Bộ máy trong sạch, nguồn lực đủ mạnh

Ngày 22-10, trong ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2016, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017 và đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều đóng góp ý kiến tâm huyết nhằm tạo sự chuyển biến mạnh về kinh tế trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế (TCCKT) trong thời gian tới.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

Tại phiên thảo luận ở tổ, đa số ý kiến nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016. Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nhiệm vụ trọng tâm TCCKT, nhất là tái cơ cấu đầu tư công, ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh. Chính phủ đã tích cực triển khai đồng bộ quy định của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh và thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm; xây dựng, triển khai hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các chương trình mục tiêu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai phát biểu tại tổ. Ảnh: Phương Hoa

Các ý kiến cũng đánh giá cao việc Chính phủ chỉ rõ những hạn chế, yếu kém như: Tăng trưởng GDP 9 tháng qua đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%), dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%); tiến độ tái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm; đời sống người dân còn khó khăn; mất an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội; kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm; đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức...

Về vấn đề này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: "Việc nhìn thẳng những yếu kém trong điều hành kinh tế, Chính phủ mới đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, minh bạch".

Nhiều đại biểu ghi nhận, mặc dù còn khó khăn, hạn chế nhưng tình hình KT-XH nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực, niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên. Các đại biểu cũng đồng tình với quyết tâm của Chính phủ về phương hướng nhiệm vụ năm 2017, với mục tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%...

Tạo sự chuyển biến mạnh cho nền kinh tế

Cũng trong ngày làm việc thứ 3, kế hoạch TCCKT giai đoạn 2016-2020 được các đại biểu tập trung thảo luận. Thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế nhiều thời kỳ khác nhau, từ khi đổi mới đã hơn 30 năm nên giờ tái cơ cấu lại không phải dễ. “Chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Thủ tướng cho rằng, phải có bộ máy, cán bộ làm tái cơ cấu và để tái cơ cấu phải có nguồn lực đủ mạnh. Nợ xấu hiện nay rất lớn, muốn giải quyết phải có tiền. Vì vậy, Nhà nước phải dành ra một nguồn lực cần thiết. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đặt vấn đề tập trung vào một số thế mạnh của Việt Nam để tái cơ cấu. Lấy điển hình từ Cà Mau là nơi sản xuất tôm lớn, xuất khẩu đến 1 tỷ USD, Thủ tướng đặt vấn đề phải nâng cao chất lượng thế nào, giống gì, thâm canh ra sao, môi trường thế nào... Đề cập đến du lịch, Thủ tướng cho rằng đây cũng là một thế mạnh cần tập trung. Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng chỉ có 6-7 triệu khách quốc tế đến, trong khi như Hồng Kông (Trung Quốc) có khoảng 7 triệu dân mà đón đến 60-70 triệu khách, Singapore có mấy triệu dân mà đón 30 triệu khách... Thủ tướng cũng lưu ý đến việc nắm bắt được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số...

Thảo luận tại tổ của Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, góp ý kiến về Kế hoạch TCCKT giai đoạn 2016-2020, đại biểu Phạm Phú Quốc nhận định, việc thực hiện TCCKT giai đoạn 2011-2015 chưa có sự thay đổi cơ bản về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế, chưa tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững và tái cơ cấu nhiều ngành chưa đi vào thực chất, chưa tôn trọng những nguyên tắc về thị trường. "TCCKT giai đoạn vừa qua chưa đạt hiệu quả mong muốn xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là do năng lực quản lý nhà nước về mặt kinh tế cũng như vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội chưa theo kịp. Do đó, kiến nghị trong quan điểm xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 cần bổ sung tăng cường năng lực Chính phủ và nâng cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước đối với kinh tế và tăng cường công tác liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế" - đại biểu Phạm Phú Quốc nói.

Thảo luận ở tổ của Đoàn ĐBQH Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, muốn TCCKT đầu tiên phải tái cơ cấu nguồn lực, chúng ta không dựa vào cơ chế xin - cho. Theo đại biểu, kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, nhưng chúng ta cần chỉ ra các cơ quan cụ thể phải thực hiện nhiệm vụ gì, vì hiện tại mới thấy thực hiện tái cơ cấu là các đề án, cần cụ thể hóa việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước phải chỉ ra bao nhiêu phần trăm cổ phần hóa, đơn vị nào chịu trách nhiệm... Trong khi đó, đại biểu Lê Minh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đề xuất thêm là phải có kế hoạch chống thất thoát, lãng phí và thất thu ngân sách. "Tại sao bà bán phở, bán hủ tiếu nộp thuế đầy đủ nhưng doanh nghiệp lớn lại thường xuyên kêu thua lỗ. Chúng ta phải xử lý để người làm ăn chân chính tồn tại và kẻ gian phải bị xử lý" - đại biểu này nhấn mạnh.

Trung Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/852679/bo-may-trong-sach-nguon-luc-du-manh