Bộ GD&ĐT: Thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc từ lớp 3

Theo lộ trình thực hiện từ năm 2017, Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ 1 và sẽ thí điểm từ lớp 3.

Bộ GD&ĐT thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc từ lớp 3. Ảnh IE.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung Quốc từ lớp 3 tới lớp 12 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 17/9 vừa qua.

Theo lộ trình này, Bộ GD&ĐT thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông tiếng Nga, tiếng Trung Quốc từ lớp 3 tới lớp 12 theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để làm cơ sở biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa và học liệu phục vụ dạy và học trong trường phổ thông.

Năm học 2016-2017, Bộ đã cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tiểu học tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM, gồm tiểu học Nguyễn Du, tiểu học Khương Thượng, tiểu học Chu Văn An, tiểu học quốc tế Gateway và trường Việt Úc (TP HCM). Môn này lần lượt nhân rộng trên cả nước, đặc biệt là những địa phương có nguyện vọng và điều kiện triển khai.

Tiếng Hàn, tiếng Pháp được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai. Năm học này, tiếng Hàn được thí điểm ở lớp 6 và lớp 10 tại một số trường có nguyện vọng ở Hà Nội và TP HCM. Giai đoạn 2017-2025, ngoại ngữ này sẽ lần lượt được triển khai ở các lớp tiếp theo của cấp THCS và cấp THPT. Sau thí điểm, các trường có đủ điều kiện và nhu cầu thì có thể tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ thứ hai.

Đối với tiếng Pháp, điều chỉnh, đổi mới chương trình song ngữ tiếng Pháp từ cấp tiểu học đến THPT theo hướng tinh giản và hiện đại hóa; Hoàn thiện bộ sách tiếng Pháp ngoại ngữ 2 quyển 1 với sự hợp tác của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Triển khai thí điểm tiếng Pháp ngoại ngữ 2 trên diện rộng phạm vi toàn quốc với bộ sách mới biên soạn với sự hỗ trợ của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Đối với tiếng Đức, bắt đầu từ năm 2016 – 2017, triển khai dạy thí điểm ở trường THCS và THPT có nguyện vọng và điều kiện triển khai trong số các địa phương hiện đang tiến hành giảng dạy tiếng Đức là TP.HCM, TP.Hà Nội, TP. Hải Phòng. Sau đó sẽ lần lượt mở rộng việc dạy tiếng Đức ở các trường phổ thông có nguyện vọng và có đủ điều kiện triển khai trên toàn quốc.

Đối với tiếng Anh, thẩm định, ban hành chính thức chương trình ngoại ngữ phổ thông (10 năm). Khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn, xây dựng, áp dụng các tài liệu dạy học song ngữ. Đến năm 2019 – 2020 có tối thiểu 3% học sinh tiểu học, 7% học sinh THCS và 20% học sinh THPT học bằng sách song ngữ.

Hiện nay, tiếng Nga và tiếng Trung Quốc đang là một trongg 5 ngoại ngữ chính thức giảng dạy trong trường phổ thông, có mặt trong các môn thi tốt nghiệp THPT.

Tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ đối với môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên ở các trường THPT. Đến năm 2020 có 10% và đến năm 2015 có 20% học sinh THPT học môn Toán và một số môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (gọi tắt là Đề án 2020) đã có 7 năm triển khai trên toàn quốc.

Trong giai đoạn tiếp theo, Đề án 2020 sẽ tiếp tục được đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ nhằm đảm bảo đến năm 2020 đa số học sinh đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp.

Đến năm 2025, đa số thanh niên Việt Nam, cán bộ công chức, viên chức, nguồn nhân lực có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc.

Phương Linh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/bo-gddt-thi-diem-chuong-trinh-giang-day-tieng-nga-tieng-trung-quoc-tu-lop-3/