản tình ca, bức tranh muôn màu, câu chuyện, bài thơ… về sự sống và cái chết.

Suốt hai tiếng trình chiếu, bộ phim có thể làm người xem bị mất kiên nhẫn khi duy trì nhịp kể đều đặn như tiếng tích tắc tích tắc tích tắc của nhịp gõ kim đồng hồ. Bộ phim kể về một thập kỷ, nhưng các biến động trong đời mỗi nhân vật đều xảy ra như nhau, trạng thái đau đớn khóc thương cũng như nhau, rồi lại tìm vui nơi hơi ấm của chồng và mùi thơm cơ thể bọn trẻ cũng giống nhau.

Đôi khi, có vài đứa trẻ đi chệch khỏi con đường, như cô con gái đầu của bà Valentine từ chối vai trò làm mẹ, sống đời khổ hạnh của một nữ tu, rồi cuối cùng cũng nằm dưới đất vì bệnh viêm màng não. Tất cả các nhân vật, dắt tay nhau, hay bước song hành, hoặc nối tiếp bước, rất nghiêm trang, sang trọng, đầy ý thức về mỗi hành động của cơ thể, và họ cười, cũng rất điều tiết. Vợ chồng con cái tôn trọng âu yếm nhau trong nền đạo đức gia phong chuẩn mực chung. Thậm chí như cuộc hôn nhân của Gabrielle và Charles được quyết định và xếp đặt chỉ sau một bữa ăn: “Vào thời ấy, ở các gia đình như gia đình của họ, cái cách tạo dựng những cuộc hôn phối kiểu này chẳng làm ai ngạc nhiên. Trừ các ông chồng ra…

Người ta ra sức chuẩn bị cho họ trước sự bất ngờ ấy, rèn cho họ quen với nghĩa vụ: luôn cố gắng kiểm soát một cách tốt nhất tình cảm của mình, đừng nảy sinh tình cảm nếu tình cảm ấy không phù hợp với dự kiến”. (Nét duyên góa phụ. T52.53). Cũng bởi sự sắp đặt mà cô dâu lẫn chú rể không hề biết trước gì nhau, buộc phải làm quen với nhau từ đêm tân hôn, sau đó dần dà tìm hiểu nhằm buộc phải nảy sinh tình cảm, từ đó, cho ra đời con đàn cháu đống.

Ba bà vợ trong phim, luôn mặc thật đẹp, sang nhã dù cả một bày con quấn quýt, không thấy chút gì mệt mỏi vất vả của việc phải nuôi dạy gần chục đứa con một lúc, họ hoặc khóc, hoặc cười, hoặc vui vầy say đắm trong tình yêu với chồng, hoặc nô giỡn âu yếm con. Còn ba ông chồng, cũng không làm việc gì nhiều ngoài việc say mê ngắm vợ, ngồi thanh nhã đánh đàn hay xếp các tiêu bản lá hoa sưu tầm. Lo âu vật chất hay mưu cầu địa vị không chạm tới bậc thềm nhà tất cả các nhân vật. Họ sống theo nghĩa vụ và chấp nhận tất cả mọi sự mang lại một cách thản nhiên nhất. Chỉ có cái chết, mới làm họ chảy nước mắt, cùng sự chia lìa người thân, làm tất cả buồn đau.

Cả bộ phim, theo cách đạo diễn của Trần Anh Hùng, là một vòng tuần hoàn sinh tử như một sự an nhiên.

Đoạn kết phim, bà Valentine, rốt cuộc cũng chờ được cái chết đến một cách âm thầm khi da đã nhăn nheo, tóc bạc trắng, run rẩy thả hơi thở cuối cùng trên chiếc gối trắng đẫm ướt mồ hôi, sau khi chứng kiến biết bao cái chết đến cùng sự sinh tái diễn.

Để xem và tiếp nhận được “Vĩnh cửu” – một cách kể riêng biệt từ cá tính sáng tạo của đạo diễn Trần Anh Hùng – bạn cần không kỳ vọng gì vào điều mong thấy – tránh bị thất vọng khi không như ý. Cần hoàn toàn thả lỏng, thư giãn, đừng tự nghĩ mình đang dõi theo một bộ phim, mà hãy để tinh thần tự trôi vào dòng cảm xúc của Trần Anh Hùng, (luồn bên trong mạch tư duy của nữ nhà văn Alice Ferney) - bạn sẽ tìm được câu giải đáp vì sao mình sinh ra, và vì sao đang sống để về chết… để thấy yêu thêm con người, yêu thêm cuộc đời, và biết trân quý người thân còn đang có thể sống bên bạn.

Việt Quỳnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/bo-phim-vinh-cuu-cua-dao-dien-tran-anh-hung-vong-xoay-su-song-va-cai-chet/122759