Bộ GD&ĐT phản hồi về sửa quy định đánh giá học sinh tiểu học

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Nguyễn Diệu Ly (TP. HCM) phản ánh một số bất cập về quy định đánh giá học sinh tiểu học tại Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh để giảm bớt áp lực học tập cho học sinh.

Bà Ly tham khảo Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT thấy có nội dung, việc đánh giá định kỳ sẽ có thêm các bài kiểm tra lấy điểm số, đồng thời giáo viên dùng lời nói để đánh giá thường xuyên.

Bà Ly cho rằng, Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT được ban hành nhằm giảm áp lực cho học sinh khi không đánh giá bằng điểm số, nhưng nay Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT lại quay lại đánh giá bằng điểm số qua các bài kiểm tra định kỳ nên lại tiếp tục tạo gánh nặng học hành cho học sinh.

Bà Ly đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có biện pháp điều chỉnh để giảm bớt áp lực học tập cho học sinh.

Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT ngày 28/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học đã thể hiện tinh thần đổi mới, đánh giá học sinh tiểu học phù hợp với xu thế đổi mới đánh giá giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đó là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh học được, tự tin, thích học, học tốt, không so sánh học sinh này với học sinh khác, nhấn mạnh đánh giá quá trình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT ngày 22/9/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT.

Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung giúp giáo viên, nhà trường dễ thực hiện hơn, khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT trong thời gian qua.

Tư tưởng nhân văn trong đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không so sánh học sinh này với học sinh khác, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh,... vẫn được kế thừa và phát triển trong Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT.

Việc ban hành Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT đã được xin ý kiến rộng rãi của các Sở Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia giáo dục và các cán bộ quản lý.

Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 6/11/2016, là thời điểm giữa học kỳ I năm học 2016 - 2017 nên việc đánh giá sẽ bắt nhịp ngay và không gây bất kỳ xáo trộn nào cho hoạt động dạy - học và đánh giá học sinh tiểu học ở các nhà trường.

Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh về học tập theo 2 mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành. Qua thực tiễn cho thấy, việc quy định như thế nghiêng về định tính, chưa động viên, khơi dậy được tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh, đặc biệt là các em có kết quả hoạt động giáo dục ở mức độ tốt, mức cao hơn so với yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Thông tư số 20/2016/TT-BGDĐT khắc phục bằng quy định việc đánh giá định kỳ đối với từng môn học, hoạt động giáo dục được lượng hóa thành 3 mức: Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành.

Việc quy định như vậy xác định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kỹ năng để động viên học sinh phấn đấu trong học tập; giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp dạy và học, đồng thời giúp cha mẹ học sinh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình và có biện pháp giúp đỡ để các em tiếp tục vươn lên.

Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT quy định có bài kiểm tra định kỳ cho các khối lớp tiểu học vào cuối học kỳ I và cuối năm học đối với các môn học: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT quy định thêm về các bài kiểm tra định kỳ giữa học kỳ I và giữa học kỳ II cho khối 4, khối 5 đối với 2 môn Tiếng Việt và Toán, bởi lớp 4, lớp 5 có yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cơ bản ở mức sâu hơn, khái quát hơn.

Môn Tiếng Việt và môn Toán là 2 môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác trong toàn cấp học, đặc biệt là ở khối 4 và khối 5. Việc kiểm tra sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh đối với 2 môn học này.

Mặt khác, việc có thêm bài kiểm tra định kỳ giữa các học kỳ cũng tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá của các cấp học tiếp theo.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/bo-gddt-phan-hoi-ve-sua-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-2703268-l.html