Bộ KHĐT: 'Trung Quốc xây dựng đặc khu tới đời thứ 3,4 rồi, Việt Nam quá chậm '

Luật về đặc khu kinh tế đang được gấp rút hoàn chỉnh để trình Quốc hội, tuy nhiên, gần đây dư luận tiếp tục dấy lên lo ngại, cho rằng tư duy ưu đãi tại các đặc khu kinh tế của Việt Nam là tư duy 30 năm trước trong khi thế giới đã phát triển rất xa.

Theo đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Trần Duy Đông - người được xem như tác giả soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật về đặc khu kinh tế) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh các vấn đề về đặc khu kinh tế đang được quan tâm hiện nay.

Thưa ông, có nhiều nghi ngại đặt ra, việc chúng ta đang xây dựng các đặc khu kinh tế chưa phải là nền tảng mới, chúng ta mới chỉ làm được túp lều với nhiều bông hoa cắm trên nóc. Chúng ta mở cửa hết cỡ cũng không hơn được Hàn Quốc nếu không thu hút được tài chính, công nghệ. Trong khi đó, chúng ta chỉ ưu đãi hơn một chút về thuế, về thể chế hành chính liệu có đủ sức để hấp dẫn các nhà đầu tư? Đột phá của chúng ta là gì khi đi sau các nước hàng thập kỷ?

Vụ trưởng Trần Duy Đông: Các đặc khu kinh tế của chúng ta có 9 ưu đãi vượt trội hơn về thuế, thủ tục đầu tư, quy định sử dụng đất, quy hoạch...

Nhấn mạnh thêm là chúng ta có 3 cái đặc biệt. Một là cơ chế chính sách về đầu tư. Chúng tôi nhấn mạnh môi trường đầu tư kinh doanh cho phép áp dụng luật nước ngoài. Các tranh chấp diễn ra tại đặc khu kinh tế hoàn toàn có thể giải quyết tại tòa án nước ngoài. Điều này sẽ tạo sự minh bạch và tạo được sự tin tưởng từ nhà đầu tư nước ngoài.

Trong Luật về khu kinh tế đặc biệt sẽ rút ngắn các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, rút ngắn thủ tục kinh doanh từ hai giấy xuống còn một giấy đăng kí kinh doanh duy nhất. Bộ máy hành chính sẽ tích hợp vào một quy trình, các nhà đầu tư chỉ cần liên hệ trung tâm hành chính để giải quyết tất cả các vấn đề của họ.

Thứ hai là đặc thù về tổ chức bộ máy. Đây là cơ chế chức bộ máy đột phá, thể hiện rõ là không dựa vào trách nhiệm tập thể mà đề ra trách nhiệm cá nhân. Trưởng đặc khu kinh tế sẽ được trao quyền quyết định.

Và thứ ba là hệ thống tư pháp hoàn toàn mới. Sẽ có Luật riêng cho các đặc khu kinh tế, đặc thù mới mẻ. Hiện nay gọi là tòa án đặc khu tương đương cấp huyện nhưng thẩm quyền tương đương cấp tỉnh. Đặc biệt được sử dụng Luật nước ngoài, lựa chọn giải quyết ở tòa án nước ngoài là điểm đột phá quá lớn tại các đặc khu.

Về quy hoạch hiện nay đang thiết kế theo hướng duy nhất, ngay từ đầu phải bao gồm đầy đủ các vấn đề kinh tế xã hội, đất đai, các quy tắc bảo vệ môi trường, di sản văn hóa… Cho phép trưởng đặc khu thuê tư vấn nước ngoài (hiện nay Luật chưa cho phép quy hoạch thuê tư vấn nước ngoài), đảm bảo định hướng tầm nhìn dài hạn hơn tại các đặc khu kinh tế.

Mỗi đặc khu kinh tế sẽ phát triển theo một chiến lược trọng tâm như tại Vân Đồn sẽ ưu tiên phát triển công nghệ cao, dịch vụ và hậu cần hàng không... Phát triển ngành nghề này Vân Đồn sẽ nhận được hậu thuẫn từ khu vực công nghiệp, công nghệ cao lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên... cách đó không xa. Bắc Vân Phong sẽ tập trung vào cơ khí chính xác, cảng biển và dịch vụ vận chuyển quốc tế, thương mại tài chính... với lợi thế đặc thù nhờ cảng nước sâu và vị trí địa lý. Phú Quốc sẽ đặc thù về du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa, phim ảnh, triển lãm thương mại quốc tế, dịch vụ y tế...

Phú Quốc sẽ là đặc khu nằm ở trung tâm ASEAN

Như ông vừa phân tích, chúng ta có nhiều đột phá trong xây dựng đặc khu kinh tế nhưng thực chất mới chỉ là những đột phá so với chính mình. Muốn thu hút nhà đầu tư, mình phải hấp dẫn như thế nào so với họ? Hệ thống tư pháp đưa cho ông trưởng đặc khu cũng không có gì mới. Xét về cạnh tranh quốc tế, mình hấp dẫn so với các đặc khu khác trên thế giới như thế nào?

Vụ trưởng Trần Duy Đông: Đặt ngược lại, kể cả những khu có cơ chế vượt trội hơn cả Dubai chưa chắc các nhà đầu tư đã vào vì chúng ta đều đi sau. Quan trọng nhất là nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên cần có Luật trước đã, cần ổn định trước đã sau đó mới có thể dễ dàng thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Cái khó nhất khi làm luật hiện nay là luật mới ra đời có đáp ứng được nhà đầu tư chiến lược hay không. Điều này quay lại câu chuyện quả trứng con gà. Bộ KHĐT đã làm việc với các nhà đầu tư rồi. Hiện nay có cơ chế mở cho trưởng đặc khu đàm phán và chúng ta sẵn sàng sửa Luật. Nếu chưa có Luật các nhà đầu tư chiến lược cũng không vào. Trước hết phải ra Luật đã, có thể lúc này chưa có nhà đầu tư chiến lược nhưng sau đó nhà đầu tư tham gia khi nhìn thấy chỗ đất này về thể chế này chỉ cần thêm cái này là hấp dẫn. Chúng ta có thể đàm phán sửa Luật để đáp ứng.

