Bộ GD-ĐT phản hồi về đề thi tham khảo môn Địa lý bị sai sót

Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi tham khảo chỉ mang tính chất tham khảo. Còn khi thi thật, những thông tin chưa được cập nhật trong sách giáo khoa sẽ không được đưa vào đề để tránh sai sót, tranh cãi.

Cụ thể, giải thích về những sai sót có liên quan đến phần kiến thức trong đề thi tham khảo môn Địa lý, đại diện tổ xây dựng đề tham khảo môn này cho biết, các kiến thức trong phần câu hỏi tham khảo đã bám sát sách giáo khoa Địa lý và Atlat để ra đề, nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa việc học, ôn tập và thi của học sinh. Song, có một số nội dung trong sách giáo khoa có thể đã lạc hậu do tình hình kinh tế - xã hội thay đổi liên tục trong khi sách giáo khoa chưa thể cập nhật thường xuyên.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên và học sinh thắc mắc, nếu như nhiều kiến thức trong sách giáo khoa Địa lý bị “lạc hậu” như vậy, trong kỳ thi thật, học sinh trả lời kiến thức mới đã được cập nhật có được tính điểm không? Giáo viên phải ôn tập cho học sinh theo phương án nào, kiến thức cập nhật hay kiến thức cũ?

Nói về vấn đề này, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, để tránh gây ra những tranh cãi không đáng có trong đề thi thật, ban ra đề sẽ rút kinh nghiệm và không đưa ra các thông tin chưa được cập nhật trong sách giáo khoa nữa.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại Hà Nội. (Ảnh: Đàm Duy)

Theo TS Sái Công Hồng - Cục phó Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), Bộ đã nhận được phản hồi về đề thi và rút kinh nghiệm.

Ông Hồng giải thích thêm, việc Bộ GD-ĐT công bố lần lượt các đề minh họa, thử nghiệm và tham khảo mục đích là giúp học sinh (tại thời điểm đã hoàn thành chương trình lớp 12) có bức tranh chung về đề thi để ôn tập, định hình và biết được cấu trúc của đề thi, tránh bỡ ngỡ.

“Như vậy, đề thi lần này mang tính chất tham khảo. Đề thi thật sẽ được thực hiện chặt chẽ từ khâu thành lập ban ra đề, tuyển chọn đề, theo tính chất kỳ thi cấp quốc gia” - ông Hồng khẳng định.

Trước đó, một số giáo viên bộ môn Địa lý và Hóa học đã phát hiện ra những lỗi sai trong đề thi thử nghiệm của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, ở môn Địa lý, theo các giáo viên, câu 44 mã đề 003 không có đáp án nào đúng khi đặt câu hỏi: “QL1 bắt đầu từ tỉnh Lạng Sơn và kết thúc ở: A. Cần Thơ; B. Kiên Giang; C. Cà Mau; D. TP.HCM”. Các giáo viên cho rằng, nước ta không có QL1 mà chỉ có QL1A, QL1B, QL1K...

Hoặc câu 55: “Dựa vào Atlat địa lý Việt Nam trang 15, cho biết các đô thị nào sau đây có quy mô dân số trên 1 triệu người? A. TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng; B. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng; C. Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nội; D. Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM”. Theo các giáo viên, câu này không bám sát thực tế. Số dân Đà Nẵng năm 2015 đã trên 1 triệu, Hải Phòng trên 2 triệu, còn Hà Nội và TP.HCM thì "khỏi phải nói". Vậy đáp án nào đúng?

Ngoài ra, nhiều giáo viên bộ môn Hóa còn phát hiện ở câu 74 có hai đáp án cùng đúng.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bo-gd-dt-phan-hoi-ve-de-thi-tham-khao-mon-dia-ly-bi-sai-sot-771111.html