Bộ KHĐT 'phê' một số dự án BOT cưỡng bức người dân

Một số đoạn chỉ là thảm lại bề mặt đường quốc lộ hiện hữu và thu phí. Nhà đầu tư lập luận rằng nhà đầu tư đang bán phần giá trị gia tăng nhưng thực chất là đã tước đoạt đi quyền sử dụng của người dân đối với một tiện ích vốn thuộc về họ.

Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ

Không đợi đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc một số dự án BOT chỉ thảm lại mặt đường nhưng thu phí như xây mới, trong tham luận Thực trạng thu phí và những giải pháp để tránh thất thu đối với các dự án BOT đường bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã nêu rõ quan điểm của mình.

Tự mình tiến hành thanh tra 11 dự án BOT trên quốc lộ 1A thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra một số vấn đề sai sót của các dự án này. Theo Bộ, nhiều dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo và khi trạm thu phí mọc lên, khách hàng không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận qua trạm thu phí.

"Đây là hình thức cưỡng bức sử dụng dịch vụ gây bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua", Bộ KHĐT nêu quan điểm.

Bộ phân tích, người dân đã đóng thuế và Nhà nước có nghĩa vụ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân. Những tuyến đường độc đạo này trước đây được xây dựng dựa trên tiền thuế của người dân; được duy tu, bảo dưỡng dựa trên tiền phí của người dân (qua Quỹ bảo trì đường bộ).

Bây giờ, nhà đầu tư vào lập dự án BOT, một số đoạn chỉ là thảm lại bề mặt và thu phí. Nhà đầu tư lập luận rằng nhà đầu tư đang bán phần giá trị gia tăng nhưng thực chất là đã tước đoạt đi quyền sử dụng của người dân đối với một tiện ích vốn thuộc về họ.

Thực tế mà Bộ KHĐT chỉ ra được chứng minh trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây. Trường hợp cụ thể tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt triển khai dự án hai giai đoạn. Giai đoạn 1 cải tạo nâng cấp mặt đường cũ 4 làn xe. Giai đoạn 2 xây dựng hoàn chỉnh đường cao tốc 6 làn xe.

Nhưng khi mới dự án mới đầu tư giai đoạn 1 (sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm mặt đường cũ), vốn đầu tư chỉ là 30% của dự án nhưng đã tổ chức trạm, thu phí với mức giá 1.500 đống/km. Mức giá này tương đương với giá thu đường cao tốc xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình. Thanh tra Chính phủ kết luận là bất hợp lý và bất thường và yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân.

Bên cạnh đó, Bộ KHĐT cũng chỉ ra bất cập về việc đặt trạm thu phí, trong đó có những trường hợp đã được phản ánh trước đây như trạm thu phí Phước Tượng, được đặt trước hầm đường bộ Hải Vân khiến người dân Lăng Cô không đi qua đoạn hầm này vẫn phải nộp phí. Một số dự án tính giá tiền thu phí cõng cả phí cho các dự án khác.

Hầu hết các dự án BOT không phải xây dựng tuyến mới, chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu vốn có nhiều giao cắt đồng mức. Do đó, chỉ có thể áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt), không thể áp dụng hình thức thu phí kín (thu phí theo chiều dài quãng đường thực đi).

Bộ cho rằng hình thức thu phí hở này vừa không đảm bảo kiểm soát được lưu lượng thực tế, vừa gây khó khăn cho địa phương nơi trạm thu phí được lắp đặt.

Trên thực tế, người dân sống gần trạm thu phí là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do họ có xu hướng bị nộp phí nhiều hơn và gánh chịu chi phí hàng hóa đắt đỏ hơn. Theo Bộ này, cần có giải pháp đối với người dân địa phương sống gần trạm thu phí để tránh những bức xúc như hiện nay.

Mức thu phí đối với loại xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng hiện dao động từ 15.000 - 52.000 đồng. Chính vì mức độ dao động lớn như vậy nên các trạm thu phí khác nhau trên cùng tuyến quốc lộ có mức thu rất khác nhau, gây bức xúc cho người dân.

Theo đó, Bộ KHĐT đưa ra khuyến nghị Bộ Giao thông vận tải, các địa phương cần rà soát, nghiên cứu quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông để xác định tuyến đường nào cần đầu tư BOT, tuyến đường nào có thể đầu tư vốn ngân sách. Đặc biệt, cần chú trọng chỉ chấp thuận đầu tư BOT trên những tuyến đường có đường song hành để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân.

Để tránh tình trạng bất công về thu phí, các đơn vị liên quan cần sớm có lộ trình áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Theo Bộ, với công nghệ này, việc trả phí được thực hiện qua tài khoản thu phí giao thông của khách hàng và mọi giao dịch sẽ được quản lý qua ngân hàng. Do đó vừa tiết kiệm chi phí trong tổng vốn đầu tư dự án BOT, vừa nâng cao tính minh bạch, chống thất thoát phí.

N.A

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-khdt-phe-mot-so-du-an-bot-cuong-buc-nguoi-dan-post234839.info