Thêm nữa cần nhấn mạnh nữa, quy hoạch tại các đặc khu kinh tế phải là quy hoạch quốc tế. Hiện nay chúng ta đang thuê tư vấn nước ngoài như Mackenzi. Phải có quy hoạch mới thu hút được nhà đầu tư chiến lược.

Nói thêm về lợi thế của các đặc khu, như ông từng phân tích về những lợi thế mà các đặc khu kinh tế của Trung Quốc đã làm khi tận dụng vị trí gần các trung tâm kinh tế lớn như Hồng Kông, Đài Loan để thu hút Hoa kiều. Vậy đối với các đặc khu kinh tế của Việt Nam, về vị trí chiến lược chúng ta dựa vào đầu để thu hút các nhà đầu tư?

Vụ trưởng Trần Duy Đông: Về vị trí chiến lược thu hút đầu tư, đúng là các đặc khu của Trung Quốc có lợi thế gần Hồng Kông, Đài Loan. Còn Việt Nam, với đặc khu Vân Đồn chúng ta có thể tận dụng thị trường 3,4 triệu dân, chỉ cách chúng ta tối đa 3,5 giờ bay từ vùng rộng lớn Quảng Tây, Trung Quốc. Hiện nay tập đoàn Sun Group cũng đã xây dựng sân bay, cảng biển thuận lợi cho việc di chuyển, giao thương, thu hút nhà đầu tư.

Còn Phú Quốc sẽ là đặc khu nằm ở trung tâm ASEAN. Chúng ta sẽ dựa vào khu vực này. Bên cạnh đó, Phú Quốc ngay gần Singapore là trung tâm tài chính của châu Á.

Bắc Vân Phong có cảng nước sâu. Đặc biệt khi chiến lược hàng hải qua kênh đào Kra của Thái Lan (nối liền Vịnh Thái Lan và Ấn Độ Dương) phát triển, Bắc Vân Phong càng thuận lợi để phát triển hàng hải. Chính ra Bắc Vân Phong đặc biệt lợi thế hơn hai đặc khu kia. Như Phú Quốc hiện nay đất không còn nhiều, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ rồi, chỉ còn khoảng 3.000 ha, vì phải lựa chọn nhà đầu tư đúng với lĩnh vực trọng tâm. Bởi việc sản xuất ở Phú Quốc cũng sẽ khó do mang nguyên vật liệu ra đảo chi phí đắt hơn. Trong khi đó, Bắc Vân Phong gần như còn hoang sơ, có khả năng rất lớn để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào.

Trong một số điều khoản, Việt Nam sẽ sử dụng thông lệ quốc tế để thu hút nhà đầu tư chiến lược vào các đặc khu kinh tế. Như ngành du lịch, khi Isarel đưa 2 tỷ USD vào đầu tư, nếu thấy đủ hấp dẫn chúng ta có thể sửa Luật tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào.

Như vậy có thế hiểu là Luật không quy định cứng các ưu đãi, chúng ta có thể sửa Luật để thu hút các nhà đầu tư?

Vụ trưởng Trần Duy Đông: Không phải như vậy, Luật chúng ta phải quy định cứng, ví dụ như thuế thu nhập doanh nghiệp chúng ta phải có khung rõ ràng, nhưng trong Luật chỉ quy định về mức tối đa được ưu đãi. Tuy nhiên, trưởng đặc khu theo thẩm quyền có thể quyết định mức đối với từng dự án. Khi nhà đầu tư chiến lược đề xuất ưu đãi chưa có trong Luật, nếu hợp lý chúng ta sẵn sàng sửa Luật để bổ sung.

Tất nhiên chúng ta không muốn sửa Luật, hạn chế sửa Luật nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, Bộ KH&ĐT thuyết phục Chính phủ nếu nó phục ngành nghề chiến lược ưu tiên phát triển tại từng đặc khu. Điều này sẽ do Thủ tướng điều chỉnh trong từng thời kì.

Như đặc khu kinh tế Jeju của Hàn Quốc, Chính phủ nước này trong 10 năm sửa Luật 6 lần. Chiến lược đầu tư cần cập nhật rất nhanh, do đó Thủ tướng phải nhanh có thể bổ sung ngành đấy vào nếu thấy phù hợp để thu hút đầu tư.

Luật về đặc khu kinh tế hành chính đặc biệt của Việt Nam cần phải mạnh dạn ra trước và khi thấy thích hợp chúng ta có thể sửa Luật.

Thứ hai nữa là, như Bộ Chính trị nói chúng ta đi quá chậm, lúc nào cũng bàn thảo. Đặc khu kinh tế của Trung Quốc đã phát triển tới đời thứ 4 rồi, đã có đặc khu trong đặc khu, họ làm mới và thay đổi liên lục rồi. Ngay cả Lào, Campuchia, Myanmar năm 2014 cũng thành lập 3 – 4 đặc khu.

Không phải áp đặt nhưng Bộ Chính trị nói cứ làm đã, thử nghiệm sau đó chúng ta điều chỉnh sau. Không làm, không đi, không bao giờ đến được. Thủ tướng luôn nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ, không cần quá cầu toàn, phải làm đã.

Xin cảm ơn ông!

Nam Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-khdt-trung-quoc-xay-dung-dac-khu-toi-doi-thu-34-roi-viet-nam-qua-cham-post237411.info