Bộ Giáo dục thừa nhận 'bó tay' trước vấn nạn viết thuê luận văn tiến sĩ

TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Đại học (bộ GD&ĐT) thừa nhận, việc phát hiện viết luận văn, luận án thuê là điều không dễ.

Sau loạt bài “Sôi động thị trường viết thuê luận văn”, PV báo Người Đưa Tin đã nhận được phản hồi chính thức từ TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng vụ Đại học (bộ GD&ĐT).

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, quan điểm của bộ GD&ĐT thì hành vi thuê viết luận văn bị coi là gian lận trong thi cử.

“Luận văn, luận án là tổng hợp kết quả của quá trình học tập nghiên cứu của học viên cao học và nghiên cứu sinh (NCS). Việc đi thuê viết luận văn, luận án hay viết thuê luận văn, luận án xét về khía cạnh đạo đức hay khoa học đều có thể bị coi là những hành vi gian lận trong học tập”, trích văn bản phản hồi của TS. Phụng.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng.

Quan điểm của bộ GD&ĐT được thể hiện chính thức và rõ nét nhất trong Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT (Điều 28).

Theo quy định đó, văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp sau đây: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ.

Nói về việc phát hiện luận văn gian lận có khó hay không, TS. Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, việc phát hiện viết luận văn, luận án thuê là điều không dễ. Hành vi gian lận này có thể được phát hiện nếu các luận văn, luận án được viết thuê đó là sản phẩm của sự sao chép hay xâm phạm bản quyền.

Trong trường hợp luận văn, luận án không phải là sao chép hay xâm phạm bản quyền thì các Hội đồng chấm chỉ có thể kiểm tra trực tiếp kiến thức, năng lực thực tế của học viên cao học, NCS tại các buổi bảo vệ luận án.

“Nếu học viên cao học, NCS không đạt yêu cầu về kiến thức hoặc không nắm được, không bảo vệ được nội dung luận văn, luận án thì có thể bị đánh giá là không đạt yêu cầu và không được cấp bằng; Riêng việc phát hiện hiện tượng viết thuê trong trường hợp không có sao chép gian lận, thí sinh nắm được nội dung luận án là điều rất khó khăn”, TS Phụng cho biết.

Một dịch vụ viết luận văn thuê quảng cáo trên mạng.

Về các quy định của bộ GD&ĐT nhằm hạn chế việc thuê viết luận văn, TS Phụng cho biết: “Rõ ràng nhất là quy định về thu hồi, hủy bỏ văn bằng ban hành kèm theo Thông tư số 19. Trong Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ đều có quy định về cam đoan danh dự về kết quả nghiên cứu trung thực, tuân thủ pháp luật về sở hữu trí tuệ; về thẩm định lại luận văn, luận án và giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Còn các giao dịch liên quan đến thuê và viết thuê luận văn, luận án là giao dịch “chui”, có tính dân sự, phần lớn là qua thỏa thuận miệng, không công khai nên rất khó có bằng chứng để áp dụng chế tài.

Tuy nhiên, thực tế, việc viết thuê luận văn thường gắn với hành vi sao chép bất hợp pháp các kết quả nghiên cứu của người khác. Khi các luận văn, luận án đó bị phát hiện là sao chép thì tùy theo mức độ vi phạm, các cơ sở đào tạo sẽ có biện pháp xử lý cụ thể và mức cao nhất là thu hồi các văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho các cá nhân đứng tên luận văn, luận án đó.

Trong lĩnh vực đào tạo, bộ GD&ĐT cũng đã quy định chặt chẽ để xử lý việc sao chép luận văn, luận án cũng như khuyến khích các cơ sở đào tạo tăng cường ứng dụng thông tin và sử dụng các phần mềm chống sao chép luận văn, luận án để có căn cứ xử lý cá nhân vi phạm”.

Lại Cường

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bo-giao-duc-thua-nhan-bo-tay-truoc-van-nan-viet-thue-luan-van-tien-si-a337847.html