Bộ GDĐT báo cáo gì với Quốc hội việc dạy và học ngoại ngữ?

Trong báo cáo dài 5 trang gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ GD- ĐT không đề cập tới việc dạy và học tiếng Nga, tiếng Trung là ngoại ngữ thứ nhất như đã từng đưa ra.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa ký báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Đây là vấn đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đưa ra ý kiến phản biện.

Mục tiêu quá cao

Theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg (2008) của Thủ tướng Chính phủ, tổng kinh phí để thực hiện Đề án giai đoạn 2008-2020 là 9.378 tỷ đồng. Kinh phí dự toán để thực hiện Đề án được chia làm ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 2008 - 2010 là 1.060 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 4.378 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 4.300 tỷ đồng.

Bộ GD- ĐTcho biết, tổng số vốn đã được huy động để bố trí cho Đề án giai đoạn 2008 - 2015 là 3.829 tỷ đồng, bao gồm 2.198 tỷ đồng vốn trung ương (chiếm tỷ lệ 57,4%) và 1.631 tỷ đồng vốn đối ứng của địa phương và các nguồn tài trợ khác (chiếm tỷ lệ 42,6%), đạt 87,3% kinh phí dự toán của giai đoạn 2011- 2015.

Trong báo cáo dài 5 trang gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ GD- ĐT không đề cập tới việc dạy và học tiếng Nga, tiếng Trung là ngoại ngữ thứ nhất như đã từng đưa ra.

Qua thời gian triển khai (trễ tiến độ, mục tiêu đặt ra từ năm 2008 nhưng thực tế mới được triển khai chính thức từ năm 2011), báo cáo đưa ra nhận định: Một số mục tiêu của Đề án được đặt ra quá cao so với khả năng thực hiện, chưa phù hợp với xuất phát điểm về năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học cũng như thực trạng dạy và học ngoại ngữcủa cả nước.

Hơn nữa, việc triển khai Đề án được tổ chức với nhiều hoạt động và yêu cầu thực hiện thống nhất trên toàn quốc, trong khi đó có sự khác biệt lớn về nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học ngoại ngữ giữa các vùng, miền cũng như giữa các cơ sở đào tạo; quy mô người học rất lớn, trong khi năng lực và nghiệp vụ sư phạm của người dạy ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu...

Bộ cũng đánh giá, việc bố trí và sử dụng kinh phí của Đề án thời gian qua cũng còn một số bất cập khi còn dàn trải, chậm trễ. Thậm chí, nhiều địa phương khi triển khai kinh phí tập trung vào đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ, chưa chú ý nhiều đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ.

Tập trung chủ yếu vào tiếng Anh

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai Đề án theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó tập trung chủ yếu là tiếng Anh; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư cho các hoạt động dạy và học ngoại ngữ.

Bộ trưởng cũng đưa ra nhóm giải pháp sẽ thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo trong đó tập trung vào nâng chất lượng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; Rà soát, xây dựng và ban hành chương trình dạy và học ngoại ngữ thống nhất trên toàn quốc; Xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá trong dạy và học ngoại ngữ của Việt Nam theo hướng hội nhập với chuẩn quốc tế; Xây dựng trung tâm khảo thí ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để đảm bảo sự minh bạch, chính xác và thống nhất trong hoạt động khảo thí ngoại ngữ trên cả nước.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phân công Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị Báo cáo của Chính phủ đánh giá về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Đánh giá kết quả việc đổi mới trong các kỳ thi năm học 2015 - 2016 và dự kiến kỳ thi năm học 2016 – 2017; Kết quả chương trình dạy học theo mô hình Việt Nam mới (VNEN) và việc dự kiến đưa các môn học ngoại ngữ (tiếng Nga, tiếng Trung…) trong các chương trình giáo dục.

Liên quan đến Đề án này, Bộ từng đề xuất lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có mục tiêu chính nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Song song với tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất. Cụ thể, Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017. Đề xuất này được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và các chuyên gia giành nhiều ý kiến phản biện./.

T.Nam

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-duc/bo-gddt-bao-cao-gi-voi-quoc-hoi-viec-day-va-hoc-ngoai-ngu-216756.html