Bỏ phí tiềm năng du lịch mạo hiểm

Dù là loại hình hấp dẫn du khách nhưng du lịch mạo hiểm ở nước ta hiện chiếm tỉ trọng chưa đến 10%

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), đánh giá du lịch mạo hiểm là loại hình mới, có sức cuốn hút cao.

Nhiều địa hình phù hợp

Trong các loại hình, du lịch mạo hiểm có tốc độ phát triển nhanh nhất. Trong khi đó, nước ta có rất nhiều tiềm năng để phát triển loại hình này.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm Ảnh: ĐÌNH THI

Với 3/4 địa hình là đồi núi, hệ thống sông ngòi chằng chịt, các dãy núi đá vôi hình thành địa hình karst, nhiều hang động đẹp, khu rừng nguyên sinh nhiệt đới, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia rộng lớn cùng hơn 3.000 km bờ biển, Việt Nam có những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm. Nhiều nơi thích hợp cho việc phát triển các loại hình đi bộ, leo núi, đua xe, lặn biển, bè mảng, đua thuyền, lướt ván, nhảy dù, dù lượn, khinh khí cầu…

Dù tiềm năng phát triển các loại hình du lịch mạo hiểm ở nước ta là rất lớn nhưng thời gian qua, việc triển khai còn gặp nhiều trở ngại. Theo ông Chung, do chưa có nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) đầu tư vào phân khúc này nên việc khai thác du lịch mạo hiểm mới ở bước đầu. Tỉ trọng của du lịch mạo hiểm hiện ở mức dưới 10%.

Hoạt động tự phát

Hiện nay, các DN lữ hành xây dựng chương trình du lịch mạo hiểm cho khách thường là tự phát, thiếu định hướng. Nhiều đơn vị vì lợi nhuận mà sẵn sàng mở tour chui, kém chất lượng, đưa khách đến những khu vực nghèo nàn về cơ sở vật chất…, coi thường sự an toàn của du khách.

Một số công ty tự ý khai thác các điểm du lịch chưa được cấp phép để tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, dẫn đến những tai nạn thương tâm, như vụ du khách và hướng dẫn viên tử vong tại thác Hang Cọp ngày 23-2. Ngay sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa của Công ty Giấc Mơ Vàng (Gold Dream), đơn vị đã bán tour cho du khách nước ngoài thiệt mạng, do chưa đăng ký hoạt động du lịch mạo hiểm cũng như không có chức năng tiếp nhận, hướng dẫn cho khách quốc tế.

Trước đó, ngày 26-2-2016, 3 du khách người Anh đã tử nạn do trượt chân khi đi tắm tại thác Datanla, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Cuối tháng 2-2016, thi thể du khách người Belarus được phát hiện tại khu vực thác Pongour, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng do đuối nước trong khi du lịch mạo hiểm...

Ông Chung cho rằng tai nạn tại thác Datanla và Hang Cọp dẫn đến chết người chủ yếu do DN lữ hành hoạt động và sử dụng hướng dẫn viên du lịch chui. Hướng dẫn viên chưa được tập huấn quản lý du lịch mạo hiểm và không được cấp thẻ, không đủ năng lực nhưng vẫn đưa khách đến nơi nguy hiểm.

Lúng túng trong quản lý, khai thác

Phát triển du lịch mạo hiểm đã trở thành chiến lược của ngành du lịch. Do đó, không riêng Lâm Đồng mà Quảng Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, Khánh Hòa đều quan tâm đến các loại hình thám hiểm hang động, đi bộ băng rừng, tàu lượn, lặn biển.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Goldent Travel, nhìn nhận du lịch mạo hiểm ở nước ta có thể phát triển song Luật Du lịch vẫn chưa có định nghĩa về loại hình này. Hiện chưa có văn bản pháp lý nào quy định cụ thể đối với hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch mạo hiểm cũng như quy định điều kiện khai thác.

Chính vì điều này mà việc tổ chức và kinh doanh du lịch mạo hiểm còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thực tế cho thấy trang thiết bị của các công ty khai thác tour du lịch mạo hiểm còn khá sơ sài, chỉ vài sợi dây chuyên dụng, bộ đai an toàn... Hướng dẫn viên lặn biển quy định phải có chứng chỉ nhưng thực tế rất ít người có.

Ông Thành so sánh: Ở nước ngoài, khi muốn mua tour du lịch mạo hiểm, du khách phải chứng minh khả năng có thể tham gia. Còn ở Việt Nam, du khách có tiền là mua được tour và tự chịu trách nhiệm về tính mạng của mình.

Theo Tổng cục Du lịch, thông tư về du lịch mạo hiểm đang được soạn thảo, hướng tới 3 đối tượng: du khách, ban quản lý khu du lịch và DN lữ hành được phép tổ chức loại hình du lịch này. "Du lịch mạo hiểm hấp dẫn nhưng nhiều rủi ro. Vì thế, du khách khi tham gia nên chọn những DN lữ hành có thương hiệu và kinh nghiệm tổ chức nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình trải nghiệm. Với trường hợp tổ chức tour chui, cơ quan quản lý sẽ kiên quyết xử phạt, thậm chí cấm hoạt động" - ông Chung nhấn mạnh.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/bo-phi-tiem-nang-du-lich-mao-hiem-2017051421172119.htm