Bố mẹ ly hôn, con cái có được chia tài sản?

- Gia đình tôi có 3 chị em đã lập gia đình, nhưng giờ ba, mẹ tôi ly hôn thì phân chia tài sản như thế nào? 3 chị em tôi có được phân chia tài sản của ba, mẹ tôi hay không?... Xin được tiếp tục giải đáp thắc mắc của bạn đọc quanh vấn đề chia tài sản khi ly hôn.

Tài sản được gia đình chồng cho chung, khi ly hôn có được chia đôi? Bạn Nguyễn Mai, Gò Vấp, Tp Hồ Chí Minh, Email: nguyenngocmai57@...hỏi: Vợ chồng tôi trước kia sống chung với gia đình chồng. Cho đến năm 2007, mẹ chồng tôi bán nhà và chia cho vợ chồng tôi một số tiền. Chúng tôi đã dùng số tiền đó mua được một căn nhà. Chúng tôi có một đứa con gái duy nhất, cháu đã lớn và lập gia đình sống riêng. Cho tôi hỏi, bây giờ nếu vợ chồng tôi ly hôn thì tài sản, nhà cửa được chia như thế nào? Con của tôi có được hưởng gì từ tài sản đó theo luật thừa kế không? Xin chân thành cảm ơn. Trả lời: Theo quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình, các tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung là tài sản chung. Do đó, ngôi nhà do các bạn mua từ số tiền mẹ chồng bạn cho hai vợ chồng bạn là tài sản chung của hai vợ chồng. Trong trường hợp ly hôn, hai bên có thể thỏa thuận về việc chia tài sản, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Về việc thừa kế của con bạn: Theo quy định của pháp luật, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Kể từ thời điểm đó, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Con bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bạn và chồng bạn, do đó, khi một trong hai người mất, con bạn sẽ được hưởng phần di sản theo sự định đoạt trong di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. Bố mẹ ly hôn, con cái có được chia tài sản? Bạn Trần Thị Ánh Phượng, Huyện Tánh Linh, Bình Thuận hỏi: Gia đình tôi có 03 chị em đã lập gia đình, nhưng giờ ba, mẹ tôi ly hôn thì phân chia tài sản như thế nào? 3 chị em tôi có được phân chia tài sản của ba, mẹ tôi hay không? Trả lời: Theo quy định tại điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình, khi ly hôn, việc chia tài sản do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó. Về nguyên tắc, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, tức là không bắt buộc phải chia cho các con. Mặc dù vậy, hai bên có thể thỏa thuận cho toàn bộ hoặc một phần tài sản cho con. Việc tặng cho phải lập thành hợp đồng tặng cho có công chứng chứng thực. Ngoài ra, việc chia tài sản được xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên. Trích dẫn:Các nguyên tắc của việc chia tài sản được quy định tại khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình: • Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; • Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; • Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch. Thế nào được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng? Bạn Hoài Linh ở Linh Đàm, Hà Nội hỏi: Sau thời gian chung sống 3 năm, nay vợ chồng tôi muốn nộp đơn ra tòa xin ly hôn. Tôi muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề này, nhưng nghe nói, nếu tình trạng hôn nhân không trầm trọng thì tòa sẽ không giải quyết cho ly hôn ngay. Vậy xin hỏi thế nào mới được coi là tình trạng vợ chồng trầm trọng dẫn đến ly hôn. Xin chân thành cảm ơn giải đáp của quý báo? Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 89 thì Tòa án quyết định cho ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được, mục đích của hôn nhân không đạt được. 1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi: · Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hòa giải nhiều lần. · Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hòa giải nhiều lần. · Vợ chồng không chung thủy với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình; 2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại mục 1 nêu trên. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được. 3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt. Người có nhiều vợ, nhiều con, khi chết tài sản chia như thế nào? Bạn Trần Đình Vũ, Hùng Vương, TP Cà Mau, Email: Vulike@... hỏi: Cha và mẹ tôi kết hôn năm 1962 (bà thứ 1), sau đó cha tôi đi bộ đội chiến trường miền Nam. Trong thời gian ở chiến trường (trước năm 1975), cha tôi đã kết hôn với một người đàn bà khác (bà thứ 2), có giấy kết hôn hay không tôi không biết và cha tôi đã đổi tên, tức không còn giống tên như trên giấy kết hôn với mẹ tôi nữa, cái tên này được dùng cho tới bây giờ, nhưng được đơn vị và chính quyền địa phương đứng ra tổ̉ chức (vì ông nói dối là không còn người thân và chưa có vợ). Sau năm 1975, hai người này đã sống ly thân cho tới nay. Trong thời gian này, cha tôi có quan hệ với một người đàn bà khác (bà thứ 3), không có giấy kết hôn. Họ đã có con với nhau và có một căn nhà. Tới bây giờ họ không còn ở cùng nhau nhưng căn nhà đó vẫn đứng tên một mình cha tôi và người đàn bà đó đang ở. Sau khi chuyển công tác, cha tôi được nhà nước bán cho một miếng đất theo giá của nhà nước. Trên mảnh đất này cha tôi đã xây thành hai căn, ông ấy ở một căn, gia đình tôi và mẹ tôi ở một căn. Thời gian gần đây, vợ chồng tôi đả bỏ tiền ra trả nốt phần tiền đất còn lại. Nhưng khi đi làm giấy tờ đất (tức sổ đỏ ) thì trên giấy tờ đất chỉ để chủ sở hữu là tên của một mình cha tôi: như vậy xin quý báo cho tôi được hỏi một vài câu hỏi như sau: - Tài sản hiện mẹ và cha tôi đang ở và tài sản mà cha tôi để cho người đàn bà kia ở có là tài sản của mẹ tôi hay không? Và mẹ tôi có bao nhiêu % trong khối tài sản đó và tôi là người trả tiền có được sở hửu tài sản hiện giờ hay không? - Nếu cha và mẹ tôi ly hôn hoặc cha và mẹ tôi một trong hai người chết trước thì tài sản đó được chia như thế nào? Các con của bà thứ 1, bà thứ 2, bà thứ 3 (tất cả đều trên 18 tuối) sẽ được hưởng tài sản đó như thế nào? - Nếu cha tôi viết di chúc chỉ cho một người con có được không? Trả lời: Bố mẹ bạn kết hôn năm 1962 là cuộc hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật (lúc bấy giờ Luật hôn nhân và Gia đình năm 1959 đang có hiệu lực pháp luật). Sau đó, bố bạn đã hai lần kết hôn với người khác, một lần trước năm 1975 và một lần sau này. Căn cứ theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành tại thời điểm đó (cụ thể là điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 1959 và Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986), hai cuộc hôn nhân đó đã vi phạm điều cấm của pháp luật: kết hôn với người khác khi đang có vợ. Vì vậy, hai cuộc hôn nhân đó không được pháp luật công nhận. Vì vậy, các tài sản hình thành trong giai đoạn chung sống với hai người phụ nữ đó, nếu không chứng minh được là tài sản riêng, thì đó là tài sản chung. Tài sản là căn nhà hiện đứng tên bố bạn nên là tài sản riêng của bố bạn. (Trừ trường hợp người đó chứng minh được đó là tài sản chung thì các bên định đoạt theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật). Như vậy: • Tài sản chung của bố mẹ bạn gồm hai căn nhà và căn nhà hiện người thứ 3 đang ở (hoặc phần giá trị tương ứng nếu tài sản đó được chứng minh là tài sản chung). • Vì sổ đỏ hiện vẫn đứng tên cha bạn nên về mặt pháp lý vợ chồng bạn chưa phải là chủ sở hữu căn nhà đó. Để trở thành chủ sở hữu căn nhà đó, bố mẹ bạn cần tiến hành thủ tục tặng cho căn nhà đó cho vợ chồng bạn, thực hiện thủ tục sang tên theo đúng quy định của pháp luật. Nếu cha mẹ bạn ly hôn, phần tài sản sẽ được phân chia theo các nguyên tắc sau: - Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; - Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; - Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; - Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch. Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. • Nếu một trong hai người chết trước, di sản do người chết để lại được chia theo di chúc (nếu có) hoặc chia theo pháp luật (những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau). • Cha bạn có quyền lập di chúc để định đoạt phần tài sản của mình theo quy định của pháp luật. Cảm ơn các bạn đã theo dõi chuyên mục của chúng tôi! (Xin chân thành cảm ơn Luật sư Luật Công Minh, Công ty Tư vấn Công Minh: www.luatcongminh.com đã tư vấn cho chuyên mục này). Bạn có thắc mắc về pháp luật, xin gửi câu hỏi cho chúng tôi theo mẫu sau: Your browser does not support inline frames or is currently configured not to display inline frames.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/bandocviet/2009/04/840375/